Giảm giá trị mồ hôi

Thứ năm, ngày 30/06/2011 11:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay sau khi kết quả kiểm tra 7 loại hàng hoá thiết yếu được công bố, với cam kết sẽ buộc các DN tăng giá bất hợp lý phải “sửa sai”, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Lê Bá Lịch trả lời NTNN rằng: Kết quả (kiểm tra) của Bộ không sai, và doanh nghiệp tăng giá cũng đúng”. Không sai, có nghĩa là đúng. Cũng đúng, có nghĩa là không sai.
Bình luận 0

Nếu bên nào cũng giữ cái lý của mình như vậy thì làm sao mà “sửa sai” được. Mà sai không sửa thì làm sao giá cả, dù đối với 2 loại hàng hoá, được xác định là hàng hoá thiết yếu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, có thể “hợp lý” được.

Mặt hàng phân hoá học, với 5 lần tăng trong chỉ 4 tháng, đã có mức tăng kỷ lục 25%. Ai cũng biết phân bón, cùng với thuốc trừ sâu là những yếu tố tác động mạnh nhất tới giá thành hạt lúa, củ khoai. Và việc giá phân bón tăng kỷ lục, trong khi nông nghiệp chưa hề thoát cảnh được mùa mất giá, thì việc tăng giá, chưa cần quan tâm đến sự hợp lý hay không, chính là sự làm giảm giá trị mồ hôi của nông dân. Giá thành cao hơn rất nhiều so với đà tăng chi phí sản xuất bình quân. Hình như cơn bão giá, chưa từng thuyên giảm, đang ảnh hưởng tới yếu tố tâm lý tăng giá, từ ngoài chợ vào đến nhà máy.

Tháng 4.2010, khi kết quả kiểm tra giá bán mặt hàng phân bón được công bố, người nông dân đã không khỏi ngậm ngùi. Trong khi các “đại gia phân bón” lãi lớn, có tỷ suất lợi nhuận trước thuế lên tới 45%, thậm chí có tổng công ty có lãi tới hơn 1.500 tỷ đồng thì giá thành phân bón trong quý I/2010 đã tăng tới 16,1%. Sau đợt kiểm tra năm đó, cũng có những khuyến nghị “rà soát”, “tiết giảm”, “tiết kiệm”… cũng có những đe doạ sẽ “xử lý”, “xử phạt”… Nhưng kết quả là giá phân tăng 25% chỉ 12 tháng sau đó.

Năm ngoái, khi các nhà khoa học nông nghiệp tranh luận về giá thành hạt lúa để tính toán xem bao nhiêu thì nông dân sẽ có lãi 30%, một công thức chung đã được đưa ra: Hạt Lúa= phân bón + thuốc trừ sâu + mồ hôi (công sức) của nông dân. Nhưng có lẽ như vậy là chưa đủ. Bởi việc tăng giá với hơn 1 lần mỗi tháng, mật độ còn hơn sâu rầy, của các yếu tố đầu vào sản xuất nông nghiệp sẽ phá vỡ hoàn toàn những con số định mức chung, sẽ khiến giá thành hạt lúa tăng hàng tháng. Giá thành hạt lúa bây giờ còn phải tính thêm yếu tố lãi suất, một biểu hiện của sự ổn định vĩ mô; tâm lý tăng giá và cả lương tâm doanh nghiệp nữa.

Bộ bảo bộ đúng, doanh nghiệp nói doanh nghiệp không sai. Và phải chăng vì thế nên những cơn bão giá trong phân bón, trong thức ăn chăn nuôi nói riêng và các hàng hoá đầu vào của nông nghiệp nói chung sẽ còn dài dài chịu cảnh “bất hợp lý hàng tháng, hàng năm”?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem