Giảm tải để học thêm, tăng tải ở nhà

Thứ tư, ngày 05/10/2011 16:28 PM (GMT+7)
Trường càng danh tiếng, học sinh buộc phải học thêm càng nhiều. Để tạo tâm lý “khát” học thêm, giáo viên thường ra bài tập về nhà với số lượng nhiều hoặc có những bài khó đến mức chỉ có cô hướng dẫn trò mới làm được.
Bình luận 0

Theo nhiều giáo viên, hướng dẫn giảm tải của Bộ ở một số môn chưa thật sự phù hợp nhu cầu của giáo viên - học sinh trong thực tế. Việc giảm tải còn mang nặng cảm tính.

Chẳng hạn, môn Văn lớp 10, các bài Thái sư Trần Thủ Độ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được đưa xuống đọc thêm trong khi theo nhiều giáo viên, đây là những bài đọc hay, có ý nghĩa, giúp học sinh liên tưởng với xã hội đương đại.

img
Dù giảm tải, nhưng các em vẫn phải chịu áp lực học hành.

“Đó là những bài đọc tái hiện sinh động các nhân vật lịch sử. Qua kinh nghiệm của tôi, nếu giáo viên dạy hay thì học sinh rất thích những bài đọc đó”, cô Nguyễn Như Hương, Tổ trưởng tổ Văn, trường THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội cho biết.

Một số giáo viên môn Giáo dục Công dân cho rằng, bản thân toàn bộ môn này đã được dư luận học sinh xem là “quá tải” khi các em gọi nói là “môn phụ”.

“Phải chăng vì áp lực đó mà Bộ cứ mạnh tay cắt, cắt cả những nội dung có ý nghĩa giáo dục rất thiết thực?”, giáo viên một trường THPT ở Hà Nội băn khoăn và đưa ví dụ bài dạy về hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc xã hội, hoặc nội dung về mối quan hệ gia đình và trách nhiệm của thành viên.

Nhiều giáo viên Tiểu học cũng cho rằng, nội dung giảm tải ở một số môn làm qua loa, sơ sài, thậm chí có môn bài nào cũng yêu cầu giảm nhưng lại hướng dẫn chung chung, gây khó khăn cho giáo viên trong tổ chức dạy học.

Có bài, có môn hướng dẫn giảm tải là... thừa, vì trên thực tế giáo viên vẫn được yêu cầu tổ chức dạy học linh hoạt theo điều kiện thực tế lớp học. Trong trường hợp này, hướng dẫn giảm tải chẳng giúp gì cho giáo viên mà còn làm họ thấy vấn đề trở nên rắc rối hơn.

Vẫn phải học thêm

“Nếu dạy học hướng tới mục tiêu giúp học sinh thi ĐH có kết quả tốt thì nội dung SGK hiện nay chưa đạt, kể cả sách nâng cao.

Sự chênh lệch về mức độ yêu cầu giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT với tuyển sinh ĐH hiện nay là quá lớn.

Bộ GD&ĐT cần xác định, sau giảm tải nội dung SGK, có tiếp tục giảm tải yêu cầu trong kỳ thi ĐH.

Nếu không, việc giảm tải sẽ mang đến thiệt thòi nặng nề cho những học sinh thi ĐH khối A nhưng phải học sách đã giảm tải môn Vật lý” - Thầy Dương Đức Thắng, Tổ trưởng Tổ Vật lý, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội.

Nhiều phụ huynh cho biết, áp lực học hành đè lên vai con cái họ không giảm.

“Con tôi học hè một tháng trước khi đi học chính thức. Hiện nay cháu vẫn đi học thêm ở trường cả ngày thứ bảy. Thế nhưng bài tập viết của cháu cũng chỉ đạt 6, 7 điểm. Mới sang tuần thứ ba của năm học mới, cô giáo đã yêu cầu phụ huynh đọc chính tả cho con viết ở nhà trong khi tôi nghĩ các con viết được chữ theo mẫu cho ngay ngắn thẳng thớm đã là giỏi rồi.

Vì sợ con đuối so với các bạn nên tôi đành phải động viên cháu cố gắng dù tôi không ủng hộ lắm việc cô giáo yêu cầu cao như thế với một học sinh vừa vào lớp 1”, chị Th., phụ huynh trường Tiểu học Phúc Đồng, quận Long Biên cho biết.

Trường càng danh tiếng, học sinh buộc phải học thêm càng nhiều. Phụ huynh có con học lớp 6 ở một trường THCS quận Hoàn Kiếm cho rằng, để tạo tâm lý “khát” học thêm cho học sinh, giáo viên thường ra bài tập về nhà với số lượng nhiều hoặc có những bài khó đến mức chỉ có cô hướng dẫn trò mới làm được.

Còn một phụ huynh trường THCS Giảng Võ than phiền, ngay sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, vị trưởng ban đại diện phụ huynh lớp phát cho mỗi người một đơn xin học thêm. Lớp này do các cô giáo dạy chính khoá (các môn Toán, Anh, Văn) của các cháu dạy nên phụ huynh không muốn vẫn phải tham gia vì sợ con thiệt thòi so với các bạn trong lớp.

Giờ chính khoá của các con từ 12 giờ 20 đến 17 giờ. Giờ học thêm là từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30, học tại một điểm gần trường, tuần 3 buổi.

Phụ huynh này nói: “Học thêm như vậy còn thời gian nào làm bài tập, vừa bài tập trên lớp vừa bài tập lớp học thêm? Thời gian nào chơi thể thao, thời gian nào đọc thêm sách? Sau vài buổi, cháu mệt mỏi, ủ rũ. Cháu kể các bạn trong lớp ai cũng mệt, ai cũng buồn ngủ vào giờ học chính khóa”.

Tăng tải ở nhà

Em Mỹ Ngọc, học sinh lớp 9 trường THCS Hoàng Văn Thụ TPHCM cho biết: “Ngày nào em đi học cũng nghe thầy cô nói về chương trình giảm tải. Nhưng cũng chẳng thấy giảm tải gì nhiều. Chương trình thi là kiểm tra kiến thức toàn diện nhưng giảm tải chỉ bỏ một, hai bài riêng lẻ thì không có tác dụng gì.

Ví dụ trong chương trình ngữ văn có trích đoạn “Mã Giám Sinh mua Kiều” nằm trong chương trình giảm tải. Nhưng đề thi sau này có thể yêu cầu làm rõ giá trị hiện thực, nhân đạo của tác phẩm truyện Kiều nên buộc tụi em vẫn phải học”. Như vậy, thay vì được nghỉ ngơi, các em đang nặng gánh thêm.

Em Lan Anh, học sinh lớp 10 trường THPT Phan Châu Trinh quận Tân Bình cho biết, em chẳng thấy giảm được tiết học nào. Ngày nào cũng phải đến trường, cũng chừng đó tiết học. Có khi vì là chương trình giảm tải nên thay vì được học bài mới, các em phải làm thêm rất nhiều bài tập trên lớp và ở nhà cho tiết ôn tập. Bài vở vẫn nặng như vậy.

Em Minh Hoàng, học sinh lớp 12 một trường THPT quận 5 cho biết: “Chúng em cần giảm tải thiết thực hơn, để có thể vừa học lý thuyết, vừa thực hành ngay trên trường. Giảm tải mà chỉ là cắt giờ trên lớp để vẫn mang lượng bài tập y như vậy về nhà làm thì chỉ mệt mỏi thêm. Em vừa phải chạy cho kịp bài tập trên lớp vừa phải đi học thêm, không còn thời gian nghỉ ngơi”.

Hoàng chia sẻ thêm, dù bài vở trên trường rất nặng nhưng vẫn không cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng để bước vào kỳ thi Đại học. Vì vậy Hoàng và tất cả bạn bè đều phải đi đến các lớp học thêm: “Mỗi ngày em học 2 buổi ở trường, buổi chiều về tranh thủ đi học thêm đến 9 giờ đêm. Cho dù chương trình trong trường có giảm tải hay tăng tiết em vẫn phải đi học thêm mới có thể làm được bài tập”.

Theo Tiền phong
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem