Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện "tranh công đổ tội" (Bài 1)

Thành An Thứ ba, ngày 02/07/2024 07:00 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt, một số chuyên gia, nhà nghiên cứu chính trị khẳng định, Quy định 142 của Bộ Chính trị là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, phát huy tối đa vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Bình luận 0

LTS: Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW về việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Có thể thấy đây được xem là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quy định sẽ phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.

Nhân dịp này, Dân Việt triển khai loạt bài: "Giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện "tranh công đổ tội" nhằm giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy định 142 trong công tác nhân sự cũng như những kỳ vọng, bước đi mạnh mẽ của Đảng ta trong công tác nhân sự thời gian tới.

Quy định 142 là một bước tiến quan trọng trong phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ (Bài 1)

Việc giao quyền cho người đứng đầu lựa chọn nhân sự cấp phó để giúp việc cho mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều hành hoạt động của cơ quan là một khâu quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ.

Người đứng đầu phải có tâm, có tầm, chịu trách nhiệm đến cùng

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đánh giá: Quy định 142 của Bộ Chính trị xuất phát từ thực tiễn vừa qua nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao phải nhận kỷ luật Đảng vì chịu trách nhiệm khi để cấp dưới của mình vi phạm khuyết điểm, làm sai, làm trái pháp luật, tham nhũng... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và của cá nhân, làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước...

Bên cạnh đó, các quy định trước đây của chúng ta thường gắn trách nhiệm của cấp ủy tổ chức đảng trong việc lựa chọn, bổ nhiệm nhân sự, còn trong Quy định 142 đã thí điểm trực tiếp gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; đồng thời bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ…

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện "tranh công đổ tội" (Bài 1)- Ảnh 1.

PGS-TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh T.A

Đây là điểm rất mới trong công tác cán bộ khi đã gắn quyền hạn và trách nhiệm đối với người đứng đầu một cách rõ ràng hơn. Bởi liên quan công tác cán bộ có hiện tượng "phủi tay" hoặc "tranh công đổ tội" của người đứng đầu, khi có lỗi thì đẩy cho tổ chức, khi có công thì nhận về cá nhân người đứng đầu. Do đó, khi xảy ra sai phạm rất khó xử lý.

"Với quy định mới này, sẽ không có câu chuyện người đứng đầu không phải chịu trách nhiệm gì về nhân sự đã giới thiệu. Nếu anh giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm không công tâm, thiếu khách quan, không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác thì phải nhận trách nhiệm đến cùng. Nghĩa là người đứng đầu được giao thêm quyền đến đâu thì trách nhiệm đến đó. Cùng với đó, người được tiến cử cũng cần nhớ anh đảm đương chức vụ này không chỉ chịu trách nhiệm với đơn vị, cơ quan mà còn với người đã tiến cử anh", PGS.TS Lê Quốc Lý nói.

Ông cũng nhấn mạnh: Quy định này tạo ra sự minh bạch hơn trong công tác tổ chức cán bộ, đồng thời kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ tốt hơn. Do đó, quy định này là rất cần thiết để có tính ràng buộc, tăng thêm tính trách nhiệm của nhiều phía, chứ không phải cán bộ lãnh đạo cứ xong nhiệm kỳ là "phủi tay", không còn liên quan. Nếu tổ chức thực hiện quy định này tốt chắc chắn sẽ phát huy được hiệu quả.

Cùng đánh giá về Quy định 142, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhìn nhận: Quy định 142 là một bước tiến rất quan trọng trong phân cấp, phân quyền về công tác cán bộ nhằm phát huy tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, địa phương trong việc lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp.

Việc giao quyền cho người đứng đầu lựa chọn nhân sự cấp phó để giúp việc cho mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều hành hoạt động của cơ quan là một khâu quan trọng, thậm chí có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ.

"Quy định 142 làm cho việc quản lý cán bộ rõ ràng hơn. Lúc nào cũng phải đợi cấp trên quyết định thì cũng rất khó, bởi vì nhiều khi cấp trên không có điều kiện để hiểu đầy đủ hết tình hình cán bộ, nên người đứng đầu phụ trách là người trực tiếp nhận thức rõ hơn về công việc và cán bộ, do đó việc trao cho họ quyền quyết định tiến cử, lựa chọn cán bộ cấp dưới của mình sẽ mang lại lợi ích cho Đảng, cho hệ thống chính trị cũng như bộ máy", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện "tranh công đổ tội" (Bài 1)- Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ảnh T.A

Tuy nhiên, theo nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Quy định 142 đòi hỏi người đứng đầu phải có trách nhiệm rất cao, có bản lĩnh, có trí tuệ và phải "có con mắt tinh đời" chọn người vì việc chung chứ không phải vì cái lợi ích riêng. 

Đặc biệt, theo quy định mới này, không phải chỉ từ lúc giới thiệu, lựa chọn cán bộ cấp dưới mà người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn của mình cả về sau này, nghĩa là phải chịu trách nhiệm bồi dưỡng, giám sát, kiểm tra người mình giới thiệu đến cùng.

"Lựa chọn con người là việc rất khó chứ không phải dễ dàng. Cho nên Quy định 142 mới chỉ trong giai đoạn thực hiện thí điểm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nói lựa chọn cán bộ không thể xuề xòa, chủ quan, trong công tác cán bộ, đừng thấy đỏ tưởng là chín", PGS Phúc phân tích.

Nếu người đứng đầu có trung thực, khách quan, công tâm và có tầm nhìn xa thì nhất định người đó sẽ chọn được người cấp dưới xứng đáng, phù hợp để cùng tham gia lãnh đạo cơ quan, đơn vị phát triển lâu dài. Nhưng nếu người đứng đầu bị chi phối bởi lợi ích nhóm, "cánh hẩu" hay những kẻ xu nịnh thì có thể lựa chọn không chính xác, dẫn đến nhiều hệ lụy - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện "tranh công đổ tội" (Bài 1)- Ảnh 3.

PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: PV

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, Quy định 142 đã cụ thể hóa phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện thí điểm về công tác cán bộ gồm: Giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của đơn vị mình; bầu bổ sung ủy viên Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý. 

Người đứng đầu được quyền giới thiệu 1 nhân sự trong quy hoạch tại chỗ, hoặc 1 nhân sự từ nguồn ở nơi khác cho 1 chức danh để cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét đưa vào danh sách, tiến hành quy trình công tác cán bộ để hoàn thiện ban lãnh đạo của cơ quan, đơn vị mà mình được giao phụ trách.

Quy định 142 nêu rõ: "Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu với hai trường hợp: Giới thiệu cán bộ để bầu cử, bổ nhiệm thiếu công tâm, khách quan, không đảm bảo điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và miễn nhiệm cán bộ không đủ căn cứ, thủ tục". 

Theo bà An, "đây là một bước đột phá của Đảng khi đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lựa chọn nhân sự cấp dưới của mình, chấm dứt tình trạng tồn tại lâu nay là không cá nhân nào phải chịu trách nhiệm chính khi xảy ra sai sót trong việc giới thiệu nhân sự".

Bà cũng đặc biệt lưu ý mặc dù quy định giao quyền giới thiệu, lựa chọn cán bộ cấp dưới cho người đứng đầu, tuy nhiên điều quan trọng là chúng ta "phải chọn được người đứng đầu thật chuẩn, người đứng đầu vừa có tâm vừa có tầm" thì mới có thể thực hiện tốt được quy định và "khi để xảy ra sai phạm thì phải xử lý nhanh, dứt khoát, đúng người, đúng tội".

Cơ hội để người trẻ có tài có đức phát triển

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, người xưa thường có câu "quân tử chọn người tài còn tiểu nhân thì tìm kiếm lợi lộc". Người tài thường sẽ tạo thành một "ekip" lãnh đạo/quản lý hoặc tạo thành tập thể lãnh đạo đoàn kết thống nhất, ăn ý nhau để làm việc tốt, vì lợi ích chung. Còn những người đứng đầu tìm kiếm lợi lộc sẽ trọng dụng những kẻ a dua, xu nịnh. 

Ông nói thêm: Việc lựa chọn cán bộ không phải bây giờ mới được quan tâm. Sau Cách mạng Tháng 8 Bác Hồ cũng đã đi tìm hiền tài cho đất nước thông qua bài viết "Nhân tài và kiến quốc" và "Tìm người tài đức" (1946), trong đó Người tìm kiếm nhân tài trong Đảng và trong dân. Qua đó với Quy định 142 lần này, những người có năng lực, tài năng đang công tác trong hệ thống các cơ quan Nhà nước, thậm chí những người dân có tài năng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển.

PGS Phúc phân tích: Nếu chúng ta làm tốt theo quy định này thì cơ hội của những người có tài, người thực sự có tâm, có tầm, có trí tuệ, có đạo đức, tận tụy với công việc, nhất là những cán bộ "7 dám" (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung") sẽ được lựa chọn.

"Người đứng đầu không chỉ cần chọn đúng mà phải có tầm nhìn xa, nhìn đúng người có năng lực, đạo đức, hoạt động thực tiễn để người cán bộ đó phát triển lâu dài… Như thế mới đáp ứng được chiến lược của Đảng là xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ mới, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược", PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.

Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Lê Quốc Lý cũng cho rằng, Quy định 142 còn có tác dụng kép là vừa bắt buộc người đứng đầu phải công khai giới thiệu cán bộ và chịu trách nhiệm cá nhân về việc giới thiệu của mình, lại vừa tạo "hành lang an toàn" cho người đứng đầu, tránh nỗi lo bị mang tiếng khi mình trực tiếp có ý kiến tiến cử nhân sự. Đây chính là điểm sẽ tạo ra đột phá trong công tác cán bộ. 

Bên cạnh đó, quy định này sẽ mở ra nhiều cơ hội thăng tiến cho những cán bộ trẻ chuyên tâm với công việc, tận tụy với nhiệm vụ được giao, không lo hoặc không cần phải ganh tị với những phần tử chỉ biết chạy chọt, a dua, xu nịnh. Phẩm chất và năng lực của cán bộ, bất luận già hay trẻ, sẽ được nhìn nhận, đánh giá và trọng dụng một cách công tâm, khách quan, minh bạch hơn.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện "tranh công đổ tội" (Bài 1)- Ảnh 4.

Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS.TS Lê Quốc Lý. Ảnh:

Tuy nhiên, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh lưu ý, cần phải kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, bởi vì khi giao quyền cho người đứng đầu thì rất dễ dẫn tới câu chuyện sử dụng chế độ mệnh lệnh hành chính, chế độ thủ trưởng áp đặt. Đồng thời tạo quyền lực mềm – một sức mạnh cho người đứng đầu, "nghĩa là trước kia, anh phải theo tập thể, nay anh được quyền đề xuất thì rất dễ quyền uy của người đứng đầu át đi quyền uy của tập thể, dẫn đến vai trò của tập thể bị lu mờ".

Để thực hiện hiệu quả Quy định 142, PGS.TS Lê Quốc Lý cho rằng, trước tiên cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, cán bộ, đảng viên để khắc phục việc làm hời hợt; nâng cao chất lượng công tác đánh giá. Đánh giá đúng là cơ sở, tiền đề mở đầu để đưa cán bộ vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng. 

Ngoài ra, cần chính xác, khách quan, khoa học, toàn diện; cần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch và luân chuyển. Trong đó tránh tình trạng "quy hoạch treo", hay luân chuyển chỉ là hình thức đối phó để bổ nhiệm chức vụ cao hơn. Ngoài ra cần phải phát huy dân chủ và trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Lưu ý Quy định 142 chỉ mới là thí điểm chứ chưa phải triển khai đại trà, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, khi thí điểm có thể giao cho người đứng đầu cấp uỷ, cấp chính quyền của một địa phương hay là một bộ ngành nào đấy, ở đó người đứng đầu có quyền lựa chọn cấp phó của mình; lựa chọn những người trong tập thể lãnh đạo cấp ủy, hay chọn người trong ban lãnh đạo của ngành đó chẳng hạn. 

"Chúng ta luôn phải cẩn trọng dù ở bất kì cấp nào từ địa phương lên đến trung ương đều phải dựa trên tinh thần có sự lãnh đạo chặt chẽ, cẩn trọng chứ không phải thí điểm giao quyền cho người đứng đầu rồi người đó muốn làm thế nào thì làm. Nguyên tắc của Đảng là Đảng thống nhất tập trung lãnh đạo trong mọi vấn đề. Trong đó, công tác cán bộ có sự lãnh đạo chặt chẽ thì sẽ thành công, chứ không phải là giao quyền cho người đứng đầu, rồi để người đó tự quyết hết sẽ dẫn tới chọn bừa", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Công khai, minh bạch tiến cử, lựa chọn cán bộ

"Việc người đứng đầu được chủ động, có thẩm quyền, trách nhiệm trong giới thiệu, sắp xếp, bổ nhiệm nhân sự dưới quyền bên cạnh sự tích cực cũng có những rủi ro. Bởi vì trên thực tế, cũng có những cái 'vênh' nhau. Có khi người đứng đầu chọn người này nhưng tập thể lãnh đạo ở đấy không ủng hộ người đó. Nếu có hiện tượng này xảy ra thì phải phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Tuy nhiên, theo tôi Quy định 142 này vẫn đảm bảo quy tắc lãnh đạo tập thể và tập thể lãnh đạo, nhưng lại có điều rất mạnh dạn là trao quyền cho người đứng đầu. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo được sự thống nhất giữa người đứng đầu với tập thể. Nếu không có sự thống nhất thì phải báo cáo với cấp trên. Khi có thêm ý kiến của cấp trên thì những người được chọn cũng càng xứng đáng".

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem