Trồng lúa cải tiến: Giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng

Thứ tư, ngày 06/01/2016 07:43 AM (GMT+7)
Nông dân thực hành tốt “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thuật trồng lúa SRI đạt mục tiêu giảm chi phí SX, tăng năng suất và chất lượng, tăng lợi nhuận và giảm ô nhiễm môi trường.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Thanh Hừng, GĐ Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ cho biết, lần đầu tiên Phòng Nông nghiệp huyện Thới Lai triển khai dự án khuyến nông quốc gia về xây dựng mô hình “3 giảm 3 tăng" và trồng lúa cải tiến (SRI).

Vụ HT 2015, mô hình được 70 hộ nông dân ở ấp Trường Khương A, xã Trường Xuân B thực hành đồng loạt trên 60 ha. Nông dân tham gia được đầu tư hệ thống sấy lúa quy mô 30-50 tấn/mẻ, trồng giống OM 4218 (được hỗ trợ 100% chi phí giống và một phần phân bón, thuốc BVTV). Cty Lương thực Hoàng Minh Nhật hợp đồng tiêu thụ lúa gạo.

img

Tham quan ruộng lúa SRI.

Qua SX cho thấy, do quản lý rầy nâu tốt, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá chưa thấy dấu hiệu nhiễm, trong khi ruộng đối chứng nhiễm cục bộ. Bệnh lem lép hạt cấp độ nhiễm cũng thấp hơn (cấp 1-3) so với ruộng đối chứng (cấp 1-5).

Về sâu hại, do mật độ sạ phù hợp (100 kg/ha) và xuống giống đồng loạt, né rầy nên đã kiểm soát được rầy nâu khá tốt (cấp 1) so với ruộng đối chứng (nhiễm cấp 1-3). Bù lạch kiểm soát được tốt (cấp 1-2), ruộng đối chứng do thường sạ rất dày (150 kg/ha) nên rất khó kiểm soát (cấp 1-5). Sâu cuốn lá nhỏ, sâu cuốn lá lớn ở ruộng mô hình (cấp 1-3), kiểm soát tốt hơn so với ruộng đối chứng (cấp 1-5).

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Cần Thơ, tuy trình độ, kinh nghiệm của nông dân không đồng đều, áp dụng mô hình chưa đồng bộ, ghi chép sổ nhật ký SX chưa được quan tâm đúng mức... nhưng ruộng canh tác theo kỹ thuật SRI phát triển tốt.

Kết thúc vụ HT 2015, sau 92 ngày thu hoạch đạt năng suất 6,4 tấn/ha, cao hơn 400 kg/ha so với ruộng đối chứng và vượt mức 5,5 tấn/ha theo hợp đồng của nông dân ký kết ban đầu tham gia mô hình. Tổng sản lượng đạt 378 tấn, được doanh nghiệp thu mua 100%.

Nông dân thực hành tốt “3 giảm, 3 tăng” và kỹ thuật trồng lúa SRI đạt mục tiêu giảm chi phí SX, tăng năng suất và chất lượng, tăng lợi nhuận và giảm ô nhiễm môi trường. Mô hình đã giảm lượng giống, sử dụng giống lúa cấp xác nhận, gieo sạ 100 kg/ha (ruộng đối chứng 180 kg/ha), giảm 80 kg/ha, tiết kiệm được 1,2 triệu đ/ha.

Nhờ sạ thưa, bón phân cân đối nên ruộng mô hình sử dụng phân đơn, bón 483 kg/ha, tiết kiệm được 122.000 đ/ha (ruộng đối chứng sử dụng phân hỗn hợp, bón 470 kg/ha).

Thuốc BVTV giảm phun 2 lần/vụ/ha (ruộng mô hình phun 5 lần/vụ/ha trong khi ruộng đối chứng 7 lần/vụ/ha), tiết kiệm được 550.000 đ/ha và công phun 400.000 đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Nông dân làm tốt quy trình “khô - ngập xen kẽ" đã tiết kiệm được chi phí bơm tưới 202.500 đ/ha so với ruộng đối chứng. Tổng chi phí đầu tư ruộng mô hình giảm hơn 2,8 triệu đ/ha so với ruộng đối chứng. Năng suất tăng 400 kg/ha so với ruộng đối chứng. Thương lái thu mua giá cao, gia tăng lợi nhuận (lãi ròng) hơn 5 triệu đ/ha so với ruộng đối chứng.

Chi phí SX ruộng mô hình theo kỹ thuật trồng lúa SRI: Làm đất, lúa giống, phân bón, thuốc BVTV, bơm nước, công lao động... hơn 20,2 triệu đ/ha, giá thành SX 3.171 đ/kg, giá bán 5.400 đ/kg, tổng thu hơn 34,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi trên 14,2 triệu đ/ha.

Chi phí SX ruộng đối chứng hơn 23,1 triệu đ/ha, giá thành SX 3.680 đ/kg, tổng thu 32,4 triệu đ/ha. Sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 9,2 triệu đ/ha.

Hưng Phú (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem