Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày?

Định Nguyễn (thực hiện) Thứ ba, ngày 28/12/2021 07:42 AM (GMT+7)
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội - bà Trần Thị Nhị Hà đã trả lời độc quyền báo Dân Việt về phương án chống dịch trước kịch bản trên 3.000 ca mỗi ngày, nhất là thời điểm khi Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang kề cận.
Bình luận 0

Cuộc phỏng vấn của PV báo Dân Việt được thực hiện vào lúc hơn 22h đêm qua (27/12) sau khi người đứng đầu ngành y tế Thủ đô vừa kết thúc cuộc họp kéo dài nhiều giờ đồng hồ về công tác phòng chống dịch.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 1.

Bà Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: NVCC

Thưa bà, Hà Nội vừa chạm mốc gần 2.000 ca mắc Covid-19 trong ngày và liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc mới. Vậy ngành y tế của thành phố đang làm gì để đối mặt với thách thức lớn này?

- Hà Nội đã chủ động xây dựng kịch bản và có phương án y tế để đáp ứng khi có 100.000 ca bệnh. Số ca mắc tăng cao trong cộng đồng ghi nhận những ngày gần đây đã nằm trong kịch bản đã lường trước. Với ca mắc tăng cao thì việc cần làm ngay là giảm tỉ lệ tử vong, chuyển tầng điều trị bệnh nhân nặng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 2.

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Hà Nội đang thực hiện chủ trương sống thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy, thành phố không còn phong toả, cách ly diện rộng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất...

Rõ ràng chúng ta phải chấp nhận việc lây lan, ghi nhận F0 trong cộng đồng chứ không còn thời "Zero covid-19". Khi chấp nhận số ca tăng cao, trong kịch bản của ngành y tế phải làm sao bảo vệ người yếu thế, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính, giảm tỉ lệ tử vong ở những đối tượng này.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 3.

Hà Nội tăng cường hỗ trợ điều trị cho F0 tại nhà. Ảnh: Trung Nguyên

Cùng với đó, Hà Nội đã tăng cường điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, giúp giảm tải cho y tế tuyến trên để với hệ thống y tế các bệnh viện tập trung cứu chữa những người có triệu chứng trung bình nặng và nguy kịch.

Khoảng 90% người nhiễm SARS-CoV-2 sẽ được điều trị tại nhà và các và các tuyến y tế cơ sở, thu dung. Chúng tôi hiểu rằng điều quan trọng điều trị F0 tại nhà đó là F0 được tư vấn, chăm sóc, phát hiện sớm những dấu hiệu chuyển tầng để đưa người bệnh đi điều trị, tránh hoang mang lo sợ.

Có nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng nếu Hà Nội ghi nhận trên 3.000 ca mắc mỗi ngày sẽ gây quá tải hệ thống y tế. Vậy Hà Nội có giải pháp gì để không lao vào "vòng xoáy" giống TP.HCM thời gian vừa qua?

- Với việc ghi nhận 3.000 ca mắc Covid-19 trong một ngày, Hà Nội thấy rằng cơ bản phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà. Đây là vấn đề hết sức quan trọng bởi phân luồng và phân tuyến đúng sẽ giúp giảm tải hệ thống y tế.

Đồng thời, Hà Nội đã thực hiện tiêm chủng đạt tỉ lệ rất cao và hiện đang tiếp tục thực hiện tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ người dân và tiêm mũi nhắc lại cho người suy giảm miễn dịch.

Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc việc tiêm chủng cũng như việc người dân tiêm đủ 2 mũi thì 90% người bệnh sẽ nhẹ, không có triệu chứng và những người bệnh này chỉ là những người nhiễm thôi. Ngành y tế bắt buộc phải phân tầng, điều trị tại nhà ngay chứ không đi đến hết bệnh viện. Cụ thể, hệ thống y tế sẽ thực hiện điều trị cho bệnh nhân tại bệnh viện tầm khoảng 8-10%, còn 90% bệnh nhân điều trị tại nhà.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 7.

Khu thu dung điều trị cho F0 không triệu chứng và nhẹ ở Ký túc xá Đại học Thuỷ Lợi, Hà Nội với quy mô 600 giường. Ảnh: Gia Khiêm

Thủ đô hiện đã kích hoạt 8.000 giường bệnh dành cho những người có dấu hiệu từ trung bình trở lên và đưa vào tất cả các tuyến điều trị. Các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện chuyên gia, đa khoa đều tham gia điều trị Covid-19. Cơ bản phải thực hiện thật tốt việc phân tầng bệnh nhân ngay từ y tế cơ sở. Sau khi phân tầng phải phân luồng các bệnh viện và bệnh nhân được điều trị ngay tại địa bàn.

Tôi ví dụ, bệnh nhân tại địa bàn huyện Hoài Đức mắc nhẹ, không triệu chứng sẽ điều trị tại nhà, bệnh nhân có dấu hiệu trung bình hoặc nặng sẽ điều trị ngay tại Bệnh viện huyện Hoài Đức theo phương án 4 tại chỗ. Tất cả các địa bàn hầu hết đều có các bệnh viện.

Trong trường hợp F0 nặng và nguy kịch mới chuyển lên tuyến trên như các bệnh viện hạng 1 của thành phố. Ngoài ra, Hà Nội cũng có thêm một số bệnh viện trung ương, bộ ngành. Thành phố cũng đã có văn bản gửi tới tất cả bệnh viện này cùng tham gia điều trị Covid-19 trên địa bàn. Đặc biệt, Hà Nội cũng có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đều là bệnh viện tầng 3.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 4.

Nhân viên y tế trực tiếp gọi điện trao đổi với F0 tại nhà ở phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên

Chúng ta rất cần việc phân luồng, phân tuyến một cách rất khoa học và chặt chẽ cũng sẽ giảm được sự quá tải cho các bệnh viện tuyến trên. Chúng tôi có phương án với những bệnh nhân trung bình và nặng khi có chỉ số CT value (threshold cycle value - giá trị chu kỳ ngưỡng) trên 30 khi ổn định các thông số về sức khoẻ, không phải hỗ trợ oxy sau khi điều trị ổn định tại bệnh viện rồi sẽ cho về nhà điều trị tiếp chứ không giữ lại tại bệnh viện.

Với cách làm như vậy chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng được nhu cầu bệnh nhân. Nâng cao y tế cơ sở để 90% bệnh nhân điều trị tại nhà, hạn chế thấp nhất phân tầng để không gây quá tải bệnh viện tuyến trên. Trong 90% đó phải chăm sóc thật tốt, cho thuốc điều trị sớm để tránh quá tải tuyến trên.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 5.

Nhân viên y tế cấp thuốc cho F0 tại nhà. Ảnh: Trung Nguyên

Hiệu quả của việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý F0 tại nhà của Thủ đô ra sao thưa bà?

- Hà Nội đã sử dụng phần mềm công nghệ thông tin để theo dõi những trường hợp người bệnh tại nhà. Chúng tôi đã mở tổng đài 1022 "lá chắn trên mây", bệnh nhân sẽ có hệ thống thầy thuốc đồng hành, ngoài ra người dân chủ động gọi vào số tổng đài có nhánh đường dây nóng Sở y tế (nhánh 3.1) và mạng lưới thầy thuốc đồng hành (nhánh 3.2).

Mỗi ngày có hàng nghìn cuộc gọi thành công để trợ cho người nhiễm không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà. Đồng thời có các tổ hỗ trợ người nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà. Những tổ này có nhiệm vụ cấp phát thuốc, làm xét nghiệm, theo dõi, thăm khám sức khoẻ cho người bệnh, cập nhật thông tin sức khoẻ lên phần mềm. Ngoài ra, tổ hỗ trợ có nhân viên y tế nhưng lực lượng nòng cốt sẽ là Đoàn thanh niên.

