Giáo trình lọt "đường lưỡi bò" phi pháp: Nhận thức chính trị quá kém

Hà My Thứ hai, ngày 04/11/2019 19:00 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dọc và Đào tạo) về vụ việc "đường lưỡi bò" xuất hiện trong giáo trình tiếng Trung của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Bình luận 0

Chia sẻ với Dân Việt chiều 4/11, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, vụ việc này biểu hiện sự tắc trách, vô trách nhiệm của nhà trường trong công tác kiểm định chất lượng giáo trình giảng dạy.

“Không thể bao biện là sơ ý để lọt do những đường chấm quá nhỏ và giáo viên đứng lớp không nắm rõ được tình hình lịch sử trong khi tham gia soạn bài giảng. Nếu giảng viên không đủ kiến thức chính trị để phát hiện ra mà để sinh viên làm việc đó thì phải xem xét lại trình độ của giảng viên”, TS Khuyến nói.

Sự việc xảy ra khi mới đây, nhiều sinh viên học chuyên ngành này bất ngờ phát hiện ra hình ảnh bản đồ trong sách có ”đường lưỡi bò” phi pháp khiến dư luận xôn xao, đặt dấu chấm hỏi về quy trình thẩm định giáo trình của trường ĐH này. Đây là năm đầu tiên, Khoa Tiếng Trung - Tiếng Nhật của ĐH Kinh doanh và Công nghệ đưa giáo trình tiếng Trung Quốc vào giảng dạy.

Ngay sau khi phát hiện, lãnh đạo Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, hiện nhà trường đã thông báo thu hồi và tiêu hủy giáo trình của tất cả các lớp. Vị này cũng cho rằng vì khoa đã sơ ý nên để lọt do những đường chấm quá nhỏ và giáo viên đứng lớp không nắm rõ được tình hình lịch sử trong khi tham gia soạn bài giảng.

img

Hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp xuất hiện trong giáo trình tiếng Trung của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Còn theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, việc để lọt hình ảnh “đường lưỡi bò” phi pháp vào giáo trình giảng dạy là làm sai lệch lịch sử. “Cần phải kỷ luật, đóng cửa đơn vị cung cấp giáo trình có xuất hiện “đường lưỡi bò” phi pháp. Trường ĐH có tự chủ đến đâu cũng không được phép có nhận thức về mặt chính trị kém tới mức đó. Giáo trình để hình ảnh mang thông tin như vậy mà đưa vào công khai giảng dạy thì không thể không xử lý”, GS Dong nói.

GS Dong cũng đặt dấu chấm hỏi một ĐH tồn tại bao nhiêu năm nay nhưng không tự biên soạn lấy nổi một cuốn giáo trình tiếng Trung cơ bản cấp độ 1 để giảng dạy, cần phải xem xét mặt chuyên môn của đơn vị này.

TS Khuyến cũng khuyến nghị, Bộ GDĐT cần phải thanh tra, rà soát lại toàn bộ giáo trình du nhập từ nước ngoài hiện được giảng dạy trong các trường ĐH. “Quy định đối với chương trình học bậc phổ thông, các sách giáo khoa sẽ được Bộ GDĐT thẩm định nội dung, giám sát và xuất bản; còn với bậc đại học, cao đẳng thì Ban giám hiệu và Hội đồng khoa học nhà trường được tự thẩm định, lựa chọn giáo trình đưa vào sử dụng chung cho toàn trường" - TS Khuyến phân tích.

Theo thông tư số 04/2011/TT-BGDĐT do Bộ GDĐT ban hành, trong đó Quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục đại học có ghi rõ:

Giáo trình phục vụ cho việc giảng dạy, chuẩn bị bài giảng của giảng viên và học tập của sinh viên đối với các môn học có trong chương trình đào tạo phải được hội đồng khoa học và đào tạo khoa trình hiệu trưởng xem xét, lựa chọn. Những nội dung được trích dẫn trong tài liệu tham khảo để biên soạn giáo trình phải có nguồn gốc và chú thích rõ ràng.

Bộ GDĐT tổ chức kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học về công tác chỉ đạo, tổ chức biên soạn, lựa chọn, duyệt và thẩm định giáo trình của đơn vị theo quy định này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem