Giảm nhiệt tai nạn giao thông ở nông thôn: Sáng kiến nhỏ, hiệu quả lớn

Minh Phong Thứ ba, ngày 05/05/2015 09:20 AM (GMT+7)
Ở khu vực nông thôn, chỉ cần thực hiện một sáng kiến nhỏ cũng có thể làm giảm đáng kể số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông (TNGT).
Bình luận 0

Làm gờ giảm tốc, “bêu” tên người vi phạm...

Ở Thái Bình, đến hết quý I năm 2015 đã có đến 85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng bộ tỉnh. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) cũng được nâng cấp nhanh chóng. Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Bình, 770.674 tấn xi măng đã được cấp cho 276 xã, phường, thị trấn. Qua đó, toàn tỉnh xây mới, cải tạo, nâng cấp 4.713,8km đường giao thông nội đồng và GTNT.

img
Việc làm gờ giảm tốc ở tất cả các điểm giao nhau trên đường liên thôn, xã, huyện đã giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông tại khu vực nông thôn ở Thái Bình. 
(ảnh chụp tại huyện Tiền Hải). Ảnh: V.H 
Hạ tầng GTNT được nâng cấp, đáng buồn thay lại tỷ lệ thuận với số vụ TNGT ở khu vực nông thôn. Ban An toàn giao thông tỉnh Thái Bình cho biết, có đến 80% số vụ TNGT có liên quan đến người dân sống ở vùng nông thôn, và tỷ lệ này có chiều hướng gia tăng. Các vụ tai nạn xảy ra chủ yếu ở những điểm đường cong và đường giao nhau... Hàng loạt lý do của thực tế trên được liệt kê. Đó là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao; việc lấn chiếm hành lang an toàn giao thông để phơi rơm rạ còn phổ biến; đi qua ngã ba, ngã tư không giảm tốc độ; kỹ năng điều khiển phương tiện chưa được nâng lên...

 

Ông Phạm Quang Đức – Giám đốc Sở GTVT Thái Bình cho hay: “Trước tình hình đó, chúng tôi xác định việc cần đẩy mạnh hàng đầu là tăng cường các hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức cho người dân khi tham gia giao thông. Đồng thời, rà soát các điều kiện hạ tầng để đảm bảo an toàn giao thông”. Bên cạnh việc thường xuyên phát thông tin cảnh báo, tuyên truyền như vẫn làm trước đây, Thái Bình đã đẩy mạnh việc công bố danh sách những người vi phạm Luật Giao thông tại địa phương. Ông Đức cho biết: “Chúng tôi nêu tên tuổi, đơn vị của người vi phạm giao thông trên truyền hình. Đồng thời, gửi danh sách về cho xã, phường, thị trấn qua hộp thư điện tử của mỗi đơn vị nhằm giáo dục tại cộng đồng”.

Biện pháp cải thiện hạ tầng để đảm bảo an toàn giao thông hơn cũng được áp dụng. Ban An toàn giao thông Thái Bình đã phân cấp thực hiện làm gờ giảm tốc tại các điểm giao nhau. Đường làng, đường liên thôn do cấp xã phụ trách thực hiện; đường liên xã, đường huyện do cấp huyện làm; còn cấp tỉnh xây dựng tại các điểm đấu nối đường tỉnh với đường quốc lộ. Đến nay, Thái Bình đã làm được gờ giảm tốc tại 6.161/6.249 điểm đấu nối giữa đường huyện, xã và thôn xóm. Chỉ một sáng kiến nhỏ này cũng đã đem lại hiệu quả giảm TNGT rất đáng ghi nhận.

Theo thống kê của Sở GTVT Thái Bình, khi chưa triển khai làm gờ giảm tốc, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 ở khu vực nông thôn xảy ra 19 vụ TNGT, làm chết 16 người. Khi đã triển khai được 80% số gờ giảm tốc, TNGT khu vực nông thôn giảm mạnh: 6 tháng cuối năm 2014 chỉ có 7 vụ TNGT, làm chết 6 người; trong 3 tháng đầu năm 2015 chỉ xảy ra 3 vụ làm chết 2 người.

Trước hiệu quả của sáng kiến này, ông Đinh La Thăng – Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT đã đề nghị các địa phương khác nghiên cứu để áp dụng mô hình phân cấp thực hiện làm gờ giảm tốc, giảm được số người tử nạn vì TNGT ở khu vực nông thôn.

Lơi lỏng kiểm soát dẫn đến “mù luật”

Theo tìm hiểu của NTNN, nhiều biện pháp đã được Ban An toàn giao thông các địa phương áp dụng, nhưng không phải biện pháp nào cũng phát huy hiệu quả ngay như ở Thái Bình.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, TNGT ở địa bàn nông thôn đang có chiều hướng gia tăng và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông ở cả hạ tầng, phương tiện và người tham gia giao thông. Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: “Nhận thức trách nhiệm của một số lãnh đạo, cấp chính quyền địa phương còn chưa đầy đủ. Vai trò tuần tra, kiểm soát của công an xã, phường – lực lượng trực tiếp đảm bảo an toàn giao thông các vùng nông thôn chưa phát huy hiệu quả”. Ông Nguyễn Ngọc Thái – Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh cho rằng: “Việc xử lý vi phạm giao thông ở khu vực nông thôn chưa được chú trọng, công an xã không tham gia xử phạt, cũng không nhắc nhở hay mạnh tay hơn được vì tình làng nghĩa xóm. Chính vì vậy đây là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng mù luật hay hiểu biết luật nhưng cố tình vi phạm”.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Thái cho hay, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đề nghị công an tỉnh phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát ở khu vực liên quan, huy động lực lượng công an xã làm nòng cốt và tiến hành xử lý chéo giữa các địa bàn.

Đồng quan điểm với ông Thái, ông Phạm Quang Đức – Giám đốc Sở GTVT Thái Bình cho biết: “Trên thực tế, lực lượng công an xã không xử phạt được. Muốn tiến hành xử phạt, phải điều công an tỉnh, huyện về tăng cường ở các khu vực nông thôn”.

Theo ông Khuất Việt Hùng, trong thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị các địa phương cần huy động lực lượng công an xã phối hợp cùng lực lượng thanh niên, tổ tự quản tăng cường tuyên truyền pháp luật an toàn giao thông. Đồng thời, phải thường xuyên tuần tra kiểm soát các điểm thường xảy ra tai nạn ở các tuyến đường GTNT và lập danh sách những đối tượng thanh niên thường xuyên lái xe lạng lách, đánh võng để giáo dục, ngăn ngừa tai nạn xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem