“Năm nào cũng có vấn đề về thủy điện”. Nhắc đến hai chữ Sông Tranh, bà Mai nói: “Dù đã có các báo cáo nhưng chúng tôi chưa thỏa mãn, chưa yên tâm”.
Cũng vấn đề thủy điện, phía Đồng Nai cho biết họ “bảo vệ quan điểm của mình tới cùng”, “bằng tất cả cách kênh”, “kiên quyết không đồng ý với việc xây 2 Thủy điện Đồng Nai 6, 6A”. Bởi làm Thủy điện 6, 6A đồng nghĩa với việc lấp sông, cắt vườn quốc gia với những hệ lụy xảy ra ngay tại vùng lõi.
Trong khi đó, ở Đà Nẵng, thời tiết khô hạn khiến hạ lưu sông Vu Gia - nguồn cung nước cho sản xuất nông nghiệp và đời sống của 1,7 triệu dân 2 tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng - bị nhiễm mặn nghiêm trọng, thậm chí, có thời điểm gấp đến 26 lần mức cho phép. Thậm chí, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu Thủy điện Đăk Mi 4 phải xả nước. Đổi lại, là lý do “phải tiết kiệm nước”.
Nhưng không biết chừng, vào mùa lũ, Đăk Mi4 lại “xả lũ”.
Còn ở Quảng Nam, vụ động đất ở khu vực Thủy điện Sông Tranh mới nhất xảy ra hôm 7.4. Trước đó là trận ngày 5.3. Trước đó… Trước đó… Từ khi có thủy điện này, 1.777 ngôi nhà, 32 công trình công cộng, trường học ở huyện Bắc Trà My bị động đất làm hư hại, xuống cấp. Khi Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đi thị sát, Chủ tịch Bắc Trà My Đặng Phong nói run run: “Người dân bỏ bê hết ruộng rẫy. Đã có 5 hộ bán nhà, 34 hộ khác bỏ nhà đi nơi khác, rất nhiều nhà dân dọn xuống lều riêng để ở vì sợ sập nhà bêtông. Tết năm nay nơi này trầm lắng chưa từng thấy”.
Tàn phá môi sinh, đe dọa nguồn nước và uy hiếp đời sống, tính mạng của người dân. Tất cả những thứ đó, thật kinh khủng, lại đang được gây ra bởi thủy điện, thứ năng lượng sạch tưởng chừng được phát triển là vì dân.
Cũng hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban KHCNMT của Quốc hội Phan Xuân Dũng khẳng định sẽ tổ chức phiên điều trần về các vấn đề liên quan đến thủy điện. Điều đó là cần thiết, nhưng chưa đủ. Bởi việc phát triển thủy điện một cách ồ ạt cần phải được đặt ra và xem xét nghiêm túc bằng một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội.
Đào Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.