Bé trai bị sát hại ở Tp HCM: Rủi ro khi giao việc nhiều áp lực cho người có tiền sử tâm thần

Diệu Linh Thứ hai, ngày 27/11/2017 16:19 PM (GMT+7)
Về vụ việc một bảo vệ có tiền sử tâm thần bỗng dưng lên cơn và cứa cổ một bé trai 6 tuổi ở TP.HCM, bác sĩ La Đức Cương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần T.Ư 1 khẳng định, giao việc có nhiều tiếp xúc, giao tiếp cho người đã có tiền sử bệnh tâm thần rất nguy hiểm.
Bình luận 0

Theo bác sĩ Cương, Luật pháp không bắt buộc những người có tiền sử tâm thần phải đi điều trị hoặc quản lý tập trung. Sau khi chữa khỏi các triệu chứng bệnh, ổn định sức khỏe và tâm lý thì người tâm thần được giao về địa phương và gia đình để quản lý. Với một số địa phương có dự án Bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng thì cán bộ y tế sẽ quản lý danh sách người có tiền sử tâm thần, phát thuốc để họ uống hàng ngày, đồng thời có tư vấn về sức khỏe, tâm lý cho người bệnh và người nhà của họ khi cần thiết.

img

Tiệm tạp hóa gần nơi xảy ra vụ việc. Ảnh: Người lao động.

Tuy nhiên, bác sĩ Cương cho biết, trên thực tế, nhiều người bệnh cho rằng mình đã khỏi hẳn, luôn lo lắng mình và gia đình bị kỳ thị, xa lánh, do đó họ thường giấu bệnh, không uống thuốc đều, không đi tái khám. Do đó, bản thân họ và gia đình cũng sẽ không nhận biết được các dấu hiệu tái phát bệnh. Đến khi có cơn tâm thần hoang tưởng, nghĩ rằng bị tấn công, bị đe dọa thì họ sẽ tấn công, gây án với người khác.

Về việc người có tiền sử tâm thần có nên đi làm hay không, bác sĩ Cương cho biết, sau khi điều trị ổn định, người tâm thần có sức khỏe, trí tuệ bình thường có khả năng lao động, tái hòa nhập với cộng đồng. “Về cơ bản có thể giao việc cho người có tiền sử tâm thần để họ có thu nhập, hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên không nên giao cho họ những việc có giao tiếp, tiếp xúc với nhiều người, những công việc đảm bảo trật tự, an toàn hay va chạm với người khác. Khi đó, nếu họ không uống thuốc định kỳ có thể dễ bị kích thích, tâm thần không ổn định” – bác sĩ Cương nói.

Bác sĩ Cương cũng cho biết, hiện tại rất khó phát hiện ai là người có tiền sử tâm thần hay không để giao việc. Hiện nay khi đi xin việc, người sử dụng lao động chỉ căn cứ vào lời khai của người lao động và bản khám sức khỏe thông thường. Với việc khám sức khỏe đó thì không bao giờ phát hiện được dấu hiệu ai có bệnh tâm thần hay không. Vì vậy, khi giao những việc nặng nhọc, dễ căng thẳng cho người có tiền sử tâm thần sẽ không phù hợp, dễ xảy ra rủi ro.

“Tôi rất mong muốn đến ngày chúng ta quản lý sức khỏe mọi người bằng hồ sơ y khoa, có mã số. Khi đó chỉ cần đánh mã số vào hệ thống là biết được tiền sử sức khỏe của mọi người. Như vậy chúng ta mới có cách hành xử tránh được những án mạng đau đớn như vậy” – bác sĩ Cương nói.

Bác sĩ Cương phân tích, các dấu hiệu sắp phát bệnh của người tâm thần rất khó phát hiện, vì đôi khi biểu hiện của họ chỉ hơi cáu kỉnh, hơi “gàn dở”. Bệnh tâm thần là bệnh mãn tính phải điều trị cả đời. Do đó, chỉ có cách là đưa những người có tiền sử tâm thần đi khám định kỳ hàng tháng, cho họ uống thuốc đều đặn. Tuy nhiên, việc gia đình có đưa bệnh nhân đi điều trị hay không cũng rất hạn chế.

“Gia đình thiếu năng lực, thiếu kiến thức chuyên môn để quản lý người tâm thần. Họ cũng còn nhiều e ngại sợ kỳ thị nên giấu bệnh. Ngoài ra, các gia đình có người tâm thần phân liệt có hoàn cảnh kinh tế rất eo hẹp, nên dù biết người thân bệnh nặng cũng không có tiền đi viện. Rất nhiều trường hợp người tâm thần phát bệnh tự sát hoặc gây ra các vụ thảm sát là ở các gia đình có kinh tế khó khăn,  văn hóa thấp” - bác sĩ Cương phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem