Giải pháp nào “gỡ” thế khó trong xây dựng nhà ở cho công nhân?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 06/12/2024 16:45 PM (GMT+7)
Hiện nay cả nước có hơn 7 triệu công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất và có tới hơn 50% trong số này có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu. Mặc dù có nhiều giải pháp nhưng xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động khó lại càng khó.
Bình luận 0

Mới có 30% công nhân, lao động được đáp ứng nhà ở

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Nghĩa - Trưởng Ban quản lý thiết chế Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về giải pháp đẩy mạnh xây dựng nhà ở, nhà cho công nhân lao động thuê.

Ông nhận định thế nào về thực trạng nhà ở cho công nhân?

- Chúng tôi đi khảo sát về nhà ở của công nhân lao động ở rất nhiều nơi, đặc biệt ở những nơi có đông công nhân, lao động, ví dụ như Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Đồng Nai, Hà Nội... và thấy công nhân lao động rất khó khăn.

Số liệu khảo sát năm 2024 cho thấy 3,9% người lao động di cư đang ở trong các phòng trọ cấp 4 nhà dân, nhà cho thuê hoặc lợp fibro xi măng. Mặc dù đa phần nhà trọ đã trang bị nhà vệ sinh khép kín nhưng việc phục vụ nhà ở cho công nhân còn ít, khó tiếp cận.

Căn hộ của họ rất bé, nhà vệ sinh có những nơi sử dụng chung, điều kiện điện nước, điều kiện sống không được hỗ trợ tối thiểu để công nhân tái tạo sức lao động.

Thiếu nhà ở cho công nhân, lao động nhưng thực chất tại một số khu nhà ở cho công nhân lao động thuê lại xuống cấp, mất nước, hỏng thang máy… khiến công nhân, lao động không mặn mà, thưa ông?

- Đúng vậy, hiện nay nhiều công nhân, lao động không mặn mà lắm với khu nhà ở xã hội, hoặc nhà ở công nhân. Nguyên nhân là bởi nơi đây thiếu công trình phúc lợi như nhà trẻ, trường học, siêu thị, chợ, nhà văn hóa…. Đó là chưa kể tới việc chất lượng công trình xuống cấp, có nơi mất nước, hỏng nhà vệ sinh, thang máy rơi tự do… rồi diện tích nhà ở không phù hợp, hoặc quá bé, hoặc là quá rộng. Điều này không chỉ gây bất tiện cho sinh hoạt mà còn nguy hiểm tới tính mạng vì gây mất an toàn.

Giải pháp nào “gỡ” thế khó trong xây dựng nhà ở cho công nhân? - Ảnh 1.

Nhiều công nhân, lao động đang phải ở trọ trong những căn phòng chật chội, nóng bức chỉ hơn 10m2 (Công nhân ở trọ tại Thái Nguyên). Ảnh: N.T

Điều này cho thấy việc quản lý chất lượng công trình của chúng ta có vấn đề. Cũng phải nói rõ, nói thẳng, chủ đầu tư chưa quan tâm tới vấn đề này. Nếu không làm tốt vấn đề này thì chủ đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hiện nay thu nhập của công nhân, lao động còn khá thấp, trung bình khoảng 7 triệu đồng/người. Với mức thu nhập này rất khó để tích lũy mua nhà tiền tỷ. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Đúng vậy, hiện nay thu nhập bình quân đầu người người lao động ở khu công nghiệp, khu chế xuất bình quân từ 7-10 triệu đồng/người. Tính cả 2 vợ chồng thì được khoảng 14 triệu đồng. Nếu để nuôi 2 con, ăn tiêu thì chỉ vừa đủ, không thể có tích lũy mua nhà tiền tỷ.

Tuy nhiên, quy hoạch khi xây dựng nhà ở xã hội cũng đã được phân khúc rõ. Căn nhà ở xã hội có đủ diện tích từ 27 - 70m2. Luật Nhà ở mới cũng đề xuất mở rộng căn nhà ở xã hội lớn nhất lên 77m2.

Nếu căn hộ studio có diện tích 27m2 giá thành khoảng 12-13 triệu/m2 thì tổng giá trị cũng chỉ hơn 300 triệu đồng. Với giá này thì các cặp vợ chồng trẻ có thể mua được.

Hiện nay, điều kiện mua nhà ở xã hội đã được nới rộng, theo đó lao động không cần xác nhận nơi cư trú. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Theo quy định của pháp luật, trước đây người lao động muốn mua nhà ở xã hội thì cần đáp ứng hai tiêu chí là thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn nhà và phải xác minh nơi cư trú. Điều này gây khó khăn cho người lao động vì đa phần họ sống xa quê đi làm không thể về quê xin giấy xác nhận được.

Luật nhà ở mới và Nghị định 100 đã bỏ điều kiện “xác minh nơi cư trú”, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Khi nội dung này được thông qua, người lao động rất phấn khởi.

Giải pháp nào “gỡ” thế khó trong xây dựng nhà ở cho công nhân? - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Nghĩa -Trưởng Ban quản lý thiết chế Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi về giải pháp tăng tốc xây dựng nhà ở cho công nhân. Ảnh: N.T

Để đẩy nhanh tốc độ xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động tổ chức công đoàn cần phải làm gì thưa ông?

- Hiến pháp và các văn bản pháp luật hiện nay (đặc biệt là Luật Công đoàn sửa đổi bổ sung vừa được thông qua) cũng đã cụ thể hóa vai trò của tổ chức Công đoàn trong xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, lao động.

Năm 2017, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 655 Phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất". Công đoàn Việt Nam cũng rất nỗ lực để triển khai nhưng chưa thực hiện được vì liên quan tới một số khó khăn về cơ chế pháp lý.

Sau một thời gian kiên định đề xuất vừa rồi, Quốc hội đã Thông qua Luật Nhà ở năm 2023, trong đó cho phép Tổng liên đoàn Việt Nam là chủ quản đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân, lao động thuê. Đây là một trong những thành công rất lớn, nhờ điều này mà vai trò của tổ chức công đoàn được nâng lên rất cao.

Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho những đầu tư thiết chế công đoàn (trong đó có nhà ở xã hội) ở các khu công nghiệp, chế xuất nơi có đông công nhân, lao động làm việc.

Theo ông cần những giải pháp nào để nâng cao chất lượng nhà ở cho công nhân lao động?

- Theo tôi cần có sự giám sát và phối hợp quản lý chất lượng của cả cơ quan nhà nước và nhà đầu tư. Giải pháp đầu tiên là tăng cường giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước (Cục giám định chất lượng công trình, Bộ Xây dựng). Tiếp đó, chủ đầu tư cần phải tăng cường quản lý giám sát vật tư đầu vào, quản lý công nhân xây dựng… để nâng cao chất lượng xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem