Những chuyến "săn" hổ
|
Hổ Việt Nam từ lâu đã được đưa vào sách Đỏ cần bảo vệ gấp. |
Phải khó khăn lắm, chúng tôi mới hẹn gặp và có được buổi nói chuyện về hổ giữa… Hà Nội với ông Đỗ Quang Tùng - Chánh Văn phòng CITES (Công ước về buôn bán quốc tế những loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng) cũng là người từng có vài chục năm gắn bó với việc nghiên cứu và bảo vệ hổ.
Ông Tùng nói, công việc chính của ông, cũng như các anh em thuộc văn phòng là ở… trong rừng. Nói rồi, ông Tùng tiếp tục câu chuyện: "Năm 1960, các nhà khoa học VN mới bắt đầu đi nghiên cứu và phát hiện ở rừng Cúc Phương. Từ đó, các nhà khoa học đã lặn lội, tìm tòi và phát hiện ra hổ còn sống ở khoảng 17 địa phương như Ba Chẽ (Quảng Ninh), Quản Bạ (Hà Giang), Dốc Cun (Hòa Bình), Mường Nhé (Lai Châu), Ba Rền, U Bò, Trúc (Quảng Bình), Ba Tơ (Quảng Ngãi), Phú Yên, Khánh Hòa, KBang (Gia Lai), Sa Thầy (Kon Tum). Trung bình mỗi nơi có khoảng 2-5 cá thể hổ sinh sống là cùng".
Dẫu vậy, ông Tùng cũng không giấu nổi vẻ buồn rầu: "Cùng với thời gian, loài hổ ở nước ta cứ ngày một vắng bóng, cho đến nay chỉ còn chừng trên dưới 100 con, chủ yếu được phân bổ ở Pù Mát, Chư Ma Prông, Yok Đôn...".
|
Ông Đỗ Quang Tùng- một chuyên gia về bảo tồn loài hổ. |
Trước nguy cơ số lượng loài hổ ngày càng bị đe doạ, hồi đầu những năm 2000, một chiến dịch bảo vệ hổ đã được ngành kiểm lâm đặt ra với các tên gọi như "Theo dấu chân hổ", "Hổ- tìm và bảo vệ".
Hồi đó, những người như ông Tùng đã từng phải đi ngang dọc ròng rã suốt hàng tháng trời từ thượng nguồn sông Gianh (Quảng Bình) cho đến cả những vùng giáp biên với nước bạn Lào như Kon Tum, Gia Lai. "Lúc mới được cơ quan giao nhiệm vụ đi tìm hổ, tôi cùng mấy anh em khác háo hức lắm. Bởi dù đã "diện kiến" hổ nhiều lần rồi, nhưng chỉ là hổ nuôi, còn hổ tự nhiên chưa bao giờ mình được nhìn thấy.
Vậy là lên đường. Không may lại vào đúng mùa mưa. Những cơn mưa rừng rát buốt như cắt da, cắt thịt không làm anh em nản lòng bằng việc đi mãi không tìm thấy dấu chân hổ đâu. Rồi, sau gần 1 tháng trời, chúng tôi cũng được giáp mặt với những "ông" Chúa sơn lâm đầu tiên sau nhiều lần đặt "bẫy" ảnh ở Pù Mát. Nhưng anh em cũng không dám tiếp cận mà chỉ khoanh vùng lại để lên phương án bảo vệ" - ông Tùng kể lại câu chuyện của những chuyến đi "săn" hổ với vẻ đầy háo hức.
Nghiên cứu cho thấy, so với các loài hổ trên thế giới, hổ VN có tầm vóc trung bình, hơi nhỏ, nặng chừng 106 - 142kg, thân dài 153 - 160cm, đuôi dài 67 - 68cm, bàn chân sau dài 31 - 33cm. Bộ lông màu vàng nhạt, vàng sẫm hoặc vàng đỏ với các vằn và khoanh màu đen hoặc nâu đen.
Thương quá hổ Việt Nam
"Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua…", ông Tùng tiếp tục câu chuyện với chúng tôi bằng việc đọc hai câu thơ mở đầu trong bài “Nhớ rừng” của nhà thơ Thế Lữ để nói về "nghiệp cảnh" của loài hổ ở VN hiện nay. Theo thống kê của ngành kiểm lâm, ngoài một số cá thể hổ được nuôi ở các sở thú, hiện cả nước có 4 cơ sở nuôi, nhốt hổ đều tập trung ở tỉnh Bình Dương. Tuy các cơ sở này vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nuôi, nhốt hổ, nhưng dù gì thì vẫn là hổ nuôi, không thể sánh được với hổ tự nhiên.
Ông Tùng cho biết: "Nguy cơ tuyệt chủng hổ ở VN là rất cao, bởi đặc điểm của hổ là cần sinh cảnh sống lớn, trung bình mỗi con phải có "địa bàn" cư trú rộng 100.000m2, tuỳ thuộc vào lượng mồi và cấu trúc đàn. Trong khi đó, ở nước ta thời gian gần đây các khu sinh cảnh nguyên trạng rộng như vậy ngày một hiếm do tình trạng chặt phá rừng diễn ra tràn lan, buộc hổ phải "dạt" sang Lào hoặc tự chết, bị săn bắn".
Văn phòng CITES tại VN được thành lập từ năm 2007, có nhiệm vụ quản lý, thực thi các nhiệm vụ pháp luật của nhà nước về bảo vệ các loài động vật hoang dã cấp quý hiếm; Tổ chức phối hợp ngăn chặn nạn buôn bán, kinh doanh, sử dụng động vật hoang dã quý hiếm. Hiện hổ đang được xếp vào nhóm 1B- động vật cực kỳ quý hiếm cần được bảo vệ thuộc Danh mục các loài động vật quý hiếm ở VN.
Một trong những trăn trở lớn nhất mà các nhà hoạch định chính sách về bảo tồn hổ ở VN vấp phải hiện nay chính là lực lượng bảo vệ hổ. Ngay tại Văn phòng CITES hiện cũng chỉ có 6 người, dưới các Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh cũng không có đủ người để vừa tham gia giữ rừng, vừa tìm và bảo vệ hổ.
Theo ông Tùng, cùng với thời gian, "công nghệ" săn bắt hổ ngày càng hiện đại, "quy mô", những đối tượng chuyên đi săn bắt thường dùng "bẫy" ảnh để chụp dấu chân cũng như đường đi của hổ rồi sau đó. Chúng sẽ đặt bẫy thật hoặc phục để bắn. Thế nhưng, cũng cần phải nói số hổ tự nhiên trong thời gian gần đây săn bắt được không nhiều, phần lớn số vụ nấu cao hổ hay buôn bán, vận chuyển hổ đều là hổ nuôi từ Lào hay Myanmar.
Dường như đồng lòng với nhân dân VN và một số nước châu Á, khi biết năm 2010 này là năm Canh Dần (tức năm hổ), Quỹ bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) đã chọn và lấy năm 2010 là "Năm bảo tồn hổ" (Tiger Year). "Dù khó khăn, gian nan đến mấy, anh em chúng tôi cũng sẽ quyết tâm bảo vệ đến cùng loài động vật quý hiếm này. Bởi dường như cuộc đời tôi đã gắn chặt với hổ và sự tồn tại, phát triển của chúng" - ông Tùng kết thúc câu chuyện với chúng tôi bằng một lời khẳng định đầy quyết tâm.
Lê Hân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.