Với Hà Nội khi đã điều trị tại nhà sẽ sàng lọc kỹ những người nhưng cần chăm sóc y tế. Ví dụ người chưa tiêm chủng nhưng bị nhiễm hoặc người già, người bệnh triệu chứng nhẹ sẽ ưu tiên chăm sóc. Những trường hợp như vậy luôn được theo dõi kỹ để nếu có dấu hiệu sẽ được phát hiện sớm để chuyển tầng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 6.

Bác sĩ cấp cứu cho F0 nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Gia Khiêm

Cùng với đó, Hà Nội cố gắng đưa mạng lưới y tế cơ sở cùng với hệ thống bác sĩ đồng hành ứng dụng công nghệ thông tin, theo dõi sức khoẻ người bệnh tại nhà.

Ngoài ra, người nhiễm tại nhà hoàn toàn có thể chủ động gọi đến tổng đài 1022 để được hỗ trợ. Tổng đài sẽ thông qua hệ thống phần mềm chủ động có số điện thoại gọi cho người nhiễm để có thông tin hai chiều.

Tôi cho rằng việc điều trị cho người nhiễm SARS-CoV-2 ngay tại nhà rất cần có thông tin liên hệ sớm để sớm phát hiện bệnh nhân có triệu chứng chuyển nặng. Bên cạnh đó rất cần sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở để theo dõi, quản lý tại nhà, tránh việc đi lại, giao lưu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 9.

Hà Nội đang thực hiện chủ trương sống thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Chính vì vậy thành phố không còn phong toả, cách ly diện rộng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất... Ảnh: Gia Khiêm

Một trong những vấn đề cũng được nhiều người quan tâm là Hà Nội đã có phương án tiêm vaccine tại nhà cho những người yếu thế, người không có khả năng đi lại chưa?

- Ngành y tế thành phố đang triển khai các tổ y tế lưu động tiêm ngay tại nhà cho những người yếu thế, người có bệnh lý nền, những người không thể đến cơ sở y tế để tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19. Nhân viên y tế đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để hỗ trợ tiêm ngay tại nhà bằng xe lưu động.

Cùng với đó tuyên truyền người dân phải chấp hành nghiêm túc việc tiêm chủng. Có một số người dân ban đầu từ chối tiêm chủng, tuy nhiên Hà Nội cũng rất tích cực vận động, tuyên truyền đặc biệt những người có hoàn cảnh đặc biệt về bệnh lý điều trị tại nhà đã tiêm. Tính đến nay, hầu như những đối tượng này Hà Nội đã thực hiện tiêm đầy đủ chỉ tiêu rất cao (khoảng 96% đã tiêm).

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì trước kịch bản hơn 3.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày? - Ảnh 11.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội hỗ trợ trong công tác ngăn chặn dịch Covid-19. Ảnh: Trung Nguyên

Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang cận kề, bà có khuyến cáo gì tới người dân trong phòng chống dịch Covid-19?

- Người dân cần thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch của thành phố, Chính phủ, Bộ Y tế… Tuân thủ thực hiện 5K, dịp lễ Tết cuối năm tránh tụ tập đông người trong trường hợp không cần thiết. Người dân cần tránh giao lưu, đi lại, không có tâm lý chủ quan, lơ là khi đã tiêm đủ liều vaccine.

Người dân cũng cần thực hiện tiêm đủ mũi 3 vaccine theo yêu cầu, chỉ định của ngành y tế. Mỗi người dân là một chiến sĩ tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình thực hiện tiêm chủng đầy đủ.

Trong dịp Tết, các lễ hội, tôn giáo cũng cần hạn chế tránh lây lan dịch bệnh cộng đồng. Mỗi người dân là tấm gương, bức tranh phản chiếu trung thực nhất để phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm, báo với cơ sở, chính quyền cơ sở, nhân viên y tế để xử lý vi phạm trong công tác phòng chống dịch. Trên cơ sở đó, chính quyền sẽ có những biện pháp xử lý những vi phạm này. Ý thức người dân vẫn là quan trọng trong việc quyết định sự thành công hay thất bại trong công tác phòng chống dịch.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem