Giảm chuyên canh lúa để giữ nước ngọt cho ĐBSCL?

Chúc Ly Thứ tư, ngày 03/08/2016 15:06 PM (GMT+7)
Trong những tháng đầu năm nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chịu tác động của đợt hạn, mặn lớn nhất trong lịch sử. Nguyên nhân chính là do nguồn nước ngọt bị thiếu hụt. Vậy làm cách nào để giải được bài toán nước ngọt cho ĐBSCL?
Bình luận 0

Dòng chảy sông Mekong thấp nhất trong vòng 90 năm

Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TNMT), từ đầu năm 2015 dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua và không còn khả năng đẩy mặn, dẫn đến mặn trên sông đã xuất hiện sớm hơn gần 2 tháng so với cùng kỳ và xâm nhập sâu về phía thượng lưu, nơi xa nhất hơn 90km.

Bên cạnh đó, hiện nay, trên thượng nguồn sông Mekong thuộc lãnh thổ Trung Quốc đã xây dựng và đưa vào vận hành 6 công trình thủy điện; tại Lào đang xây 2 thủy điện và có kế hoạch xây 9 công trình trên dòng chính; Thái Lan đã xây và đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều trạm bơm cố định và dã chiến dọc sông Mekong để lấy nước.

img

Ảnh hưởng từ tác động của BĐKH khiến nông nghiệp ĐBSCL tăng trưởng âm. Trong ảnh: Diện tích lúa tại huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh bị thiệt hại do hạn mặn. ảnh: Huỳnh Xây

Trước những những thách thức này đòi hỏi cần thiết phải có những giải pháp tổng thể mà trước hết là đảm bảo an ninh nguồn nước. Ngoài ra, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL, nhất là ngành sản xuất lúa gạo nhằm tránh tài nguyên đất bị khai thác kiệt quệ và lãng phí sử dụng nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH).

"Có sự chồng chéo trong quản lý tài nguyên nước trong cơ chế hiện nay giữa các bộ, ngành ở T.Ư và giữa các địa phương. Sự chồng chéo ở nhiều nấc, trong chức năng, quy hoạch, khiến cho việc ứng phó với BĐKH manh mún, hiệu quả thấp, thậm chí   vô hiệu hóa”. 

GS-TS Nguyễn Ngọc Trân

Theo ông Hoàng Văn Thắng – Thứ trưởng Bộ NNPTNT, khi quan sát vùng mặn thì chúng tôi nhận thấy rất nhiều kênh, mương bị xâm lấn, bây giờ chức năng giao thông thủy có thể bớt đi, nếu không sử dụng cho dẫn nước nữa thì người ta có thể xâm lấn. Vấn đề bảo vệ kênh, rạch ở ĐBSCL đang là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn, vì đây là một trong những biện pháp thích ứng BĐKH trong thời gian tới.

Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, 6 tháng đầu năm tăng trưởng GRDP khoảng 6,5%, trong đó khu vực I (nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản) giảm 2,14%. Hạn hán và thiếu nước, cộng với tác động nước biển dâng đã khiến 10/13 tỉnh ĐBSCL công bố thiên tai hạn mặn, trong đó một số tỉnh vào diện thiếu nước nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn ảnh hưởng đến đời sống người dân, tổng thiệt hại gần 5.000 tỷ đồng.

Giảm diện tích lúa, tăng cây rau- màu

Ông Nguyễn Trọng Uyên - Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam, nêu ý kiến: “Cần tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH cho vùng ĐBSCL. Trong đó, giảm diện tích sản xuất lúa 3 vụ, tăng diện tích lúa - màu hay lúa - tôm và diện tích rau màu chuyên canh, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái, phát triển các loại vật nuôi.

Nói về khâu quy hoạch triển khai ứng phó BĐKH, GS-TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: “Có sự chồng chéo trong quản lý tài nguyên nước trong cơ chế hiện nay giữa các bộ, ngành ở T.Ư và giữa các địa phương. Sự chồng chéo ở nhiều nấc, trong chức năng, quy hoạch, khiến cho việc ứng phó với BĐKH manh mún, hiệu quả thấp, thậm chí vô hiệu hóa. Tháo gỡ chồng chéo là một điều kiện tiên quyết để ứng phó BĐKH có hiệu quả”.

Theo đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam, cần bố trí thêm nhiều hồ chứa nước, kênh mương tưới, hệ thống dẫn nước. Các vườn cây, trang trại lập thêm các hồ chứa nước mưa quy mô vừa và nhỏ để dự trữ nước cho nhu cầu tưới. Bên cạnh đó, nghiên cứu chọn tạo giống gốc ghép và giống thương mại có khả năng chống chịu với diều kiện hạn, mặn, thích ứng với BĐKH.

Tại các địa phương, các giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của BĐKH cũng đang được ráo riết thực hiện. Ông Cao Minh Đức – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre, cho rằng: “Trước đây thì chúng ta cũng nói nhiều đến liên kết vùng nhưng do BĐKH diễn ra từ từ, không có đột biến như vừa rồi nên các cơ quan bộ, ngành chưa thực sự quan tâm và có tiếng nói chung để ủng hộ. Tôi nghĩ rằng cần kiến nghị lên Chính phủ để mối liên kết này trở thành hiện thực”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem