Giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam: Nhà đầu tư có nên “bắt đáy” vào lúc này?
Quốc Hải
Thứ hai, ngày 19/07/2021 12:31 PM (GMT+7)
Thị trường chứng khoán giảm sâu trong 2 tuần giao dịch liên tiếp khiến chỉ số VN-Index liên tục thủng các ngưỡng tâm lý 1.400 điểm - 1.300 điểm với thanh khoản ngày càng giảm sút. Bước sang tuần giao dịch mới, tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn, nhưng cũng không ít đắn đo: Có nên “bắt đáy” vào lúc này?.
Tuần qua, áp lực bán tiếp tục tăng mạnh trước những lo ngại diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến chỉ số VN-Index mất đi 47,83 điểm (tương ứng 3,6%) và lùi xuống mốc 1.299,31 điểm. Đây cũng là tuần giảm điểm thứ 2 liên tiếp của thị trường.
Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng "hạ nhiệt" đáng kể với giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HoSE chỉ đạt 17.459 tỷ đồng/phiên, giảm 27% so với tuần trước.
Điểm sáng lúc này là giao dịch khối ngoại khi họ tiếp tục mua ròng gần 2.600 tỷ đồng trong tuần qua. Tuy vậy, việc thị trường giảm sâu trong 2 tuần giao dịch và chỉ số VN-Index liên tiếp thủng các ngưỡng tâm lý 1.400 điểm cũng như 1.300 điểm với thanh khoản ngày càng giảm sút khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Bước sang tuần giao dịch mới, dịch bệnh Covid-19 diễn biến càng thêm phức tạp, đặc biệt ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đồng loạt áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, khiến không ít nhà đầu tư phân vân: Có nên "bắt đáy" lúc này?
Bởi, thách thức là rất lớn khi độ phức tạp của đợt dịch thứ 4 này chưa lường được hết, và liệu "bắt đáy" lúc này có trở thành hành động "bắt dao rơi"?
Trả lời vấn đề này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam - một chuyên gia đã hơn 16 năm "lăn lộn" với thị trường chứng khoán Việt Nam - đã đưa ta những lý luận, cho rằng thời điểm này nhà đầu tư nên cân nhắc để mua vào là hợp lý.
-Thưa ông, TTCK đã có 2 tuần giao dịch liên tiếp giảm điểm sâu, thời điểm này nhà đầu tư có nên "bắt đáy"?
Vùng điểm này bắt đầu mua dần là được. Dĩ nhiên là không mua lao theo trong những phiên giá tăng mà nên mua những phiên giá có điều chỉnh lại. Theo tôi, những phiên này nhà đầu tư nhỏ lẻ hoặc những nhà đầu tư có nắm giữ tiền mặt có thể mua vào.
-16 năm "lăn lộn" với TTCK Việt Nam, theo ông trong lần thị trường giảm điểm sâu như thế này, là do điều chỉnh đơn thuần của thị trường hay là có lý do nào khác?
Nguyên nhân khiến thị trường giảm điểm mạnh trong 2 tuần qua có hai loại: Thứ nhất là nguyên nhân đến từ tâm lý và thứ 2 là nguyên nhân đến từ thực tế, mang tính thực tiễn.
Với nguyên nhân đến từ tâm lý, đó là việc giãn cách xã hội ngày càng nghiêm trọng hơn khi mới đây là toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều giãn cách theo chỉ thị 16, dẫn đến đời sống sinh hoạt của người dân trở nên khó khăn, huống chi là với các DN phải sản xuất, tạo ra lợi nhuận.
Nói chung, theo tôi đây là cảm giác, cảm xúc mà thôi, vì nhà đầu tư sẽ không đi chuyên sâu vào việc DN sẽ như thế nào, ảnh hưởng ra sao, doanh số sụt giảm thế nào… Vì tất cả phải qua lượng thời gian mới có con số thống kê, chí ít cũng phải qua một tháng mới so sánh BCTC tháng trước và tháng sau thì mới nhận định được.
Còn trong bối cảnh hiện nay thì ai cũng suy luận tình hình khó khăn như vậy, DN sẽ khó khăn, và suy luận này là đúng nhưng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thận trọng trong hoạt động mua vào và lại mạnh dạn trong hoạt động bán ra. Một số sẽ bán chốt lời; một số lại bán để thu tiền về cho cảm giác an toàn; hoặc có một số bị ảnh hưởng bởi những nhịp điều chỉnh mạnh thì buộc bị bán giải chấp.
Về nguyên nhân thực tế, đợt rồi giảm mạnh là do hoạt động chủ đạo của một số nhà đầu tư lớn, thậm chí là bị ảnh hưởng bởi việc bán ra có chủ đích của một số quỹ lớn. Vừa rồi có một quỹ khá lớn là VEIL đã gia tăng lượng tiền mặt rất lớn (VEIL đạt gần 2,52 tỷ USD, trong đó tỷ trọng tiền mặt quỹ lên tới 5,51%, tương ứng 138,6 triệu USD -PV), chứng tỏ hoạt động bán ra của quỹ này giai đoạn đầu tháng 7 lớn.
Hoặc một số nhà đầu tư lớn, mặc dù có thể là cá nhân nhưng nắm trong tay vài trăm đến cả nghìn tỷ, có thể đánh hơi thấy điều này, cộng thêm lượng tiền margin đang "căng" trên thị trường nên đã tuôn ra bán theo, hoặc chủ đích bán ra để định hướng thị trường phải điều chỉnh. Đây là thực tế và hành động này đã xảy ra rồi.
-Theo ông, xu hướng này có tiếp tục tiếp diễn trong các phiên tới?
Việc này không thể kéo dài được, vì kể cả những quỹ đầu tư hay các nhà đầu tư cá nhân lớn, họ cũng không muốn bán để danh mục bị sụt giảm nghiêm trọng. Vì theo nguyên tắc, các quỹ đầu tư không thể bán sạch danh mục, không dại để bán cho thị trường tan nát, khiến thị trường hoảng loạn. Lúc đó, cho dù bất cứ lời khuyên nào cũng khiến nhà đầu tư bỏ chạy, khi đó thị trường sẽ xuống sâu và nặng hơn nữa. Các quỹ đầu tư cũng ý thức việc này nên không dám làm quá.
Kế đến, với các nhà đầu tư lớn, một phần danh mục họ cũng sẽ không bán sạch được hết vì họ nắm khá nhiều cổ phiếu nên không dại gì "đạp" thị trường xuống quá sâu. Vì khi thị trường giảm sâu, lúc kéo lên các nhà đầu tư cá nhân sợ không dám tham gia, khi đó nhà đầu tư lớn cũng tốn kém nguồn lực rất nhiều để kéo thị trường lên, đôi khi việc này cũng không nằm trong khả năng của nhà đầu tư lớn khi thị trường xuống quá sâu.
Theo kinh nghiệm cá nhân, những phiên giảm sâu như hiện nay, thông thường thị trường sẽ chỉ giảm vài phiên đầu, sau đó sẽ chuyển sang trạng thái đi ngang, tích lũy có điều chỉnh nhẹ.
Nói theo thuật ngữ bài bản là thị trường đi ngang, tích lũy dần; còn nói theo thực tế là các nhà đầu tư lớn đã ngừng bán và chuyển sang mua gom dần dần, nuôi lại thị trường.
Tóm lại, đây là cơ hội cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tiền mặt, nên cân nhắc thị trường đang tích lũy dần để mua vào là hợp lý.
-Nhưng với những nhà đầu tư bị "kẹp hàng" ở vùng đỉnh 1.400 điểm, hoặc 1.350 điểm nên ứng xử như thế nào với các khoản đầu tư nếu thị trường tiếp tục sụt giảm trong các phiên tới?
Nhà đầu tư tuyệt đối không bán tháo, cứ bình tĩnh. Bởi, nếu nói thị trường có khả năng giảm xuống nữa không? Phải nói rằng có khả năng, nhưng nếu nói chắc chắn là thị trường sẽ giảm điểm nữa, thì không thể khẳng định được.
"Nhà đầu tư nhỏ lẻ nên tránh bị cuốn theo các thông tin mang tính tiêu cực quá, tránh bị cuốn theo các hành động bị dẫn dắt bởi các nhà đầu tư lớn có chủ đích. Còn thị trường có rung lắc, có sụt giảm thì cứ bình tĩnh vì chưa bán thì… chưa lỗ. Tất cả chỉ là ghi nhận trên lý thuyết, trên giấy tờ mà thôi" – ông Trương Hiền Phương.
Dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, nhưng hãy nhớ hồi tháng 3/2020, khi Chính phủ chính thức xác định dịch Covid-19 là nghiêm trọng và đã áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, khi đó đã có đợt giãn cách đầu tiên ở TP.HCM… nhưng TTCK lại bắt đầu tăng, từ đáy 6 trăm mấy gần 700 điểm vọt lên luôn cho tới hiện tại. Và xa hơn là thị trường Mỹ, dịch Covid-19 từ thời ông Trump đã ảnh hưởng rất mạnh, thậm chí có lúc diễn ra bạo động… nhưng TTCK Mỹ vẫn tăng.
Điều này nói lên rằng, dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, DN bị ảnh hưởng, đại bộ phận người dân cũng bị ảnh hưởng. Nhưng, thị trường tăng hay giảm là do lượng tiền đổ vào là chính, còn thị trường tăng có hợp lý hay không thì nhà đầu tư chẳng ai quan tâm.
Còn khi thị trường giảm, trước khi dịch xảy ra thì kinh tế Việt Nam rất tốt, kinh tế thế giới rất tốt nhưng vẫn có những phiên giảm điểm mạnh. Nói thẳng ra, không phải do DN gặp khó khăn, ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư, mà đơn giản là những hành động bán định hướng thị trường của các nhà đầu tư lớn, và họ chỉ việc hợp thức hóa bằng những thông tin bất kỳ.
Tóm lại, không có lý do gì để nhà đầu tư bán tống bán tháo cả, đúng là thị trường sẽ có những yếu tố về mặt tâm lý, thông tin, và thậm chí là thực tế khiến DN khó khăn, nhưng không có nghĩa là họ sẽ phá sản.
Cho nên thị trường sẽ phục hồi lại, và đầu tư chứng khoán là đầu tư vào kỳ vọng, vào thì tương lai chứ không phải đầu tư cho chuyện quá khứ kể cả chuyện hiện tại, đây chỉ là yếu tố để tham khảo là chính. Và cuối cùng, phải nhìn lại thị trường, tất cả các lãnh đạo DN lớn, các nhà đầu tư lớn lúc này không bán ra mà lại đang mua dần vào.
Tất nhiên, nhà đầu tư lúc này có thể xem xét lại danh mục đầu tư của mình để có thể cơ cấu lại một số mã cổ phiếu sao cho hợp lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.