Giải thưởng Võ Trường Toản: Tôn vinh những nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp "trồng người"

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 17/11/2023 15:53 PM (GMT+7)
Sở GDĐT TP.HCM tổ chức vinh danh và trao Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 cho 50 giáo viên, cán bộ quản lý trong dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Bình luận 0

Ngày 17/11, Sở GDĐT TP.HCM tổ chức Lễ kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam và trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. Năm nay là năm thứ 26 Giải thưởng Võ Trường Toản được tổ chức và có 50 giáo viên, cán bộ quản lý trong ngành giáo dục được vinh danh, trao tặng giải thưởng này.

Những tấm lòng tâm huyết sự nghiệp "trồng người"

Có mặt tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM chúc mừng và biểu dương 50 nhà giáo được vinh dự nhận Giải thưởng Võ Trường Toản dịp 20/11 năm nay.

Nhân tiện, bà Lệ cũng gửi lời chúc mừng đến toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục thành phố đã và đang nỗ lực, phấn đấu, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước.

Giải thưởng Võ Trường Toản: Tôn vinh những tấm lòng tâm huyết sự nghiệp "trồng người" - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM chia sẻ tại lễ vinh danh, trao Giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: H.P

"Thầy, cô giáo là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đối với ngành giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những công dân trẻ sống tốt, sống có ích, góp phần xây dựng, phát triển thành phố và đất nước", bà Lệ chia sẻ.

Đối với 50 giáo viên, cán bộ quản lý được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản, bà Lệ kỳ vọng họ sẽ tiếp tục cháy hết mình với ngọn lửa đam mê, cống hiến cho nghề; luôn là những tấm gương sáng "gạn đục khơi trong", lan tỏa lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trên bục giảng, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau tiếp bước.

Bên cạnh đó, bà Lệ cũng kỳ vọng, tất cả các thầy, cô giáo sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", không ngừng trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tích cực học tập, tiên phong trong các chương trình, đề án đột phá nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế.

Giải thưởng Võ Trường Toản: Tôn vinh những tấm lòng tâm huyết sự nghiệp "trồng người" - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM trao bằng khen cho giáo viên, cán bộ quản lý ngành giáo dục TP.HCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM chia sẻ, 20/11 hằng năm là dịp để tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp "trồng người". Sự tôn vinh được thể hiện ở niềm tin của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội đối với các thầy, cô giáo.

Theo ông Hiếu, để có được niềm tin yêu này, mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ngày càng hoàn thiện về phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ.

Giải thưởng Võ Trường Toản: Tôn vinh những tấm lòng tâm huyết sự nghiệp "trồng người" - Ảnh 4.

50 cán bộ, giáo viên tiêu biểu được tôn vinh Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023. Ảnh: H.P

Tâm sự của nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý

Trong khuôn khổ buổi lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản, nhiều giáo viên đã có những chia sẻ đầy xúc động.

Là một người khuyết tật và cũng là giáo viên của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, cô Võ Thị Tuyết chia sẻ, ngoài kiến thức chuyên môn, khi dạy trẻ khuyết tật giáo viên còn cần phải có sự nhẫn nại, sự thấu hiểu, chia sẻ phụ huynh và học sinh...

Giải thưởng Võ Trường Toản: Tôn vinh những tấm lòng tâm huyết sự nghiệp "trồng người" - Ảnh 5.

Các giáo viên tiêu biểu giao lưu tại lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản. Ảnh: Hoàng Hùng

Theo chia sẻ của cô Tuyết, khi làm việc với trẻ, giáo viên không thể hấp tấp hay rập khuôn; không thể yêu cầu trẻ tiến bộ ngay lập tức... mà cần phải đồng hành với trẻ cũng như làm bạn cùng phụ huynh. "Trẻ phải yêu cô thì mới chịu hợp tác với cô giáo. Tất cả mọi việc của giáo viên đều có mục đích cuối cùng là giúp trẻ khuyết tật hòa nhập với cuộc sống bình thường", cô Tuyết nói.

Dù bản thân là người khuyết tật, nhưng nữ giáo viên này cho biết, bản thân không cảm thấy thiệt thòi, ngược lại, cô còn cảm thấy vui, tự hào với những việc mình đã làm được. Cô vui vì bản thân có thể góp một phần công sức để giúp các em học sinh không may mắn mở cánh cửa tươi sáng hơn của cuộc đời.

Giải thưởng Võ Trường Toản: Tôn vinh những tấm lòng tâm huyết sự nghiệp "trồng người" - Ảnh 6.

17 tập thể có thành tích xuất sắc được ngành giáo dục TP trao tặng cờ thi đua. Ảnh: H.P

Trong khi đó, cô Tống Thị Hải Yến, giáo viên Trường Mầm non Hoàng Anh (huyện Bình Chánh) cũng cho rằng, yêu nghề, thương trẻ, chịu khó là yêu cầu phải có đối với giáo viên mầm non. Bởi theo cô, với độ tuổi rất nhỏ, chỉ từ 3-4 tuổi, các bé thường làm theo sở thích riêng, không muốn bị ép theo khuôn khổ nào; hơn nữa, số lượng học sinh trong lớp đông, các cô khó theo dõi sát từng em. Bên cạnh đó, có nhiều áp lực khác từ gia đình, nhà trường, xã hội đặt lên vai giáo viên... Do đó, giáo viên phải biết nhẫn nại, dùng tất cả tình yêu thương của mình để chăm sóc, giáo dục trẻ.

Dịp này, UBND TP.HCM đã tặng Cờ thi đua cho 17 tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và bằng khen cho 50 cán bộ, giáo viên tiêu biểu được tôn vinh Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem