Giám đốc Công an Hà Tĩnh "đặc cách" không đo nồng độ cồn người thợ xây dựa trên căn cứ nào?

Quang Trung Thứ năm, ngày 18/01/2024 06:09 AM (GMT+7)
Theo chuyên gia, Giám đốc Công an Hà Tĩnh "đặc cách" không đo nồng độ cồn người thợ xây là cách xử lý mềm dẻo, khách quan và phù hợp quy định pháp luật.
Bình luận 0

Người thợ xây được Giám đốc Công an Hà Tĩnh "đặc cách" không đo nồng độ cồn

Tối ngày 16/1, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài gần 3 phút ghi lại cảnh một người đàn ông bị chốt kiểm tra của Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Tĩnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.

Người đàn ông cho biết mình tên là Sử, ở xã Tâm Lâm Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) làm nghề thợ xây. Sau buổi làm việc chủ nhà đã mời uống rượu, do uống "quá chén" đã bị mất phương hướng, lạc đường về nhà nhiều lần.

Giám đốc Công an Hà Tĩnh "đặc cách" không đo nồng độ cồn người thợ xây dựa trên căn cứ nào?- Ảnh 1.

Đại tá Nguyễn Hồng Phong quyết định "đặc cách" không đo nồng độ cồn ông Sử. Ảnh cắt từ clip

Thời điểm đó, đại tá Nguyễn Hồng Phong - Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng có mặt kiểm tra đột xuất tổ công tác làm nhiệm vụ.

Sau khi hỏi han, đại tá Nguyễn Hồng Phong đã nhắc nhở ông Sử không nên uống rượu khi tham gia giao thông vì sẽ ảnh hưởng đến bản thân, gia đình và nguy hiểm cho người khác.

Sau đó Đại tá Nguyễn Hồng Phong đã nhờ người gọi điện cho vợ ông Sử đến đón về nhà.

Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay, sự việc trên xảy ra vào tối 16/1, trời mưa lạnh, khi đó ông đang cùng tổ công tác của Công an TP Hà Tĩnh xử lý vi phạm nồng độ cồn trên tuyến đường Hàm Nghi.

Người đàn ông chấp hành hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra và rất hợp tác, chất phác, thật thà trình bày lý do uống rượu. Trường hợp này, nếu đo nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính khoảng 7 - 8 triệu đồng, trong khi người này rất khó khăn.

"Tôi nhận thấy việc xử lý cũng cần phải nhân văn, vì trong các vụ án hình sự còn cho hưởng khoan hồng chứ nói gì đến hành chính. Trong lĩnh vực hành chính thì có xử phạt tiền và phạt cảnh cáo.

Do vậy, tôi đã yêu cầu cấp dưới không đo nồng độ cồn đối với bác ấy và yêu cầu người này gọi điện cho người thân xuống để chở về nhằm đảm bảo an toàn" - đại tá Phong nói.

Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh có cách xử lý phù hợp

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, cách giải quyết của Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh với tình huống trên là mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn và có căn cứ, vẫn đảm bảo tính giáo dục, đảm bảo hiệu quả trong công tác tuyên truyền pháp luật, xử lý vi phạm hành chính.

Theo ông Cường, về nguyên tắc mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, luật xử lý vi phạm hành chính cũng quy định: Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng.

Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Mục đích của việc xử lý vi phạm hành chính là răn đe, giáo dục với người vi phạm để họ không tiếp tục vi phạm và làm gương cho những trường hợp khác. Việc xử lý sẽ áp dụng với từng đối tượng cho phù hợp.

Vì vậy, với người lao động nghèo mà phạt tới 7 - 8 triệu đồng, đây là số tiền rất lớn. Nhưng nếu không cần phạt mức tiền như vậy thì phạt cảnh cáo, giáo dục tại địa phương để họ nhận thức được sai phạm cũng đã đạt được hiệu quả trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, cần lưu ý đây là trường hợp cá biệt, không áp dụng rộng rãi, phổ biến nên không lo vì thế mà "dân nhờn" mong được tha bổng...

Vị chuyên gia cho rằng, cơ sở để áp dụng pháp luật, xử lý linh hoạt trong tình huống này là quyền tùy nghi của cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn và tùy nghi trong việc áp dụng pháp luật. Căn cứ vào mục đích xử lý vi phạm hành chính để xử lý vi phạm.

Điều quan trọng, trong vụ việc này, giám đốc công an tỉnh chỉ đạo không đo nồng độ cồn chứ không phải là chỉ đạo không xử lý, bỏ qua lỗi vi phạm hành chính.

Thực tế, ngay sau đó, Công an xã Tân Lâm Hương (huyện Thạch Hà) đã mời ông Sử lên trụ sở để làm việc, viết bản kiểm điểm và nhắc nhở, tuyên truyền cho người này nắm rõ hành vi vi phạm nồng độ cồn của mình khi tham gia giao thông.

Ông Sử đã viết bản kiểm điểm và ký cam kết sẽ không tái phạm, đặc biệt là khi tham gia giao thông không được uống rượu bia.

Từ phân tích trên, ông Cường cho rằng, Giám đốc Công an Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Phong đã có xử lý mềm dẻo, phù hợp với hoàn cảnh, khách quan, không vị thân, không vụ lợi nên sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem