Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chuyện dùng nhân tài của cha ông ta (Bài 3)

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 04/07/2024 07:03 AM (GMT+7)
Theo nguyên ĐBQH Dương Trung Quốc, nhân tài chính là hiện thân của tinh hoa dân tộc và cộng đồng, được quy chiếu bởi những đặc điểm riêng biệt về văn hóa, lịch sử của dân tộc ấy. Và số phận của người tài dường như phản ánh chính vận mệnh của xã hội và thời đại ấy.
Bình luận 0

LTS: Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW về việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Có thể thấy đây được xem là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quy định sẽ phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.

Nhân dịp này, Dân Việt triển khai loạt bài: "Giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện "tranh công đổ tội" nhằm giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy định 142 trong công tác nhân sự cũng như những kỳ vọng, bước đi mạnh mẽ của Đảng ta trong công tác nhân sự thời gian tới.

"Nhiều người đứng đầu không dám làm, không dám chịu trách nhiệm"

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội thâm niên của Việt Nam qua bốn khóa XI, XII, XIII, XIV cho rằng, Bộ Chính trị có quy định mới về việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ là việc làm rất đúng đắn, đáng ra nên tiến hành từ lâu.

Theo ông Quốc, nguyên tắc lãnh đạo tập thể, thậm chí đưa ra lãnh tụ tập thể… phải có người đứng đầu để xác định kể cả thành tích lẫn trách nhiệm trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ. Chính tình trạng tập thể hiểu không rõ nghĩa dẫn đến việc ý lại và dựa vào nhau, trách nhiệm không thuộc về ai của cả tập thể hay tổ chức. Cuối cùng không xử lý được gì, không quy trách nhiệm cho ai…

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chuyện dùng nhân tài của người xưa (Bài 3)- Ảnh 1.

Ông Dương Trung Quốc cho rằng, Bộ Chính trị đã có quy định mới về việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ là việc làm rất đúng đắn. Ảnh: Gia Khiêm

Chắc chắn những việc gần đây gắn với phòng chống tham nhũng, trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo với cấp dưới của mình làm sai hoặc bản thân người lãnh đạo cũng vi phạm thì bị xử lý theo đúng quy định pháp luật. Rõ ràng việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện nghiêm hơn, thể hiện rõ ở việc không ít lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, ngành chủ chốt thời gian qua vướng vòng lao lý, không có vùng cấm.

"Việc này đã làm không ít người đứng đầu chùn lại không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Điều đó đơn giản thôi, anh không chịu trách nhiệm thì đừng làm nữa. Nhưng ngược lại Nhà nước khi đưa ra điều này phải thưởng phạt công minh, phải bù đắp đóng góp của họ khi họ có thành tích. Ngoài lương bổng phải thay đổi theo đúng trách nhiệm của người đó", ông Quốc dẫn chứng.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chuyện dùng nhân tài của người xưa (Bài 3)- Ảnh 2.

Theo ông Quốc, không ít người đứng đầu chùn lại không dám làm, không dám chịu trách nhiệm. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Quốc, câu chuyện nhân tài và cách dùng người tài luôn là vấn đề của mọi thời đại. Dưới góc nhìn lịch sử, nhân tài là hiện thân của tinh hoa dân tộc và cộng đồng, được quy chiếu bởi những đặc điểm riêng biệt về văn hóa, lịch sử của dân tộc ấy. Và số phận của người tài dường như phản ánh chính vận mệnh huy hoàng hay thăng trầm của xã hội và thời đại ấy.

Ở Việt Nam, các triều đại phong kiến đã sớm nhận ra giá trị của các tài năng. Trong số các bia được dựng ở Văn Miếu dưới thời vua Lê Thánh Tông - vị hoàng đế có tiếng là minh quân, tấm bia nói về kỳ thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) có viết: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết".

Câu nói nổi tiếng này được viết ra dưới thời của một vị minh quân, thời kỳ nhiều tài năng phát lộ và được sử dụng phục vụ sự phát triển của đất nước. Và chính vua Lê Thánh Tông cũng là người đã minh oan cho danh nhân và cũng là vị trung thần Nguyễn Trãi. 

Đường lối trị nước của Lê Thánh Tông mang dấu ấn của một cá tính mạnh, trung thành với tổ tông, thừa hưởng và phát huy được nền cai trị của các triều vua trước. Trong suốt 38 năm ở ngôi vua, đường lối trị nước của Lê Thánh Tông đã thể hiện những quan điểm khá nhất quán. Đó là sự tăng cường vai trò cá nhân của một ông vua toàn năng, điều hành bộ máy nhà nước mạnh, cực quyền toàn trị, với tinh thần tự tôn của một quốc gia - dân tộc lớn.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chuyện dùng nhân tài của người xưa (Bài 3)- Ảnh 3.

Chân dung Đặng Huy Trứ. Ảnh tư liệu

Câu nói thể hiện một quan điểm rất đúng đắn ở tầm vĩ mô: Hiền tài - họ là nguyên khí của quốc gia chứ không chỉ là những con người cụ thể và họ có thể quyết định vận mệnh thịnh suy của đất nước. Thế nên các bậc thánh đế minh vương nhiều đời luôn tìm cách trọng đãi kẻ sĩ, tạo điều kiện cho những người tài giỏi. Vào thời Trần, thời Lê, thời Quang Trung… đều đi tìm nhân tài bằng chiếu cầu hiền.

"Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng cực kỳ khó. Người ta hay nhắc câu chuyện về Đặng Huy Trứ thế kỷ XIX. Ông là một nhà cải cách Việt Nam thời cận đại, ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam và là người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu phương Tây du nhập vào Việt Nam", ông Quốc hồi tưởng lại

Đặng Huy Trứ là nhà duy tân, một người có tư tưởng rất mới mẻ, được vua Tự Đức cử đi xứ các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm La (Thái Lan)… để quan sát, học hỏi. Ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều và có tầm tư duy quảng bác. Sự nghiệp quan trường của ông đều nhằm mục đích canh tân đất nước nhưng quan lại đương thời thường nghĩ đến Đặng Huy Trứ như một vị quan to ham đi buôn.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chuyện dùng nhân tài của người xưa (Bài 3)- Ảnh 4.

Tác phẩm “Từ thụ yếu quy” - Nhà XB Pháp Lý 1992. Ảnh: NXB

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tư tưởng của ông Đặng Huy Trứ rất canh tân, cả đời làm quan cuối đời ốm nằm nghĩ ngợi cho khó nhất của người làm quan đó là nhận hay không nhận. Ông cũng phân tích quan lại Việt Nam nếu nhìn chính thức Nhà nước thì rất nghèo, so sánh với Trung Quốc cũng là nước khắc khổ mà Việt Nam còn nghèo hơn. Làm thế nào để quan chức có sức để giữ sự thanh liêm, điều hành công việc của mình để điều hành công việc của mình cho đúng là bài toán rất khó. 

"Trong quan hệ của quan lại với người dân mà cái thường xuyên nhất người ta trao, tặng, biếu, xén thì có nhận hay không nhận. Ông ấy ngồi phân tích tất cả từ trong sách vở từ Trung Hoa, Việt Nam cũng như thực tiễn của chính mình rồi viết bộ sách "Từ thụ yếu quy" (Từ: từ chối, thụ: nhận, yếu quy: những quy định, tức đưa cái này có nhận hay không. Nếu là thứ tham ô, hối lộ được che đậy thì không được nhận). Ông ấy khái quát được 108 hiện tượng xã hội dài 650 trang gồm 4 tập nhằm chống thói hối lộ, tham nhũng chốn quan trường", ông Quốc nêu.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chuyện dùng nhân tài của người xưa (Bài 3)- Ảnh 5.

Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra mắt tháng 8/1945. Ảnh: TTXVN

Vị nguyên Đại biểu Quốc hội này cũng cho hay: "Như bây giờ tôi cho con anh sang học ở nước ngoài, lo chu cấp, học bổng cũng là hối lộ dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Đặng Huy Trứ đưa ra như một điều tra xã hội học. Ông xác định có 5 hiện tượng có thể nhận được, trong đó chứa đựng nghĩa lý. Ví dụ như học trò đối với thầy, con đối với cha mẹ hay người có ân giúp đỡ nhau hoặc ông quan nào giải quyết việc có hiệu quả kinh tế thì có thể chia sẻ một phần".

Tuy nhiên, khi cuốn sách được hoàn thiện, Đặng Huy Trứ đọc rất đắc ý nhưng ngẫm kỹ rồi kết luận trong cuốn sách: "Nói cho cùng soạn ra thế này chỉ để lên bàn thờ để răn dạy con cháu trong nhà, đưa ra xã hội sẽ thay đổi, biến thái khác đi".

Ông Quốc lý giải hàm ý trên muốn nói: Cuộc sống rất đa dạng, phức tạp, biến hoá. Có khi viết ra cái này sau đó có người dựa vào làm cho bản chất thay đổi đi.

"Nói như vậy để thấy cực kỳ khó, chứ không đơn giản đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, không phải đơn giản cứ làm thiệt hại cho Nhà nước là bắt, xử lý. Có rất nhiều yếu tố phải nhìn nhận cho đúng thực tiễn đời sống. Nguyên lý phải đúng nhưng cần sự đồng bộ. Để đồng bộ cần có sự giám sát của xã hội, trong đó có giám sát của nhân dân, các cơ quan chức năng thì mới có thể biến thành yếu tố tác động tích cực đời sống được. Đưa ra nguyên lý không mấy khi sai nhưng khi thực hiện sẽ đi theo lợi ích của những nhóm người trong xã hội", ông Quốc nhấn mạnh.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chuyện dùng nhân tài của người xưa (Bài 3)- Ảnh 6.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ông cho hay, một thời gian rất dài thời kỳ chiến tranh, cách mạng, lúc đó con người không nghĩ đến mạng sống của mình mà vì lý tưởng rất xa, họ sẵn sàng hy sinh, xả thân. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhà nước nhân dân từ cấp Trung ương cho đến cấp làng xã.

Ngày 3/9/1945 cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã diễn ra. Đứng trước tình hình thù trong, giặc ngoài đe dọa; kinh tế, tài chánh khó khăn; văn hóa giáo dục yếu kém; đời sống nhân dân muôn vàn khó khăn…, Hội nghị quyết định thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt, trong đó có nhiệm vụ trọng đại là, phải có một Hiến pháp dân chủ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử, với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống". 

Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 34-SL, lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chuyện dùng nhân tài của người xưa (Bài 3)- Ảnh 7.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng cán bộ chỉ huy họp bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Ảnh tư liệu

"Bởi khi thành lập Nhà nước sẽ sinh ra mặt trái, quan chức phải có cơ chế riêng chứ không thể như người dân được, phải xử ngay từ đầu. Một trong những yếu tố giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thành công đó là cách dùng người, không phải người trăm tay, nghìn mắt. Người dùng ai vào việc gì thích hợp, không phân biệt trong Đảng hay ngoài Đảng, tự nhiên có đội ngũ rất giỏi", ông Quốc kể.

Ông đưa ra câu chuyện toàn quyền rõ nhất đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao quyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong trận chiến Điện Biên Phủ. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Chú là Tổng tư lệnh mặt trận, "Tướng quân tại ngoại"! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau...". "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh". 

Không phụ lòng tin đó, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.

"Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải phát huy hết năng lực của mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ vô cùng nặng nề và thử thách đó", ông Quốc nói.

Ông cho biết thêm, với Quy định 142 của Bộ Chính trị, chúng ta phải tăng cường cả công tác giám sát cùng với thưởng - phạt rõ ràng, điều đó sẽ giúp Quy định đi vào cuộc sống thành công.

"Rõ ràng chúng ta nói đến lãnh đạo tập thể thì vai trò con người vẫn quan trọng, nhất là người đứng đầu. Đương nhiên trách nhiệm người đứng đầu nặng nề, nhưng luôn phải có sự giám sát", ông Quốc nhấn mạnh một lần nữa.

Ông Quốc cũng cho rằng, nhìn từ thực tiễn hệ thống quan chức ngày xưa, về mặt tinh thần, tư tưởng, đạo đức luôn coi trọng chữ "Liêm (liêm chính), ngay thẳng, minh bạch, quân tử trong ứng xử. Nhưng để giữ gìn được chữ "Liêm" không phải dễ. 

Ngoài giáo dục truyền thống từ đất nước đến gia đình thì ngay trong chính sách triều đại xưa, các vua cũng phải duy trì khoản "Dưỡng Liêm", thực chất là chế độ để nuôi dưỡng sự liêm chính, hay diễn giải một cách chi tiết thì "Dưỡng Liêm" là chính sách của nhà nước phong kiến dành cho các quan lại, bao gồm những lợi ích về vật chất và phi vật chất đáp ứng nhu cầu cuộc sống của những người hoạt động trong bộ máy nhà nước một cách đầy đủ để khuyến khích họ giữ gìn phẩm chất trong sạch, ngay thẳng và không vụ lợi khi thực hiện công vụ.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem