Giáo dục đại học: “Loay hoay để đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo chứ chưa bứt phá”

Mộc An Thứ hai, ngày 06/11/2023 07:29 AM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn, giáo dục đại học ở thời điểm này, ở thập kỷ này, bối cảnh này là một sự bứt phá nhưng chưa nhìn thấy nhiều con đường để bứt phá.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ ra những hạn chế về giáo dục đại học tại "Hội thảo giáo dục 2023 về thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học" tổ chức chiều 5/11.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm 2022 đến nay, đã có khá nhiều hội nghị, diễn đàn được tổ chức nhằm tìm lời giải, hướng đi để phát triển hệ thống giáo dục đại học.

Nêu góc nhìn khái quát về giáo dục đại học hiện nay, Bộ trưởng nhận định: "Có thể nói, giáo dục đại học đang trong trạng thái phát triển, giàu sức sống với một số lượng sinh viên tương đối ổn định, khoảng trên 500.000 sinh viên; số lượng giảng viên nhích lên về số lượng, cải thiện về học hàm học vị; ranking cũng nhích lên, một số trường vào top 1.000 trường đại học thế giới".

Giáo dục đại học: “Loay hoay để đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo chứ chưa bứt phá” - Ảnh 1.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, giáo dục đại học đang trong trạng thái phát triển nhưng chậm. Ảnh minh họa tân cử nhân trong buổi lễ tốt nghiệp năm 2022 của Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM. Nguồn: UEF

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng: "Tốc độ phát triển đó có thể nói ngay là chậm - có nhưng mà chậm, không có bứt phá trong sự phát triển giáo dục đại học".

Bộ trưởng Bộ GDĐT cho rằng: "Chúng ta đang kỳ vọng đất nước có sự phát triển mạnh mẽ, bứt phá, một nền kinh tế phát triển với tốc độ cao để đưa quốc gia thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình và kỳ vọng một vài chục năm sau là đất nước thu nhập khá. Nếu như trong một khung cảnh đất nước đang rất phát triển, trong bối cảnh chúng ta hài lòng với những gì kinh tế - xã hội đã có, thì những gì đang nhích lên của giáo dục đại học có thể tạm yên lòng.

Nhưng cái chúng ta cần hệ thống giáo dục đại học ở thời điểm này, ở thập kỷ này, bối cảnh này là một sự bứt phá. Cho nên, câu chuyện chúng ta bàn từ đầu đến giờ cảm giác vẫn đang loay hoay trong khung cảnh làm thế nào để các trường đại học cùng đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo nhưng chưa nhìn thấy nhiều con đường để bứt phá".

"Hôm nay, chúng ta bàn về vấn đề chất lượng thì phải bàn về vấn đề lớn hơn là làm thế nào để các trường đại học phát triển bứt phá, chỉ có phát triển mới có chất lượng, còn cứ loay hoay ứng phó với sự tồn tại thì câu chuyện chất lượng sẽ là câu chuyện vô cùng khó", Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với hệ thống giáo dục công, dứt khoát muốn có sự cải thiện mang tính bứt phá thì vừa phải huy động từ phía xã hội, phía doanh nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng cũng phải có sự đầu tư mang tính bứt phá, đột biến. Bộ trưởng nhấn mạnh tới nguồn lực đầu tư, cách thức đầu tư để tạo ra sự bứt phá của các trường đại học.

Giáo dục đại học: “Loay hoay để đỡ khổ, đỡ khó, đỡ nghèo chứ chưa bứt phá” - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Bộ GDĐT

Trao đổi sâu từ góc độ thể chế với những "cái vướng" đang tạo ra lực cản cho tự chủ đại học - một thuộc tính đương nhiên của giáo dục đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, hệ thống quy phạm pháp luật mở đường cho tự chủ đại học chưa có được sự đồng bộ và chia sẻ của hệ thống pháp luật khác. Bộ trưởng cũng dẫn chứng cụ thể những vướng mắc từ các quy định về đơn vị tự chủ công lập, vấn đề viên chức, vấn đề quản lý tài sản công, vấn đề sở hữu trí tuệ…

"Chủ đề của hội thảo là thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học và tôi nghĩ là đúng, câu chuyện lúc này là phải tạo được hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ để thực hiện được tự chủ đại học đầy đủ, chiều sâu”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời đề xuất có thể tính đến làm một Luật để sửa nhiều Luật, tránh những chồng chéo hiện nay.

Bộ trưởng dẫn giải, để tháo gỡ cho doanh nghiệp, để mở đường cho kinh tế, chúng ta đã thực hiện một Luật sửa nhiều Luật, đây là việc bất đắc dĩ trong xây dựng luật pháp, tuy nhiên và cần thiết cũng cần tính đến làm một Luật để sửa nhiều Luật. Nếu có thể đề xuất một Luật như vậy thì nên lấy tâm điểm là tự chủ đại học và rà soát những gì chồng chéo, cản trở, mâu thuẫn thì sửa đổi, để các Luật khác, các quy định khác có thể mở đường cho tự chủ đại học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem