Giao quyền tự chủ thi cử cho trường

Hồ Thu (Tiền Phong) Thứ hai, ngày 13/07/2015 08:17 AM (GMT+7)
Cần giảm bớt một kỳ thi nhưng không theo cách kết hợp hai kỳ thi làm một như vừa qua, mà nên giao việc thi hoặc xét tốt nghiệp THPT cho các địa phương tự làm. Còn việc tuyển sinh ĐH nên giao cho các trường ĐH tổ chức để họ có thể tuyển chọn được đúng người có năng lực phù hợp.
Bình luận 0

GS TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGD-TTN&NĐ) của Quốc hội đã nêu những ý kiến kể trên trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong về kỳ thi THPT quốc gia 2015.

Đề quá dễ, khó tuyển đúng đối tượng

Là một giáo sư toán học đồng thời giữ trọng trách Chủ nhiệm UB VHGD-TTN&NĐ của Quốc hội, ông nhận xét thế nào về kỳ thi THPT quốc gia năm nay?

Đề thi có mục tiêu kép thì phải phục vụ được 2 mục đích: Xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Vì vậy đề thi phải có cơ cấu phản ánh được là đang theo đuổi 2 mục đích này. Tuy nhiên, theo tôi, mục đích tốt nghiệp THPT đã tương đối được ưu tiên trong đề thi năm nay. Điều này cũng dễ hiểu vì tỷ lệ tốt nghiệp sẽ là một cú sốc đối với xã hội nếu dưới 90%. Có lẽ vì thế mà đề thi đã được ra theo hướng đảm bảo không có rủi ro và an toàn cho xét tốt nghiệp, nên rõ ràng cấu trúc đề thi nghiêng hẳn về tốt nghiệp - thí sinh phải làm được vì chúng ta phải đảm bảo 90, 95, thậm chí 99 % làm được điểm trung bình trở lên và tốt nghiệp. Có lẽ vì thế mà các câu hỏi thi quá dễ, phải “biếu không” cho tất cả các thí sinh một số điểm như vậy, chỉ 30% còn lại để xét tuyển vào ĐH.

Về nguyên tắc, 30% các câu hỏi không dễ còn lại không thể đủ tạo ra một sự phân loại, và trên thực tế các câu còn lại là câu thuộc loại khó chỉ thí sinh giỏi mới làm được. Như vậy không thể phân loại thí sinh trung bình và trung bình khá là đối tượng tuyển của đa số trường tốp giữa. Điều này cần phải được hiểu như sau: Điểm khá 6-7-8 vẫn có nhưng sự thực thí sinh trung bình, nếu làm bài cẩn thận, vẫn được 8 điểm vì những câu dễ để tốt nghiệp làm đầy đủ đã được 7 điểm, trong khi số thí sinh khá làm bài không cẩn thận chưa chắc đã được trọn 7 điểm của những câu dễ. Như vậy các ĐH tốp giữa sẽ rơi vào tình huống, không sợ khó tuyển mà sợ tuyển không đúng những học sinh mình cần (là học sinh khá thực sự).

img

GS TSKH Đào Trọng Thi

“Lắp ghép” 2 trong 1 có đúng không?

Bộ GD&ĐT đã giải thích rằng 2 loại cụm thi công bằng như nhau. Kỳ thi đã thành công tốt đẹp, chỉ có 900 thí sinh vi phạm chủ yếu nằm ở cụm thi ĐH, còn cụm thi địa phương nghiêm túc và tính cạnh tranh không cao. Ý kiến của ông về vấn đề này?

Tôi nghĩ, đề thi trước kia chỉ có một nhiệm vụ hoặc là xét tốt nghiệp hoặc để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nay, một đề thi chỉ chừng ấy khối lượng, như đã phân tích ở trên, không thể làm được hai nhiệm vụ, hai mục tiêu đó. Đây là vấn đề quan trọng liên quan đến việc kết hợp hai kỳ thi làm một có đúng về triết lý và phương pháp luận hay không? Theo tôi, chẳng qua đây là đề thi có 2 phần và người ta đã kết hợp 2 nửa cuộc thi thành 1 cuộc thi chung. Hai nửa cuộc thi có thể giải quyết được vấn đề của nó hay không? 70% đề thi giải quyết tốt việc tốt nghiệp THPT, trừ trường hợp ở cụm thi ĐH. Cụm ĐH, có thể do coi và chấm thi chặt chẽ nên kết quả của thí sinh ở cụm thi ĐH sẽ thấp hơn chăng? Nhìn cụ thể hơn, hai loại cụm thi trên thực chất là hình ảnh hai cuộc thi của năm trước.

Dù có cố gắng tăng cường cán bộ trường ĐH thì vẫn có sự khác nhau giữa cụm thi địa phương, cụm thi của ĐH địa phương và các cụm thi do các trường ĐH lớn chủ trì. Câu hỏi là vì sao 900 trường hợp vi phạm quy chế thi lại chỉ xuất hiện chủ yếu ở cụm thi do ĐH chủ trì, trong khi các cụm thi ở địa phương hầu như không có. Người ta giải thích là do tính cạnh tranh cao nên thí sinh ở các trường thi do ĐH chủ trì quay cóp nhiều hơn, song câu trả lời đó tôi nghĩ là không thỏa đáng.

Trước kia, thi ở các trường ĐH cũng rất nhiều vi phạm và bị bắt ngay; còn thi ở địa phương các vụ việc như Đồi Ngô chỉ được phát hiện sau kỳ thi chứ trong lúc thi, cũng được báo cáo là an toàn, không có vấn đề gì…

Tôi thiên về ý kiến là do các cụm thi ở ĐH người ta coi nghiêm túc hơn, xử lý mạnh hơn, chứ không phải cụm thi địa phương nghiêm túc hơn như đã được giải thích. Theo tôi, sự “lắp ghép” này là một khó khăn và nhiều chuyên gia cũng ủng hộ ý kiến này.

img

Thí sinh làm bài thi tại điểm thi Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Giao quyền tự chủ thi cử

Vậy theo ông, sang năm chúng ta nên điều chỉnh gì đối với kỳ thi quốc gia để nó được hoàn thiện hơn?

Rõ ràng, chúng ta phải giảm bớt một kỳ thi nhưng không theo hướng kết hợp hai kỳ làm một như hiện nay, mà cần theo hướng như sau: Kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chúng ta đã chấp nhận 90-95, thậm chí 99% đỗ thì không cần làm ở tầm cỡ quốc gia mà làm nhẹ nhàng theo kiểu giao cho địa phương trực tiếp quản lý, thậm chí trong tương lai, giao cho các trường THPT tổ chức. Đề thi cũng do địa phương tự quản. Không thi thì các trường THPT vẫn xét và loại được 5%. Việc tổ chức một kỳ kiểm tra cuối bậc học hoàn toàn đủ động lực để học sinh học tập, nhưng làm hẳn một kỳ thi quốc gia như năm nay là thừa, vì làm khổ các em vượt trên mức cần thiết để cho ra được một kết quả 90-99% đỗ tốt nghiệp.

Trong khi đó, việc xét tuyển ĐH giao cho các trường ĐH tổ chức họ có thể tuyển chọn được đúng người có năng lực phù hợp với ngành nghề, chất lượng đào tạo, trường chất lượng cao thì sẽ ra đề khó hơn để chọn học sinh giỏi hơn. Các trường tốp giữa làng nhàng không có nhu cầu có một kỳ thi riêng hay phương án riêng hoặc trường tốp dưới, có thể chấp nhận phương án là Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi chung trên tinh thần các trường có nhu cầu thì tham gia. Tôi nghĩ có tới 75% các trường ĐH, CĐ có nhu cầu hỗ trợ việc này, còn 20-25% các trường có đặc thù riêng về chuyên môn hoặc trường tốp trên có chất lượng cao sẽ tổ chức kỳ thi riêng để thực hiện mục tiêu của họ. Lúc đó, kỳ thi quốc gia sẽ giảm áp lực thực sự.

Xin cảm ơn ông.

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc:

Một kỳ thi có 4 “thi”

Dư luận rộng rãi hoan nghênh Bộ GD&ĐT tích cực triển khai nghị quyết 29 của TW và cụ thể hoá bằng đổi mới kỳ thi. Hơn 13 năm thực hiện 2 kỳ thi, nay thực hiện ghép 2 kỳ thi làm 1 và gọi là kỳ thi quốc gia. Trước đây, cũng cả nước thi, vẫn thế, nhưng không gọi là kỳ thi quốc gia.

Dường như người ta đã không dự liệu trước được số chỉ tốt nghiệp phổ thông. Tính chi tiết, một kỳ thi đã thành “4 thi”. 27%, gần 1/3 thí sinh kỳ thi quốc gia mà tổ chức 38 tỉnh, thành phố (TP). Thi thứ nhất là 38 tỉnh, TP tổ chức kỳ thi quốc gia với khoảng 270.000 thí sinh (TS), một con số không nhỏ. Thi thứ hai là các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Thi thứ ba là Đại học Quốc gia HN (ĐHQG HN) tổ chức một kỳ thi cũng rất lớn. Nếu nói theo con số học thì đã có 3 loại thi. Ngoài ra có cả trăm trường ĐH tuyển riêng, lấy kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển. Như vậy là 4 thi cả thảy.

Nhiều nước giao việc thi tốt nghiệp THPT cho trường THPT làm, ĐH được tự chủ tuyển sinh, vì sao chúng ta không làm như vậy?

                                                                                                    Hồ Thu (ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem