Chuẩn hóa trường học
Ngành giáo dục Tam Kỳ luôn tổ chức dạy và học gắn với các hoạt động vui chơi, giải trí và các phong trào thể thao trường học... Ảnh: T.H
Ông Trần Ngọc Sơn cho biết, thời gian đến, mục tiêu của ngành giáo dục Tam Kỳ là tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, chú trọng đến hiệu quả giáo dục thể chất và thể thao trường học nhằm tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện; gắn giáo dục thể chất, thể thao trường học với giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống...
|
Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GDĐT TP.Tam Kỳ cho biết, đề án phát triển giáo dục Tam Kỳ 2010-2020 sẽ mở ra một bước ngoặt lớn, tạo bước đột phá trong chiến lược đầu tư nguồn lực phát triển giáo dục thành phố theo hướng mới toàn diện và chuẩn hóa trên tất cả các lĩnh vực nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng và thu hút nhân tài.
Qua 6 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), việc phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục tại 4 xã NTM cơ bản đã đạt đích. Về cấp mầm non, trẻ 5 tuổi đến trường đều đạt 100% đúng độ tuổi ra lớp. Đặc biệt, trong 4 xã thực hiện chương trình NTM đều có trường mầm non công lập: Măng non (Tam Ngọc), Hoa Sen (Tam Thăng), Anh Đào (Tam Phú) và Hải Âu (Tam Thanh). Trong đó, có 2/4 trường đạt chuẩn quốc gia 5 năm liền. Đối với cấp tiểu học, hiện nay độ tuổi lên lớp và xóa mù chữ đạt 100%. Trong đó có 2 trường tiêu biểu là Trần Quý Cáp (Tam Ngọc) và Phan Thanh (Tam Thăng)...
Theo đề án phát triển giáo dục đến năm 2020, mục tiêu hướng đến của Tam Kỳ là sẽ có 100% trường mầm non - mẫu giáo, tiểu học, THCS được tầng hóa và đạt chuẩn quốc gia. Năm 2017, sẽ có 100% trường tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 6 trường tiểu học đạt chuẩn mức độ 2 như các trường Võ Thị Sáu, Lê Thị Hồng Gấm, Hùng Vương, Trần Quốc Toản… Riêng địa bàn vùng Đông, tỉnh đã mở trường THPT Duy Tân ở xã Tam Phú, đã và đang thu hút học sinh vùng Đông Tam Kỳ và các xã lân cận là xã Bình Nam (huyện Thăng Bình), xã Tam Tiến (huyện Núi Thành). Từ khi trường này được thành lập đã phục vụ tốt việc học tập cho con em ở các xã vùng ven.
Giáo dục vùng ven khởi khắc
Theo ông Trần Ngọc Sơn, ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp thì trong những năm qua ngành giáo dục cũng rất chú trọng về nguồn nhân lực cũng như chất lượng dạy và học. Phòng giáo dục phân bổ nhân lực đều khắp các địa phương, không hướng đến việc phân chia thành tích giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời tổ chức ứng dụng các kinh nghiệm, thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong giảng dạy, tổng kết kinh nghiệm, sáng kiến của địa phương trong lĩnh vực giáo dục. Đến nay, Tam Kỳ đã có 11 giáo viên có trình độ thạc sĩ được phân công tại 10 trường THCS, 1 trường tiểu học và chú trọng cho 4 xã vùng nông thôn.
Nhờ chú trọng cả chất và lượng nên học sinh vùng nông thôn thời gian qua và gần đây có tỷ lệ học sinh giỏi, khá đạt rất cao, nhiều trường có tỷ lệ học sinh giỏi cao, như: Trường THCS Thái Phiên (xã biển Tam Thanh) 2 năm liền có học sinh giành giải Nhất học sinh giỏi lớp 9 toàn tỉnh môn địa lý và có học sinh đậu thủ khoa lớp 10 Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Trường THCS Lê Lợi (xã Tam Thăng) có học sinh giành giải Nhất tin học trẻ tỉnh Quảng Nam và giải Ba quốc gia; Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (xã Tam Phú) có học sinh lớp 5 đoạt Huy chương Đồng quốc gia kỳ thi IOE tiếng Anh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.