Giảm 100.000ha lúa trong năm nay

Ngọc Lê Chủ nhật, ngày 10/01/2016 10:08 AM (GMT+7)
Đó là con số đáng chú ý trong một số định hướng về thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thời gian tới, vừa được Bộ NNPTNT công bố.
Bình luận 0

Nếu như các năm 2014, 2015 được coi là giai đoạn khởi động cho việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thì năm 2016 được coi là giai  đoạn tăng tốc để thực hiện triệt để đề án này cho cả giai đoạn 2016-2020.

Giảm lúa, tăng ngô

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát, trong giai đoạn này, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu trồng trọt theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Tập trung đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch theo hướng hiện đại, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

img

Bộ NNPTNT khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất ngô. Ảnh: Thu hoạch ngô tại xã Tương Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An. Ảnh: Ngọc Lê

Cụ thể, ngay trong năm 2016, dự kiến sẽ giảm khoảng 100.000ha diện tích gieo trồng lúa để chuyển sang trồng một số cây hàng năm khác, chủ yếu là ngô, cây thức ăn chăn nuôi. Duy trì tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm khoảng 7,6 – 7,7 triệu ha với năng suất bình quân 57,8 tạ/ha, sản lượng đạt 44,5 triệu tấn. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và Đề án xây dựng thương hiệu gạo, chuyển đổi mạnh cơ cấu giống lúa ở khu vực ĐBSCL…

Song song với việc giảm diện tích lúa, sẽ tiến hành mở rộng diện tích ngô lên 1,22 triệu ha, tăng 20.000ha so với năm 2015. Đối với các cây công nghiệp dài ngày, tiếp tục thực hiện trồng tái canh 11.500ha, ghép cải tạo 4.000ha cà phê già cỗi, năng suất thấp. Đối với cây cao su, trong năm 2016 tuyệt đối không tiến hành trồng mới.

Riêng về rau màu và cây ăn quả- các loại nông sản được cho là đã thắng lợi trong xuất khẩu năm 2015, dự kiến diện tích rau, đậu các loại đạt 1,08 triệu ha; sản lượng rau các loại 15,8 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2015.

Ưu tiên phát triển gà lông màu, lợn lai

Đối với ngành chăn nuôi, Bộ NNPTNT đã đưa ra quan điểm phát triển, đó là từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ nhưng theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Khuyến khích chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng mật độ dân số cao đến nơi có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi xa thành phố, khu dân cư.

Ưu tiên phát triển chăn nuôi gà lông màu và lợn lai. Đến năm 2020, đưa tỷ lệ đàn gà lông màu đạt trên 60% trong cơ cấu đàn gà, tỷ lệ lợn ngoại và lợn lai chiếm trên 75% trong cơ cấu đàn lợn.

Đánh giá về việc thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ông Phạm Văn Sáu- Phó Trưởng ban Kinh tế T.Ư cho rằng, ngành nông nghiệp cần quyết liệt áp dụng khoa học công nghệ thích ứng bối cảnh mới. Đặc biệt, phát triển các ngành có lợi thế so sánh, rà soát lại các ngành hàng có lợi thế quốc gia như gạo, tôm, cá tra, cây công nghiệp từ đó đầu tư tập trung, cải tiến tổ chức sản xuất; đổi mới thể chế theo hướng kinh tế hợp tác, cải cách tăng cường vai trò của hội nông dân, tiếp đó nhà nước tập trung quản lý chính sách, xem doanh nghiệp là đối tác khách hàng của các cơ quan dịch vụ công.

Ông Sáu cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện này cần tập trung thu hút đầu tư vào cho nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, có các biện pháp phòng chống rủi ro tranh chấp thương mại, xây dựng và chủ động có các giải pháp giảm thiểu tranh chấp, nhất là trong bối cảnh nước ta đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Theo báo cáo tổng kết năm 2015 của Bộ NNPTNT, trong năm qua, các địa phương đã chuyển đổi khoảng 34.600ha gieo trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, các cây màu và cây làm thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Tuy vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mức chuyển đổi này vẫn còn khá khiêm tốn so với kỳ vọng của ngành nông nghiệp. Cụ thể, diện tích ngô cả nước trong năm 2015 chỉ tăng 300ha, đạt gần 1,18 triệu ha, năng suất đạt 44,8 tạ/ha, tăng 0,7 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đỗ tương chỉ đạt 146.400 tấn (giảm 10.100 tấn- khoảng 6,5%), sản lượng lạc cũng đạt 451.800 tấn (giảm 1.500 tấn-khoảng 0,3%).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần lên phương án, đề án tái cơ cấu cụ thể

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2015 của ngành nông nghiệp ngày 5.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu toàn ngành cần: Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu là nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập của người nông dân.

Thủ tướng lưu ý, trong tái cơ cấu, cần đặc biệt quan tâm xây dựng các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi đưa khoa học-công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là các khâu giống, quy trình sản xuất, canh tác, chế biến, bảo quản sản phẩm... đồng thời cần phải thực hiện tốt công tác bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người sản xuất bằng những biện pháp phù hợp với thông lệ cũng như các cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị, tái cơ cấu các nông lâm trường quốc doanh theo hướng hiệu quả hơn, chất lượng cao hơn, tốt hơn.

Hạ Vi

Ông Nguyễn Thanh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế

Hiện nay, do đầu tư vào nông nghiệp lợi nhuận thấp, rủi ro cao trong khi ưu đãi lại chưa nhiều, chưa có động lực nên các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế.   Bộ TNMT, Bộ NNPTNT cần có chính sách thúc đẩy tăng quy mô sản xuất đất nông nghiệp, từ đó rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp về khu vực nông nghiệp nông thôn; thúc đẩy trang trại nông nghiệp có quy mô lớn. Kiến nghị Chính phủ xử lý nghiêm vấn đề chất lượng an toàn thực phẩm, chất lượng vật tư nông nghiệp…

Ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa: Gỡ khó về chính sách đất đai

Trong chính sách đất đai hiện nay có khó khăn rất lớn, đó là với những diện tích đất được chia cho các hộ gia đình từ năm 1993, đến nay nhiều hộ gia đình không gắn với nông thôn, cũng không sản xuất nông nghiệp, đã chuyển nhượng lại hoặc sản xuất nhưng hiệu quả thấp, nhưng chúng ta chưa có chính sách nào thu hồi lại để đầu tư và giao cho những người có nhu cầu sản xuất được hiệu quả hơn. Các chính sách khác như đầu tư hạ tầng nông thôn, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 210/2013 vẫn còn nhiều vướng mắc về tiêu chí, thủ tục...

Bà Trần Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định: Đầu tư vào các sản phẩm có thế mạnh

Bình Định tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh, có thị trường để ứng dụng công nghệ cao như đánh bắt cá ngừ đại dương, đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Bình Định cũng đã có dự án đầu tư 500 tỷ đồng nuôi tôm theo chuỗi siêu thâm canh và dự án đầu tư 200 tỷ đồng nuôi 10.000 lợn lái sinh sản đang được tiến hành triển khai. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư vào nông nghiệp còn rủi ro nên đề nghị Chính phủ cần có giải pháp can thiệp để các doanh nghiệp tiếp cận vốn với ngân hàng.

Phương Vy (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem