Giám sát chặt để tránh mối nguy cho cộng đồng

Lương Kết - Tạ Nguyệt Thứ tư, ngày 29/11/2017 06:25 AM (GMT+7)
Vụ án cháu bé 6 tuổi ở quận Tân Phú, TP. HCM trên đường đi mua bánh bị đối tượng là bảo vệ dân phố (có tiền sử bị bệnh tâm thần) sát hại khiến nhiều người kinh sợ, xót thương cho cháu bé chết oan uổng. Nó cũng làm tăng thêm mối lo cho xã hội khi có không ít người tâm thần và tiền sử bị bệnh tâm thần đang sống giữa cộng đồng mà sự quản lý, giám sát rất lơi lỏng.
Bình luận 0

Có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Nhìn nhận về vụ án cháu bé 6 tuổi bị đối tượng Hoàng Nhất Giang (bảo vệ dân phố) sát hại một cách vô cớ hôm 26.11, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) - người từng tham gia tố tụng trong nhiều phiên tòa xét xử người tâm thần phạm tội, cho biết: Hành vi gây ra cái chết của cháu bé 6 tuổi như báo chí phản ánh rõ ràng đó là hành vi giết người, với tình tiết tăng nặng định khung là giết trẻ em.

img

Bị cáo Lê Phúc (ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam) - bị tâm thần phân liệt, bị tuyên phạt án tù chung thân vì sát hại một phụ nữ hồi tháng 9.2014. Ảnh: K.B

"Đối với người có tiền sử về bệnh tâm thần, dù họ đã khỏi bệnh về sống giữa cộng đồng nhưng vẫn có thể tái phát. Chính vì thế gia đình vẫn phải theo chăm sóc, việc khám định kỳ cần phải thực hiện nghiêm túc. Chỉ có gia đình mới sát sao được với người bệnh”.

Đại biểu Quốc hội
Lưu Bình Nhưỡng 

“Giữa đối tượng phạm tội và cháu bé, cũng như gia đình cháu bé không có mâu thuẫn gì, cháu bé đang đi đường bị sát hại vô cớ thì rõ ràng đối tượng phạm tội có biểu hiệu không bình thường. Với những vụ án như vậy, thông thường sau khi khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định về khả năng nhận thức hành vi của đối tượng để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật” - luật sư Thơm cho biết.

Vẫn theo luật sư Thơm, sau khi giám định nếu thấy đối tượng phạm tội không phải là người tâm thần thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm hình sự bình thường. Còn xác định người phạm tội đó bị bệnh tâm thần thì sẽ thuộc vào 2 trường hợp:

Thứ nhất, nếu người bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức và năng lực điều khiển hành vi trước, trong và sau khi phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên hành vi phạm tội của người đó sẽ được giảm nhẹ một phần hình phạt do bị bệnh tâm thần hạn chế nhận thức điều khiển hành vi.

Thứ hai, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Trách nhiệm chính là gia đình

Có thể thấy thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều vụ án người có biểu hiện tâm thần phạm tội ác, nạn nhân thường là người thân của đối tượng phạm tội. Điển hình như vụ Phạm Duy Quý (ở xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, Hải Dương) - người bị bệnh tâm thần phân liệt ra tay sát hại bố mẹ, bà nội và chị họ (xảy ra tháng 8.2014). Cuối năm 2016, đối tượng Phù Minh Tuấn có tiền sử tâm thần ở thôn Tả Ngảo, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, đã dùng dao sát hại bố và 3 người khác.

Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cá nhân, cơ quan nào có trách nhiệm đưa người mắc bệnh tâm thần đến cơ sở khám, chữa bệnh điều trị khi người bệnh chưa phạm tội.

Chính phủ có nghị định về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần. Việc bắt buộc chữa bệnh này chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, nghĩa là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, người bị bệnh tâm thần nhưng chưa gây ra hành vi vi phạm pháp luật, trách nhiệm đưa họ khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình.

Ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, khi gia đình phát hiện người  thân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì cần phải mạnh dạn đưa đi điều trị. “Có không ít trường hợp có lẽ vì thương người bệnh hoặc thiếu khả năng kinh tế nên gia đình để người bệnh sống chung tại nhà. Như vậy sẽ tiềm ẩn mối nguy hiểm lớn cho cả gia đình người bệnh và cộng đồng” - ông Hoàng nói.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, có những trường hợp người bị tâm thần được đưa đi điều trị, sau đó khỏi bệnh được cho về nhà, một thời gian sau khi tiếp xúc cuộc sống bệnh của họ lại có biểu hiệu tái phát, nếu không được phát hiện sớm người bệnh có thể có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội “Cần phải có sự tuyên truyền mạnh mẽ để những gia đình có người tâm thần hiểu, vượt qua mặc cảm, những khó khăn để đưa người bệnh đi điều trị kịp thời” - ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Bác sĩ Vũ Công Nguyên - Phó viện trưởng Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển cho rằng: “Khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá hành vi của người bệnh. Thực hiện cấp thuốc cho họ nếu họ trong diện điều trị ngoại trú, nếu bệnh nặng thì phải chuyển lên cơ sở y tế cao hơn. Riêng với những người mới có dấu hiệu của bệnh về tâm thần thì người đó cần phải ngay lập tức đi khám sàng lọc để điều trị kịp thời”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem