Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Nhân viên y tế kiệt sức, ca Covid-19 tử vong tăng không phải do thiếu thuốc
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM: Nhân viên y tế kiệt sức, ca Covid-19 tử vong tăng không phải do thiếu thuốc
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 08/12/2021 15:31 PM (GMT+7)
Tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM ngày 8/12, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, số ca mắc Covid-19 và tử vong tại TP đang có dấu hiệu tăng nhưng không phải do thiếu thuốc.
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết, TP đang quản lý và chăm sóc 85.351 F0. Trong đó, 66.564 F0 đang điều trị tại nhà, 5.295 điều trị tại cơ sở phường, xã, thị trấn (tầng 1), chiếm 84,2%; tại tầng 2, số F0 đang điều trị là 11.692 trường hợp, chiếm 13,7%; tầng 3 (bệnh viện hồi sức cho các trường hợp nặng) có 1.800 trường hợp, chiếm 2,1%, trong đó, có hơn 400 trường hợp thở máy xâm lấn.
"So với đầu tháng 9, khi dịch bùng phát dữ dội, TP.HCM khi đó có 154.550 F0, giờ là 85.000 F0. Số F0 thời điểm đó đang điều trị tại nhà chiếm 58%, tầng 2 - 25%, tầng 3 - 18%. Khác biệt là số cách ly tại nhà hiện nay rất nhiều. Ngày cao điểm nhất, TP.HCM có 1.058 F0 rất nặng, phải thở máy; hiện TP.HCM có 400 ca thở máy", ông Thượng nói.
Tuy nhiên, số ca mắc đang ở xu hướng tăng dần 3 tuần vừa qua. Cụ thể, ngày 12-18/11, TP.HCM có 8.432 ca mắc mới; ngày 19-25/11, TP.HCM có 8.721 ca mới; ngày 26/11-2/12, TP có 9. 301 ca mới.
Ông Thượng đưa ra cảnh báo TP vẫn đang ở giai đoạn dịch, có giai đoạn tạm kiểm soát được nhưng đáng lo ngại khi số ca mắc, ca nặng và tử vong tăng nhẹ. Mỗi ngày, TP vẫn ghi nhận số ca tử vong chứ chưa trở lại bình thường như trước đây.
Ông Tăng Chí Thượng giải thích, số ca tử vong tập trung nhiều ở người cao tuổi (hơn 90% là trên 50 tuổi); có bệnh nền, phổ biến là tiểu đường, cao huyết áp, bệnh lý thận gan và điều trị ung thư; người chưa tiêm vaccine (52-54% hoàn toàn chưa tiêm vaccine).
Ông Thượng khẳng định, thành phố không thiếu thuốc cho bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng và chuyển nặng nhưng phải làm cách nào để người dân tiếp cận được thuốc nhanh nhất và hiệu quả nhất. Vì thế, từ hôm nay, ngành y tế TP đã bắt đầu chiến dịch "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để lập danh sách nhóm nguy cơ, xét nghiệm và cho uống thuốc ngay nếu là F0.
Hoạt động này thuộc "Chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ mắc Covid-19" nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm và phát hiện, điều trị sớm, theo dõi từ xa. 6 hoạt động được triển khai gồm: Cập nhật danh sách nhóm nguy cơ; test nhanh tất cả nhóm nguy cơ; tăng truyền thông; tiêm vaccine; hướng dẫn uống thuốc kháng virus nếu phát hiện dương tính; và theo dõi, tư vấn sức khỏe từ xa qua mạng lưới thầy thuốc đồng hành.
Ông Tăng Chí Thượng cho biết, Sở Y tế vừa tiếp nhận 25.000 liều thuốc Molnupirvir và đã lập tức phân bổ về các địa phương. Số thuốc này nếu dùng đại trà sẽ thiếu nên phải tập trung cho các đối tượng ưu tiên.
Ông Thượng khuyến cáo, những F0 mắc bệnh nhưng còn trẻ, có sức khỏe tốt, không triệu chứng thì chưa cần dùng thuốc này. Thay vào đó, F0 khỏe mạnh có thể uống thuốc đông y để nâng cao đề kháng, thậm chí ăn uống bình thường cũng có thể cải thiện sức khỏe. Thuốc nên được ưu tiên cho các nhóm nguy cơ, có khả năng trở nặng cao.
Trong thời gian tới, nếu thuốc điều trị Covid-19 của Pfizer được nhượng quyền cho Việt Nam sản xuất trong nước thì nguồn thuốc cung ứng cho người dân sẽ nhiều và chủ động hơn.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, về nhân lực y tế, TP.HCM có 20 bác sĩ/10.000 bệnh nhân, cao gấp đôi so với cả nước. Nhưng nhìn qua các nước trên thế giới thì chỉ số bác sĩ dao động từ 36-44-62/10.000 dân. Thực tế cho thấy, số bác sĩ/10.000 dân còn thấp so với nhu cầu. Bình thường đã thấy và dịch thì càng thấy rất thiếu bác sĩ.
Đối với nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế, TP.HCM ở mức thấp nhất trong cả nước, chỉ có 2,31 nhân viên y tế/10.000 dân, trong khi cả nước là 7,42 nhân viên/10.000 dân.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thừa nhận, năm nay nhân viên y tế nghỉ việc nhiều, gần 1.000 nhân viên. Con số này hàng năm là 400-500 người nghỉ việc. "Nhân viên y tế nghỉ việc nhiều là có lý do. Nếu nói nhân viên y tế đã kiệt sức cũng không sai bởi gần 8 tháng trôi qua, họ chưa được nghỉ ngơi ngày nào, trong khi thu nhập quá thấp", ông Thượng giãi bày.
Vì thế, giải pháp trước mắt mà ngành y tế đưa ra là giữ chân để nhân viên y tế ít nghỉ việc. Cụ thể là đề xuất hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế, làm sao bác sĩ có thêm 1-1,5 lương tối thiểu vùng (tức là thêm khoảng 6 triệu đồng/bác sĩ/tháng), điều dưỡng có thêm khoảng 4 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thông tin thêm, năm 2015, UBND TP.HCM hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, tuy nhiên mức hỗ trợ còn thấp, chỉ từ 450.000-800.000/người/tháng. Mức hỗ trợ này rất khó cho nhân viên y tế đảm bảo cuộc sống cá nhân và hỗ trợ gia đình.
Cùng với giải pháp giữ chân, mối quan tâm tiếp theo của ngành y tế là làm thế nào thu hút được nhân lực đến công tác tại các trạm y tế. "Đây là thách thức rất lớn", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.