Đó là kiến nghị của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai và đền bù thiệt hại tại phiên họp ngày 20.3.
Ông Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho hay, qua giám sát cho thấy vẫn còn tình trạng bồi thường oan sai chậm. Trong nhiều trường hợp người bị oan chưa được tạo điều kiện về thủ tục, xác nhận giấy tờ làm căn cứ yêu cầu bồi thường. Có vụ đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết điển hình như ông Phan Văn Lá (Long An) đã 21 năm làm “bị can”; vụ Lương Ngọc Phi (Thái Bình), bản án yêu cầu Tòa án tỉnh Thái Bình bồi thường hơn 21,4 tỷ đồng cho ông Phi bị hủy, khiến vụ án kéo dài hơn 8 năm chưa được giải quyết dứt điểm.
Vụ án Hồ Duy Hải được yêu cầu giải quyết dứt điểm. Ảnh: IT
Đoàn giám sát cho rằng, Viện KSND Tối cao cần chỉ đạo viện kiểm sát các địa phương phối hợp với cơ quan điều tra rà soát, kiểm tra các trường hợp đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án có dấu hiệu oan sai; khẩn trương giải quyết dứt điểm một số vụ án có dấu hiệu bị oan và đang có đơn kêu oan như vụ Trần Văn Đề (Bình Phước), vụ án Ban quản lý chợ Đồng Xoài (Bình Phước), vụ Trần Thị Bích Liên (Lâm Đồng).
Đoàn giám sát cũng kiến nghị các cơ quan tố tụng khẩn trương giải quyết dứt điểm 24 vụ án đã kéo dài trên 5 năm; xem xét, giải quyết dứt điểm đối với các vụ án đang có khiếu nại bức xúc, kéo dài cho rằng bị oan và các vụ án khác. Đó là, 3 vụ án đặc biệt nghiêm trọng đang có đơn kêu oan mà dư luận quan tâm- vụ Hồ Duy Hải (Long An), Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng), Vi Văn Phượng (Bắc Giang).
Để xảy ra oan, sai, theo đoàn giám sát, một trong các nguyên nhân do trình độ pháp luật và năng lực nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ tư pháp còn hạn chế, một số có biểu hiện thành tích, nôn nóng hoặc e ngại việc làm oan chưa điều tra đến cùng... Trong 3 năm có 46 đơn tố cáo về bức cung, dùng nhục hình trong hoạt động điều tra. Cơ quan chức năng đã giải quyết 40 đơn. Xử lý 26 vụ/40 bị can về tội dùng nhục hình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.