'Giải mật' những tồn nghi triều Nguyễn (Kỳ 3): Vì sao vua Hiệp Hòa bị giết?
'Giải mật' những tồn nghi triều Nguyễn (Kỳ 3): Vì sao vua Hiệp Hòa bị giết?
Thứ hai, ngày 14/09/2020 18:30 PM (GMT+7)
Về việc truất phế vua Hiệp Hòa và giết chết ngài sau 4 tháng tại vị cũng vì ngài mật mưu với Pháp để triệt hạ hai ông Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết là những cố mạng lương thần chống lại Hiệp ước Harmand ngày 25/8/1883 cùng đường lối thân Pháp của ngài.
Mọi việc do vua Hiệp Hòa tự quyết định, không cần ý kiến của viện Cơ mật, đặc biệt là hai Phụ chánh Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết. Lúc vua mới lên ngôi, các Phụ chánh nghe tin báo chí đồn rằng Pháp sắp đánh Thuận An, có tâu trình rằng Tiên vương Tự Đức đã có xin vua Thanh viện trợ và xin vua "giáng dụ nghiêm sức các quan quân thứ chia quân tiến đánh, cho chúng nhọc về phòng bị, không có thì giờ mưu tính việc khác, thì ta mới được giữ vững để đợi nước Thanh xử trí". Vua Hiệp Hòa miễn cưỡng "bảo rằng trí khôn mọi người đã định, việc thành là ở quả quyết, tạm nghe theo". Khi sai quan trao cho ông Tôn Thất Thuyết lá cờ lệnh và ngự bài binh sự để "được tiện nghi làm việc" giữ Cửa Thuận chống quân Pháp, vua "Lại răn rằng: nếu giảng hòa được, cũng nên tòng quyền làm kế hoãn binh, hết thảy mọi việc cốt phải muôn phần không còn lo ngại để giữ tôn miếu xã tắc, là sức ngươi cả. Nếu cậy khỏe hiếu thắng, không biết cơ nghi, tất phải trách cứ rất nặng".
Trước đó, vua sai cựu lãnh sự ở Gia Định Nguyễn Thành Ý, lúc ấy làm Tham tri bộ Binh cùng Hành nhân (Thông ngôn) là Nguyễn Hữu Thơ đến tạm đóng ở cửa biển Thuận An để đợi khi "tàu của toàn quyền Pháp Harmand" đến thì "thương thuyết". Khi tàu Pháp tự tiện đến đỗ ở cửa biển Tư Hiền, và cho quân "xuống thuyền ván... vào đo cửa biển rồi chạy đi", các quan viện Cơ mật và Thương bạc xin ra lệnh từ sau phải xét hỏi và ngăn lại. "Vua bảo rằng: 2 đồn đóng giữ cửa biển ở kinh vừa không đủ trông cậy, nếu không biết cơ nghi, hiểu lý thế thì không được, nên giữ gìn mà thôi, không nên gây hiềm khích".
Khi người Pháp không chịu điều đình với ông Nguyễn Thành Ý, thì "vua lại sai Trần Thúc Nhận, Phạm Như Xương đi tiếp theo, đại khái đem các việc vua cũ mới chết, vua mới lên ngôi giữ lẽ bàn bạc". Các ông này đến thành Trấn Hải thì thành bị Pháp liên tiếp tấn công bằng đại pháo và súng cá nhân rồi mất. Không tiếp xúc được với Pháp và "Trấn Hải không giữ được, Thúc Nhận tự nhảy xuống biển chết". Được tin, vua "lập tức sai thượng thư bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp đến ngay thành Trấn Hải bàn hòa. Lại sắc cho các đồn từ Lộ Châu trở lên đều phải canh giữ phòng thủ cho nghiêm. Nếu tàu nước ấy có đến đồn nào, tức phải treo cờ trắng, không được bắn khiêu khích". Cùng đi với quan Thương bạc Nguyễn Trọng Hợp (Hiệp) vào đêm 20 rạng ngày 21/8/1883 để điều đình có GM Caspar, trợ tế Tòa thánh ở địa phận Bắc Đàng Trong, được Phụ chánh Trần Tiễn Thành đến nhà thờ Kim Long thỉnh cầu theo lệnh của vua Hiệp Hòa. Theo lời vị này thì họ đi thuyền với những ngọn đuốc soi sáng và một cây cờ trắng và được gặp Tổng ủy Harmand lúc 3 giờ khuya. Một cuộc hưu chiến được Tổng ủy chấp nhận với điều kiện là triều đình phải di tản tất cả các pháo đài lân cận với Trấn Hải và phá hủy tất cả dụng cụ chiến tranh ở các nơi đó; triều đình cần bằng lòng đến Sứ quán Pháp vào ngày mai để nghe những đề nghị cần phải được tuân hành, nếu không thì cuộc chiến sẽ tái diễn.
Triều đình chịu theo mọi điều kiện và một thỏa ước được ký kết vào ngày 25/8/1883. Theo đó, Việt Nam chấp nhận quyền bảo hộ của nước Pháp với hậu quả là triều đình phải giao hẳn quyền ngoại giao cho Pháp hành xử. Dù hiệp ước không hề được hai bên phê chuẩn và sẽ được thay thế bằng Hiệp ước Patenôtre ngày 6/6/1884, nhưng nó để lại những hậu quả tức thì: quân Pháp chiếm đóng vĩnh viễn các thành cửa Thuận An; ông de Champeaux trở lại làm Khâm sứ với quyền hội kiến riêng tư với vua. Ngoài ra triều đình phải: nhượng tỉnh Bình Thuận cho Nam Kỳ thuộc Pháp và ba tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh cho Bắc Kỳ được đặt dưới quyền kiểm soát của Pháp; triệu hồi quân đội đã được gửi ra Bắc để chống Pháp và dẹp loạn, đặt Bắc Kỳ vào tình trạng hòa bình; chịu cho Pháp đặt Công sứ ở các tỉnh Bắc Kỳ; ra lệnh cho quan lại đã bỏ chức để đi đánh Pháp trở về nhiệm sở cũ; bổ nhiệm viên chức mới cho những chỗ bị khuyết vì quan viên trước đã từ bỏ nhiệm sở, và hợp thức hóa những quan viên do Pháp đã tạm bổ nhiệm. Hiệp ước được Tổng ủy Harmand cho áp dụng ngay và đã giết hại, ức hiếp, hạ nhục các quan ở Bắc Kỳ, mà vua và triều đình không bênh vực được, gây không biết bao uất hận, khiến thành phần tham gia cuộc chính biến lật đổ vua Hiệp Hòa hết sức đông đảo.
Cuối tháng 11/1883, Tổng ủy Harmand cho Khâm sứ de Champeaux hay tình hình ở Bắc Kỳ rất tồi tệ, hầu hết mọi quan tỉnh trong vùng châu thổ, với sự đồng lõa của triều đình Huế, cấu kết với quân thù và đòi hỏi vị Khâm sứ phải buộc phía Việt lập tức thay thế hầu hết các Thượng thư và các quan tỉnh nào ở Bắc Kỳ có bằng chứng phản phúc. Được lệnh này của vị Tổng ủy, ông de Champeaux cho mời ngay người mà vua Hiệp Hòa, bất chấp sự phản đối của các quan viện Cơ mật Tường và Thuyết, thường sai đến sứ quán là Tuy Lý vương Miên Trinh xếp đặt lịch. Ngày 28/11/1883, vị Khâm sứ được vua Hiệp Hòa tiếp kiến riêng tại điện Văn Minh, không có hai Phụ chánh Tường, Thuyết tham dự. Liền đêm 28 rạng ngày 29/11/1883, trong lúc ông de Champeaux đi xuống Thuận An bàn việc diệt trừ hai ông Tường, Thuyết thì cuộc đảo chánh do hai vị Phụ chánh dẫn đạo bắt đầu vào canh hai. Ngày sau, Hoàng tử Dưỡng Thiện được Tôn nhân, đình thần đề nghị và Thái hoàng Thái hậu Từ Dũ chấp thuận cho lên ngôi, thay vua Hiệp Hòa đã bị cho uống thuốc độc chết sáng ngày đó. Theo lời thuyền trưởng tàu Vipère Picard Destelan, người đã cứu cấp các hoàng thân, công tử và cho tá túc trên tàu khi cuộc đảo chánh xảy ra, thì vua Hiệp Hòa có cầu cứu với Sứ quán Pháp, nhưng vô hiệu. Vì vậy, cuộc đảo chánh của hai ông Tường, Thuyết đã "được thực hiện một cách tuyệt hảo, và thành công ngoài mọi sự chờ đợi".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.