Trên chuyên trang Hocthenao.vn, GS Ngô Bảo Châu đã đưa ra 6 luận cứ
để độc giả cùng đóng góp và phản biện. Theo đó, bàn tròn diễn ra từ 8h sáng ngày 20.4 và nhận được phản hồi cũng như ý kiến của hàng trăm độc giả.
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: internet
Dưới đây là 6 câu hỏi lớn được GS Ngô Bảo Châu luận giải:
1.Tại sao 10 năm phải đổi sách giáo khoa một lần?
Không có lập luận thực sự thuyết phục cho việc đổi sách giáo khoa định kỳ 10
năm một lần. Tại sao phải đổi sách giáo khoa theo định kỳ? Nếu định kỳ thì tại
sao lại là 10 năm, chứ không phải 5 năm, 20 năm hay 50 năm. Việc cần làm định kỳ
là đánh giá chất lượng sách giáo khoa thông qua thực tế sử dụng.
2. Lấy gì làm luận cứ cho việc thay đổi sách giáo khoa?
Để làm lại sách giáo khoa, cần phải chỉ ra những nội dung nào trong sách
giáo hiện hành là lạc hậu, hay thiếu chính xác, những phương pháp tiếp cận nào
là không phù hợp. Để thay đổi một cái gì đó, cần phải phân tích, đánh giá chính
cái mà mình muốn thay đổi. Luận cứ cho việc đổi mới sách giáo khoa chỉ có thể là
kết quả của việc đánh giá chất lượng sách giáo khoa thông qua thực tế sử dụng.
Kết quả này có thể cho thấy sách giáo khoa tốt rồi, không cần thay đổi gì cả,
hoặc sách giáo khoa cơ bản là tốt, nhưng cần sửa sai, cập nhật ở một số chỗ
nhưng không cần thay đổi cấu trúc chung, hoặc là sách giáo khoa hiện hành hỏng
cơ bản, phải làm lại từ đầu.
3. Ai là người rà soát đánh giá chất lượng sách giáo khoa? Ai là người
kiến nghị việc thay đổi sách giáo khoa?
Quốc hội, chính phủ là cơ quan quyết định việc thay đổi sách giáo khoa,
nhưng những cơ quan này không thể tự kiến nghị việc này. Đánh giá định kỳ chất
lượng sách giáo khoa và kiến nghị thay đổi nếu cần thiết cũng không thể giao
cho những người làm sách giáo khoa, như Nhà xuất bản hay Viện khoa học giáo dục,
vì họ có quyền lợi liên quan. Việc giám sát và kiến nghi thay đổi sách giáo
khoa này cần được uỷ thác cho một Uỷ ban giáo dục quốc gia độc lập với các cơ
quan hành chính sự nghiệp của Bộ giáo dục và đào tạo.
4. Nếu làm lại sách giáo khoa, thì làm sách giáo khoa trước, hay làm
chương trình trước?
Trên lý thuyết thì phải có chương trình rồi mới viết sách giáo khoa, không
ai xây nhà xong mới mời kiến trúc sư vẽ thiết kế. Trên thực tế, xây dựng chương
trình trước khi viết sách là một việc khó, không có ai được đào tạo và có kinh
nghiệm để làm tổng công trình sư cho việc xây dựng chương trình học và sách
giáo khoa. Trong thực tế, chúng ta viết sách giáo khoa xong rồi mới soạn chương
trình.
Những người viết sách đều biết, ít khi viết mục lục trước khi viết sách. Những
người đã từng viết sách đều biết, phải bắt đầu soạn một mục lục nháp, viết một
vài chương sẽ thấy mục lục không ổn, sửa lại mục lục rồi lại viết tiếp…
Việc làm sách giáo khoa phức tạp hơn nhiều vì cần có sự phối hợp của nhiều
người. Phối hợp như thế nào cần được thiết kế trước. Theo thông lệ quốc tế thì
cần có hai nhóm độc lập, một nhóm làm chương trình, một nhóm viết sách, nhóm
làm chương trình thẩm đinh công việc của nhóm viết sách, nhóm viết sách phản biện
lại nhóm làm chương trình trên cơ sở những bất cập gặp phải trong quá trình viết
sách.
5. Tại sao không dịch nguyên sách giáo khoa nước ngoài?
Sách giáo khoa nước ngoài rất khác nhau, ở mỗi nước, các bộ sách giáo khoa
thường cũng rất khác nhau. Không có luận cứ vững chắc cho việc chọn ra một bộ
nào đó, coi nó là tốt nhất, thích hợp nhất với Việt Nam rồi dịch nguyên xi. Khó có thể
làm khác với cách chúng ta vẫn làm từ trước đến nay là chọn ra một số bộ sách
giáo khoa tốt của nước ngoài, “tích cực” tham khảo để viết ra sách cho mình.
6. Cần thay đổi gì nhất trong chương trình và sách giáo khoa hiện
hành?
Ngoại ngữ: Chất lượng học tiếng Anh là yếu tố bất bình đẳng căn bản trong
giáo dục phổ thông ở Việt Nam.
Trẻ xuất thân từ các gia đình khá giả được học tiếng Anh tốt hơn nhiều.
Nhân văn: Nếu như sách giáo khoa về toán và khoa học tự nhiên của Việt nam
không khác đáng kể so với sách giáo khoa nước ngoài, sách giáo khoa và chương
trình về xã hội và nhân văn khác nhiều cả về nội dung và phương pháp. Hiểu biết
và khả năng của trẻ Việt nam về toán và khoa học cũng không khác nhiều so với
trẻ em các nước khác, nhưng hiểu biết về nhân văn và khả năng ứng xử xã hội thì
lại có một khoảng cách rất lớn. Vì vây, cần có những thay đổi cơ bản trong
chương trình và sách giáo khoa nhân văn, cả về nội dung và phương pháp.
Sức khoẻ, lối sống, đạo đức: Xã hội thay đổi nhanh, nhiều gia đình mất
phương hướng, nhà trường phải đảm nhiệm một phần vai trò giáo dục của gia đình:
trẻ em cần được học những kỹ năng cơ bản để giữ gìn sức khoẻ, những nguyên tắc
cụ thể để sống chan hoà với cộng đồng.
Kỹ thuật: Cần mở rộng việc dạy lập trình từ rất sớm.
P.C (ghi) (P.C (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.