Giải mã ý nghĩa của những biểu tượng trong Phật giáo Tây Tạng - chuyến "hành hương" kỳ thú

Nguyên Trân Chủ nhật, ngày 26/05/2024 10:57 AM (GMT+7)
"Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng" là một trong những tác phẩm nổi tiếng của học giả người Anh Robert Beer vừa được nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Cẩm Thượng và con gái Phan Tường Linh chuyển ngữ.
Bình luận 0

Qua 16 chương sách, "Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng" đưa bạn đọc vào một "chuyến tham quan" ngoạn mục và lý thú: Bắt đầu bằng các nhóm biểu tượng tốt lành khác nhau của Phật giáo Tây Tạng; kế đến là những hình tượng động vật tự nhiên, thần thoại, biểu tượng vũ trụ; rồi cuối cùng "dừng chân" ở những nghi lễ thần bí của Kim cương thừa.

Giải mã ý nghĩa của những biểu tượng trong Phật giáo Tây Tạng - chuyến "hành hương" kỳ thú- Ảnh 1.

Biểu tượng trong Phật giáo Tây Tạng được giải mã thông qua việc chuyển ngữ của dịch giả Phan Cẩm Thượng, Phan Tường Linh. Ảnh: Bìa sách "Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng"

5 chương đầu tiên trình bày các nhóm những biểu tượng, lễ vật tốt lành (nhiều trong số đó được xem là hoạ tiết biểu tượng đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu).

Một trong những biểu tượng nhà Phật được biết đến nhiều nhất: bánh xe pháp - một trong nhóm 8 biểu tượng tốt lành (bát bửu). Hãy nghe Robert Beer lật mở từng lớp ý nghĩa bên trong biểu tượng này: "Ba thành phần của bánh xe - trục, nan hoa và vành - tượng trưng cho ba khía cạnh của Phật thuyết về đạo đức, trí tuệ và định lực.

Trục trung tâm tượng trưng cho kỷ luật đạo đức, tập trung và ổn định tâm trí. Các nan hoa sắc nhọn tượng trưng cho trí tuệ hay trí tuệ phân biệt cắt đứt vô minh. Vành tượng trưng cho sự tập trung thiền định, vừa bao trùm vừa tạo đà chuyển động của bánh xe"...

Về phương pháp thực hành, Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng có nhiều những nghi lễ thần bí, bí truyền, liên quan tới đạo sư và các vị thần. Robert Beer lần lượt trình bày về những nghi thức chính của Phật giáo Kim Cương thừa, các vũ khí truyền thống và ma thuật, các pháp khí cơ bản của các vị thần và đạo sư…

Giải mã ý nghĩa của những biểu tượng trong Phật giáo Tây Tạng - chuyến "hành hương" kỳ thú- Ảnh 2.

"Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng" giúp người đọc có được "chuyến hành hương" thông qua việc giải mã ý nghĩa của những biểu tượng trong Phật giáo Tây Tạng.

Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và lọt top 100 cuốn sách bán chạy nhất hạng mục "Nghệ thuật & Nhiếp ảnh tôn giáo" (Religious Arts & Photography) trên Amazon.

"Robert Beer yêu thích văn hóa Ấn Độ và Tây Tạng như sùng bái thần thánh, tác giả viết với niềm đam mê, kỹ lưỡng và cẩn thận của một học giả nghiên cứu, lại tự mình vẽ tất cả các minh họa, rồi ông trình bày bằng một lối văn tiếng Anh uyển nhã", dịch giả Phan Cẩm Thượng chia sẻ.

Với hơn 30 năm tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu, nhà nghiên cứu, hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng đã xuất bản nhiều tựa sách nổi bật như "Mỹ thuật của người Việt", "Nghệ thuật ngày thường", "Văn minh vật chất của người Việt", "Tập tục đời người"...

"Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng" truyền đạt đến người đọc tinh thần và sự hạnh ngộ nội tâm, đem lại cho người đọc cảm giác như "chuyến hành hương trên các đỉnh núi Tây Tạng, đọc Kinh bằng tiếng Phạn, tiếng Tạng và nghe văng vẳng bên tai tiếng gió hú từ các ngọn núi cao đầy tuyết"...

Không những vậy, "Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng" sẽ rất hữu ích với những nghệ sĩ, nhà thiết kế, cùng bất cứ ai quan tâm đến nghệ thuật biểu tượng, mỹ thuật và nghệ thuật phương Đông.

Học giả người Anh Robert Beer có hơn 30 năm nghiên cứu và thực hành nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Ông là một trong những người phương Tây đầu tiên tích cực tham gia vào loại hình nghệ thuật này. Riêng những bức vẽ của ông đã xuất hiện trên hàng trăm cuốn sách và trang website liên quan đến Phật giáo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem