Bé T.T.L.Q (11 tuổi) được chuyển từ Tiền Giang đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong tình cảnh hôn mê, chức năng gan, thận đã bắt đầu bị ảnh hưởng bởi độc chất liều cao của thuốc ngủ ức chế thần kinh gây nên.
BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi sức Chống độc và BS CK1 Lê Thái Lộc cho biết ngay khi tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng nguy kịch, các bác sĩ đã nghi bệnh nhân sử dụng nhóm thuốc ngủ những người tự tử hay dùng như phenobarbital, benzodiazepine (thuốc ngủ Seduxen) và nhóm ức chế 3 vòng amitriptyline. "Sau nhiều lần tra tên thuốc dựa theo gợi nhớ của gia đình, thử các xét nghiệm định tính máu và nước tiểu, chúng tôi xác định dạng thuốc ngủ có hoạt chất từ phenobarbital, thuốc ức chế thần kinh và chống co giật thường gặp", BS Thy nói.
Nhóm này khi uống vào lúc đói, uống quá liều, sẽ gây biến chứng của tình trạng ngủ, như ức chế tim, gây ức chế thần kinh trung ương, gây xoắn đỉnh, thông thường chỉ khoảng 30 phút là đi vào giấc ngủ. Ngay lập tức, bệnh nhân được điều trị giải độc, đồng thời với các bước xét nghiệm định tính nồng độ thuốc. Sau gần một tuần trị liệu tăng thải độc và kiềm hóa nước tiểu, bệnh nhi đã tỉnh hẳn, cai máy thở.
Sau khi tỉnh táo, bé Q cho biết do buồn vì thấy cha mẹ thương em gái hơn, hay bị cha mẹ la rầy, không được chơi điện thoại nhiều như em, không được tổ chức sinh nhật như em, vào trường bị các bạn chê đen, nói xấu…, bé đã nghĩ quẩn, lấy tiền tiêu vặt, ra nhà thuốc năn nỉ người bán để mua một hộp thuốc ngủ giá 70.000 đồng.
"Được các bác sĩ động viên, khuyên nhủ, cô bé đã thấy thương cha mẹ nhiều hơn và hối hận về hành vi của mình. Nhiều trường hợp được cứu sống, khi lấy lại bình tĩnh, các bạn nhỏ, đa số ở tuổi vị thành niên, thường tâm sự với chúng tôi rất thật lòng. Theo đó, đối tượng là nữ tìm đến cái chết bằng cách tự tử nhiều hơn nam giới. Trong đó, các bạn nhỏ mang tâm lý áp lực học đường, bất mãn gia đình, phân bì tình cảm anh em, tâm tư tuổi mới lớn không ổn định, áp lực cuộc sống dẫn đến trầm cảm, ức chế, khi các em không thể chịu đựng nổi nữa, thì không thể làm gì hơn ngoài việc tìm đến cái chết", BS Thy cho biết.
Nếu phát hiện muộn, đã có biến chứng, những trường hợp tự tử dù được cứu sống cũng vẫn bị ảnh hướng đến các cơ quan như tim, gan, thận, lâu nữa sẽ gây viêm phổi. Hậu quả lớn nhất chính là chấn thương tâm lý không hề nhỏ cho chính bệnh nhân đó và cho gia đình của họ. Vì thế để tránh hiện tượng này xảy ra trong tương lai, lối sống của các con em cần sự quan tâm, chia sẻ, tránh sự bế tắc về tinh thần dễ dẫn đến những hành vi tự hủy hoại bản thân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.