Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Đột phá về phương pháp chọn nhân sự (Bài cuối)

Lê Thọ Bình Thứ sáu, ngày 05/07/2024 07:05 AM (GMT+7)
"Tại Quy định 142, các nguyên tắc trong công tác cán bộ vẫn được bảo đảm, nhưng phát triển ở một tầm cao hơn. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở đây là sự kết hợp giữa dân chủ tập thể và vai trò khởi xướng, chủ động của người đứng đầu", ĐBQH Lê Thanh Vân khẳng định khi trò chuyện với Dân Việt.
Bình luận 0

LTS: Mới đây Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 142-QĐ/TW về việc thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Có thể thấy đây được xem là một hướng mới trong công tác tổ chức cán bộ của Đảng, tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Quy định sẽ phát huy trách nhiệm của người đứng đầu và cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị trong việc chủ động lựa chọn cán bộ cấp phó để giúp việc cho mình, vừa xây dựng tập thể cán bộ lãnh đạo có đủ năng lực, phẩm chất, đoàn kết, cùng hành động vì lợi ích chung.

Nhân dịp này, Dân Việt triển khai loạt bài: "Giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Chấm dứt chuyện "tranh công đổ tội" nhằm giúp bạn đọc hình dung rõ hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của Quy định 142 trong công tác nhân sự cũng như những kỳ vọng, bước đi mạnh mẽ của Đảng ta trong công tác nhân sự thời gian tới.

Đổi mới có tính bước ngoặt trong công tác nhân sự của Đảng

Trao đổi với Dân Việt, ĐBQH Lê Thanh Vân khẳng định: Quy định 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 của Bộ Chính trị thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ là một bước đột phá về phương pháp lựa chọn nhân sự của Đảng ta. Từ trước đến nay chưa có một quy định chính thức nào như thế cả.

Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ bắt đầu chuẩn bị thành lập Đảng bằng việc đào tạo và huấn luyện cán bộ. Bác khẳng định: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém". Quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước có được sử dụng đúng mục đích hay không, phụ thuộc rất lớn vào năng lực và phẩm hạnh của cán bộ, mà để có cán bộ tốt, trước hết phải thực hiện tốt công tác cán bộ".

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Đột phá về phương pháp chọn nhân sự (Bài cuối)- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Quốc hội

Nhắc lại như vậy để thấy công tác cán bộ là yếu tố đặc biệt quan trọng, then chốt của then chốt. Quy định 142 ra đời trong bối cảnh đang đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách toàn diện. Đây là chặng đường đổi mới có tính bước ngoặt trong công tác nhân sự của Đảng.

Nhìn lại mấy nhiệm kỳ gần đây, kể từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng đảm nhận chức Tổng Bí thư, công tác cán bộ tiếp tục được đặt ra như là sự ưu tiên hàng đầu, có tính cấp bách. Nó thể hiện ở 3 hoạt động chủ đạo. 

Thứ nhất, trong 3 khoá gần đây, thì khoá nào cũng có một nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là công tác tổ chức cán bộ. Mà các nghị quyết này lại được bàn thảo ở các Hội nghị Trung ương ngay đầu nhiệm kỳ.

Thứ hai là, chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng, mà sau này bổ sung thêm cụm từ "Tiêu cực" nữa, đã làm rõ hơn đối tượng hướng đến của sự chỉnh đốn chính là cán bộ.

Thứ ba là, các văn bản về công tác tổ chức, công tác nhân sự càng ngày càng được hoàn thiện với nhiều nội dung đổi mới hơn. Đó là 3 yếu tố cho thấy công tác xây dựng Đảng, công tác nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao càng ngày càng được hoàn thiện hơn.

Như vậy có thể khẳng định Quy định 142 là sự kế thừa và phát triển cao hơn trong công tác cán bộ?

- Quy định 142 chính là bước đột phá rất quan trọng trong công tác tổ chức nói chung và công tác nhân sự nói riêng. Trước đây, việc tiến cử, giới thiệu nhân sự là công việc của tập thể, của cấp ủy. Tức là nhấn mạnh yếu tố tập thể trong việc xem xét để tiến cử cán bộ đảm nhận các chức vụ trong Đảng và bộ máy Nhà nước.

Đến Quy định 142, chúng ta đã làm rõ và nhấn mạnh đến vai trò của cá nhân người đứng đầu kết hợp với vai trò của tập thể. Tuy nhiên, đọc kỹ những nội dung trong Quy định 142 chúng ta vẫn thấy các nguyên tắc trong công tác tổ chức cán bộ vẫn bảo đảm, nhưng phát triển ở một tầm cao hơn. Có thể nói nguyên tắc tập trung dân chủ chưa bao giờ bị thay đổi. Mà nó là sự kết hợp giữa dân chủ tập thể và vai trò khởi xướng, chủ động của cá nhân người đứng đầu.

Nói rõ hơn là tính dân chủ trong vai trò tập thể khi lựa chọn và khi phương án đưa ra lại được tập trung ở vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. 

Nhưng cái hay là Quy định 142 không cứng nhắc. Cho phép người đứng đầu quyền như vậy, nhưng người đứng đầu có thể thực hiện hoặc không thực hiện thẩm quyền được giao theo Quy định này và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Vai trò của cấp ủy không bị mờ nhạt đi

Từ trước đến nay trong các văn bản luôn khẳng định công tác tổ chức cán bộ là công việc của Đảng. Theo ông thì việc giao quyền cho người đứng đầu cao như vậy liệu vai trò của các cấp ủy đảng trong công tác cán bộ có bị suy giảm không?

- Như tôi đã nói, nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ chưa bao giờ bị thay đổi. Nguyên tắc này thể hiện ở 2 sự tương tác qua lại. Dân chủ để mà lựa chọn tập trung. Khi tập trung rồi thì tính tuân thủ và chấp hành ý chí của tập thể được đồng thuận cao hơn ở từng cá nhân, trong đó có cá nhân người đứng đầu.

Trong quy định cụ thể của Quy định 142, một bên là người đứng đầu có quyền lựa chọn nhân sự cấp phó cho mình và quyết định nhân sự cấp dưới trực tiếp, sau khi trao đổi với cấp uỷ cùng cấp với nhân sự được bổ nhiệm. Đồng thời người đứng đầu có quyền giới thiệu, đề cử cấp phó cho mình, còn việc lựa chọn hay không thì vẫn thuộc quyền của cấp uỷ.

Nhưng rõ ràng việc lựa chọn nhân sự để giới thiệu là quyền ưu tiên của người đứng đầu. Còn việc "anh" đưa ra một nhân sự để cấp uỷ lựa chọn thì "anh" phải chịu trách nhiệm về nhân sự đó trước tập thể.

Trong công tác lựa chọn giới thiệu, bổ nhiệm hoặc kỷ luật cán bộ, trường hợp quyết định của cá nhân người đứng đầu khác với ý kiến của cấp ủy thì sẽ xử lý như thế nào?

- Quy định 142 quy định rất rõ hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là người đứng đầu tiến cử, đề cử cấp phó cho mình. Trong trường hợp này, người đứng đầu được quyền ưu tiên đưa nhân sự ra để tập thể lựa chọn. Nhưng vai trò quyết định lựa chọn vẫn là cấp uỷ. Nếu chọn sai thì không chỉ người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, mà ở đây vai trò của cấp uỷ cũng bị xem xét.

Quy định như vậy là rất chặt chẽ. Vì vậy, trách nhiệm của người đứng đầu và cấp uỷ bị ràng buộc quyền và trách nhiệm như nhau. Còn nếu trong trường hợp người đứng đầu tiến cử nhân sự cấp phó cho mình, nhưng sau khi cấp uỷ xem xét, phân tích nhân sự đó chưa xứng đáng và người đứng đầu nhận thức được vấn đề thì người đứng đầu có thể giới thiệu, tiến cử nhân sự khác thay thế.

Giao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ: Đột phá về phương pháp chọn nhân sự (Bài cuối)- Ảnh 2.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, cái hay là Quy định 142 không cứng nhắc. Quy định cho phép người đứng đầu quyền quyết nhưng có thể không thực hiện thẩm quyền được giao theo Quy định này và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Ảnh: Quốc hội

Trường hợp thứ hai là người đứng đầu có quyền quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp dưới trực tiếp của mình, nhưng không quy định bắt buộc phải thông qua cấp uỷ cùng cấp, mà chỉ quy định phải trao đổi với cấp uỷ cấp dưới nơi có cán bộ được bổ nhiệm. Như vậy, có thể hiểu quyết định bổ nhiệm, kỷ luật cấp dưới trực tiếp thuộc quyền hạn của cá nhân người đứng đầu.

Quyền của người đứng đầu được đề cao trong việc đề cử, tiến cử nhân sự cho Đảng, cho Nhà nước, nhưng cũng ràng buộc trách nhiệm của anh đến hết đời trong hai trường hợp: Một là, tiến cử, đề cử sai. Hai là bãi nhiệm, kỷ luật sai trong công tác nhân sự.

Điều này cho thấy, việc trao quyền cho cấp trưởng là rất cao. Nhưng, trách nhiệm ràng buộc cũng rất nặng nề trong các quyêt định về nhân sự của mình. Đó là sự cảnh báo luôn bên cạnh anh, buộc anh phải nghĩ đến lợi ích chung khi tiến cử, bổ nhiệm người. 

Sự trừng phạt có thể rơi xuống đầu anh bất cứ lúc nào, nếu lạm dụng quyền lực hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự.

Trách nhiệm ràng buộc với người đứng đầu

Đúng là quyền thì phải gắn liền với trách nhiệm. Tuy nhiên, Quy định 142 cũng quy định trách nhiệm rất nặng nề như giới thiệu sai người thì phải chịu trách nhiệm suốt đời. Ví dụ, tại thời điểm giới thiệu và bổ nhiệm họ là người tốt nhưng sau một hai nhiệm kỳ nhân sự đó suy thoái, biến chất mà người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm thì liệu có công bằng không?

- Nếu người đứng đầu suy nghĩ chín chắn, thấu đáo, có cái tâm trong sáng và có bản lĩnh, vì sự nghiệp chung của Đảng, của Nhân dân trong việc lựa chọn nhân sự, khả năng chọn sai là rất ít, nếu không muốn nói là khó xảy ra. Vì quy định 142 buộc người đứng đầu phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.

Quy định cho anh hai lựa chọn. Một là anh có quyền làm. Hai là anh chọn cách không làm. Tức là anh tự mình lựa chọn nhân sự hoặc là anh để cho cấp uỷ quyết định. Vì vậy, khi anh chọn thì phải suy nghĩ, xem xét người chọn thật kỹ càng chứ. 

Anh phải có kiểm nghiệm, có thực chứng người mà anh lựa chọn, cả về đạo đức lẫn tài năng, phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn để thực thi công việc được giao. Thực tế cho thấy các Nghị quyết, quyết định rất đúng đắn, nhưng khi đưa vào cuộc sống, có chỗ, có nơi bị biến tướng.

Liệu Quy định 142 đã đủ nghiêm khắc để răn đe việc người đứng đầu lạm quyền không, thưa ông?

-  Cũng có ý kiến lo ngại sự lạm quyền của người đứng đầu. Ví dụ, người đứng đầu có thể bằng quyền uy của mình mà chi phối, tác động đến từng thành viên của cấp uỷ để hợp thức hoá sự tiến cử của mình. Tuy nhiên, trong các quy định khác của Đảng đã có sự rào chắn cái này rồi và đặc biệt, trong Quy định 142 cũng đã rào chắn rất kỹ.

Như đã phân tích trong hai tình huống nêu trên, đó là anh tiến cử sai người, hoặc anh kỷ luật, cách chức, giáng chức sai người, cho dù đã về hưu thì vẫn phải chịu trách nhiệm. Đấy là quy định có tính chất phòng ngừa rất cao, chưa từng có. Cái này đã được kiểm nghiệm qua thực tế, đặc biệt là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua.

Ví dụ việc trừng trị những người lạm dụng chức vụ quyền hạn, bất kể người ấy đã nghỉ hưu hai ba nhiệm kỳ rồi. Việc làm này mang lại hiệu quả tốt và rất được lòng dân. Vì vậy Quy định 142 một lần nữa xác định rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi tiến cử nhân sự sai hay kỷ luật cấp dưới sai. 

Quy định 142 quy định quyền của người đứng đầu trong việc bổ nhiệm cấp dưới trực tiếp của mình nhưng lại không quy định rõ là cách thức lựa chọn để bổ nhiệm. Vậy, giả dụ, nếu người lãnh đạo trước khi bổ nhiệm một cấp phó có thể chọn hai, thậm chí là ba ứng cử viên (sau khi trao đổi với cấp ủy cấp bộ) và cho tranh cử trong nội bộ của bộ, liệu có được không?

Về công tác nhân sự cấp cao trong bầu cử và bổ nhiệm từ trước đến nay chúng ta vẫn tiến hành các bước rất chặt chẽ theo các quy định hiện hành. Ví dụ, người đứng đầu bổ nhiệm cấp dưới trực tiếp của mình thì Quy định 142 chỉ quy định thủ tục trao đổi với cấp uỷ cấp dưới, rồi quyết định bổ nhiệm và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Còn trong 142 đúng là không có những quy định cụ thể đối với tình huống như anh vừa đặt ra, nó chỉ quy định việc giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của người đứng đầu; bầu bổ sung ủy viên ban thường vụ cấp ủy cùng cấp; bổ nhiệm, miễn nhiệm cấp trưởng cấp dưới trực tiếp thuộc thẩm quyền quản lý, chứ không quy định cụ thể người đứng đầu lựa chọn bằng phương pháp nào.

Vì vậy, nếu người đứng đầu thấy làm như thế này, thế kia sẽ lựa chọn được người để mình đưa ra giới thiệu hoặc bổ nhiệm chuẩn xác hơn, tốt hơn thì có thể làm mà không trái với tinh thần của Quy định 142.

Cùng với việc trao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu chắc chắn phải đồng hành với việc cải cách tiền lương và những cơ chế, chế độ cho những người tài năng thì mới mong có được đội ngũ vừa có đức lại có tài năng để đảm nhiệm các trọng trách được giao. Vấn đề này đang được giải quyết như thế nào, thưa ông?

- Chúng ta đang thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW (ngày 21/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Đảng khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Trong nghị quyết này cũng có nhấn mạnh đến việc đối đãi với những người có tài năng. Trung ương cũng đã có văn bản quy định mang tính nguyên tắc về lương bổng với người có tài năng, đặc biệt là tài năng trẻ và Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định Quy định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Tinh thần của dự thảo Nghị định là đưa ra các tiêu chí đối với người tài năng, đặc biệt là trên các lĩnh vực mà chúng ta đang ưu tiên, trong đó có lĩnh vực quản lý điều hành, như là chọn người đứng đầu chẳng hạn.

Trong đó cũng đang bàn luận về các chính sách ưu đãi như bố trí công ăn việc làm, tiền lương, nhà ở… và có những quy định ưu đãi khác vượt trội dành cho người tài năng. Đồng thời với việc triển khai thực hiện Quy định 142 cũng phải hoàn thiện các quy định khác như là chính sách đãi ngộ để đảm bảo cho cán bộ thực hiện các trọng trách mà họ được giao.

Xin cảm ơn ông!

"Điều này cho thấy, việc trao quyền cho cấp trưởng là rất cao. Nhưng, trách nhiệm ràng buộc cũng rất nặng nề trong các quyêt định về nhân sự của mình. Đó là sự cảnh báo luôn bên cạnh anh, buộc anh phải nghĩ đến lợi ích chung khi tiến cử, bổ nhiệm người. Sự trừng phạt có thể rơi xuống đầu anh bất cứ lúc nào, kể cả khi về hưu rồi, nếu anh lạm dụng quyền lực hoặc thiếu trách nhiệm trong việc lựa chọn và bổ nhiệm nhân sự".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem