Theo Nghị quyết 82/2019/QH14 được Quốc hội ban hành, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho một số dự án triển khai còn chậm, có nơi chưa bảo đảm công bằng, hợp lý, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp và đời sống của người có đất thu hồi...
Bên cạnh đó, việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng còn có một số trường hợp buông lỏng quản lý, công tác phối hợp với chính quyền địa phương chưa đồng bộ, để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình, nhà ở trái phép, sử dụng đất sai mục đích.
Việc sử dụng đất cho các dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh, quản lý quỹ đất của doanh nghiệp cổ phần hóa còn nhiều bất cập.
Việc cấp hàng nghìn ha đất xây chùa Bái Đính, Tam Chúc còn nhiều bất cập.
Việc di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ sở giáo dục đào tạo, bệnh viện, cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm... ra ngoài trung tâm các đô thị lớn còn chậm; chưa thực hiện tốt việc bàn giao quỹ đất sau di dời cho địa phương.
Công tác xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu đất đai và phát triển đô thị chưa đáp ứng yêu cầu. Việc công khai, minh bạch thông tin trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn hạn chế, nhất là thông tin về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Đáng chú ý, thời gian qua, tình trạng khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai vẫn diễn biến phức tạp, còn nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài. Việc xử lý các vi phạm trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị còn chậm, một số trường hợp chưa nghiêm minh. Công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát và đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, một số nội dung chưa được xử lý triệt để…
Những hạn chế, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là nguyên nhân chủ quan. Tầm nhìn, dự báo và đánh giá tác động của các chính sách còn hạn chế. Việc thi hành pháp luật chưa tốt, còn nhiều sai phạm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, đô thị. Các công cụ để quản lý quy hoạch đô thị chậm được phê duyệt và ban hành.
Một bộ phận cán bộ, công chức quản lý đất đai, quy hoạch đô thị phẩm chất đạo đức yếu kém, còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Liên quan tới việc giao đất xây dựng các dự án tâm linh, gần đây, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) xung quanh việc cấp hàng nghìn ha đất tại Ninh Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Hải Phòng…để doanh nghiệp xây chùa. Trong đó, điển hình là doanh nghiệp Xuân Trường xây chùa Bái Đính ở Ninh Bình, Tam Chúc ở Hà Nam…
Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, theo quy định của luật Đất đai thì việc giao đất, cho thuê đất căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư được phê duyệt.
Về giao đất, cho thuê đất xây chùa Bái Đính, từ năm 2006 đến 2012, UBND Ninh Bình đã ban hành 9 quyết định thu hồi gần 520 ha đất (chiếm 51,5% so với quy hoạch được duyệt) bao gồm: đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân là 184,9 ha; đất do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Gia Viễn là 67,6 ha; đất do UBND xã quản lý là 178,9 ha; đất hoang, đất xâm canh 36,7 ha.
Giao đất cho 03 cơ quan gồm: Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) 495,3 ha để thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính; Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An 18,6 ha để xây dựng cơ sở hạ tầng khu núi chùa Bái Đính và UBND huyện Gia Viễn 4,3 ha để mở rộng khu dân cư hiện hữu.
“Việc giao đất cho 3 đơn vị như trên để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng, xây dựng khu tâm linh là chưa thể hiện rõ đối tượng được giao đất để quản lý hay giao đất để sử dụng; Không thể hiện chế độ sử dụng đất (giao có thu tiền hay không thu tiền, hay thuê đất, không xác định thời hạn sử dụng đất); Không thể hiện mục đích sử dụng từng loại đất theo quy định của luật đất đai nên chưa đủ cơ sở để xác định diện tích phải tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, căn cứ để xác định giá đất”, Bộ TN&MT nêu.
Trường hợp chùa Tam Chúc, từ năm 2006 đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất và giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để phát triển Khu du lịch Tam Chúc, với tổng diện tích là hơn 815 ha.
Từ năm 2008 đến 2011, UBND tỉnh Hà Nam ban hành 2 quyết định thu hồi đất đã giao cho Sở Thương mại - Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và giao toàn bộ diện tích hơn 815 ha cho Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch Tam Chúc theo dự án được duyệt.
Bộ TN&MT cho rằng: “Các quyết định giao đất của tỉnh còn chưa rõ ràng về nội dung: Mục đích sử dụng chỉ thể hiện “đầu tư xây dựng khu du lịch Tam Chúc” mà không thể hiện loại đất cụ thể theo quy định tại Điều 13 của Luật đất đai; chưa xác định được mục đích sử dụng đất cụ thể trong từng quyết định (do tại thời điểm giao đất chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng) là không thống nhất và thiếu cơ sở để tính tiền thuê đất (nếu trong phạm vi đất cho thuê có cả các công trình tôn giáo tín ngưỡng và trong phạm vi đất giao quản lý không thu tiền có cả công trình cho mục đích kinh doanh thương mại)”./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.