Thân phận họ như những cánh bèo trôi nổi qua những điểm trường, mà thường là những nơi gian khó nhất...
Sống bằng tiền của… chị
Tốt nghiệp hệ trung cấp của Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên năm 2010 với tấm bằng loại trung bình, thầy giáo Tô Ngọc Khang (dân tộc Tày) nhận hợp đồng ngắn hạn dạy học ở điểm trường tiểu học Lũng Nà - một trong những điểm khó khăn nhất ở xã biên giới Thượng Hà huyện Bảo Lạc (Cao Bằng). Điểm trường nằm ở độ cao hơn 1.000m, quanh năm mây mù. Phòng học tạm, chơ vơ, không điện, không nước, khó ở lại. Hàng ngày các thầy, cô “tổ lái” 2-3 giờ, vượt hàng chục con dốc đứng đi về, ngày mưa thêm việc quấn xích vào bánh xe mà leo dốc.
|
Cô giáo Tô Thị Cúc và những học sinh mầm non tại bản Cốc Thốc, xã Thượng Hà, huyện Bảo Lạc. |
Thầy Khang sáng xuất phát ở nhà từ 5 giờ 30, thủ gói mì ăn liền, đến trường nháo nhào ăn rồi tranh thủ đón học sinh. Đi về như thế, mỗi tháng tiền xăng hết 700.000 đồng, góp tiền ăn buổi trưa tại trường 200.000 đồng, thêm tiền điện thoại, sửa xe và tiêu vặt vãnh nữa là vừa hết khoản lương 1,2 triệu đồng. Bố mẹ không còn, anh chỉ có thể dựa vào người chị gái là giáo viên “xịn”. Mỗi tháng chị gái cho thầy Khang thêm 1 triệu đồng để sống, để khỏi phí cái công học, để hy vọng vào một ngày… đẹp trời… biết đâu được thành giáo viên xịn.
Cô Nông Thị Hồng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thượng Hà cho biết: “Thầy Khang rất hiền, chăm, năng lực cũng khá, hoàn cảnh khổ, ai cũng thương, quí nhưng… chịu”. Mỗi năm, phòng giáo dục tuyển người theo chỉ tiêu, căn cứ vào điểm tốt nghiệp, bất phân có cống hiến hay chưa nên diện như thầy Khang có cố mấy cũng đành chịu. Trường Tiểu học Thượng Hà có 4 giáo viên “trắng” như thầy Khang, mà cô Hồng gọi họ là giáo viên 4 không: Không công đoàn, không bảo hiểm, không xét thi đua và không phải đóng góp gì mỗi khi có công việc.
Giỏi cũng “ở ngoài”
Cô Tô Thị Cúc (dân tộc Tày) - giáo viên mầm non ở điểm trường Cốc Thốc, xã Thượng Hà cùng cái cảnh như thầy Khang, cũng là giáo viên hợp đồng “trắng”. Cô Cúc tốt nghiệp loại khá, nhưng trường cô có đến 40% tốt nghiệp loại giỏi nên cô cũng đành… ngậm ngùi thua. Tiền vay ngân hàng để đi học đến giờ vẫn còn nợ 5 triệu đồng chưa trả được. Ngày nghỉ, cô về thị trấn phụ bác bán rau, cũng là cách đỡ tiền ăn hai ngày một tuần. Những ngày ở trường cố chi tiêu tằn tiện, miễn là không bị đến mức… hà tiện. Tiêu pha tằn tiện như cô Cúc nhưng 7 tháng làm giáo viên, bố mẹ phải cho thêm khi nhiều, khi ít, cộng lại cũng đến 5 triệu đồng.
Đánh giá năng lực cô Cúc, cô Sinh Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thượng Hà nói: “Mới ra trường, đi bản xa, giữ được lớp, các cháu yêu cô giáo, Cúc cũng vào loại cưng cứng”. Hỏi chuyện yêu đương, Cúc lặng lẽ lắc đầu. Năm tới chắc cũng khó vào biên chế được, Cúc đang tính chuyện học liên thông lên cao đẳng. Mục tiêu học cũng chỉ để “đổi màu” cái bằng, băn khoăn nỗi bố mẹ quá nghèo, thêm gần 2 năm học nữa không biết chừng họ sụm lưng.
Được nhắc đến nhiều trong 93 giáo viên hợp đồng “trắng” toàn huyện là cô Bế Ích Hồng (dân tộc Nùng) giáo viên mầm non ở Trường Mầm non xã Bảo Toàn. Cô Hồng thuộc loại “làm gì cũng giỏi” như lời cô giáo Hà Thị Tuyết Mai (hiệu trưởng nhà trường) đánh giá.
"Chỉ có thi tuyển thì số giáo viên đang dạy hợp đồng “trắng” mà có chuyên môn, có tâm huyết với nghề mới có cơ hội vào biên chế."
Bà Nông Thị Loan
Cô Hồng tốt nghiệp cũng loại khá, qua 2 năm hợp đồng “trắng”, đợt thi giáo viên giỏi cấp trường vừa qua cô xếp thứ 2/8 giáo viên giỏi. Cảnh sống của cô Hồng, giống cô Cúc, cũng luôn ở cái mức cố để không rơi vào chữ… hà tiện. Từ nơi ở đến điểm trường ở bản Khuổi Pết, cô Hồng phải qua 11km đường dốc. Chị em trong trường nhiều khi thấy xe máy cô gần hết xăng là lại “mượn” rồi trả xe cho cô với bình xăng đầy, giúp nhau cũng phải lặng lẽ thế kẻo cô tủi.
Hai năm giáo viên “trắng”, bòn thêm của bố mẹ đến hơn 20 triệu đồng, năm nay liệu đơn của Hồng có đến lượt? Mỗi năm một khó, lớp sau rút kinh nghiệm của các anh, chị mà cố lo cho “đẹp” cái bằng. Hỏi cô Hồng mơ ước gì cho ngày mai, không ngờ cô bật khóc: “Ước mơ, chúng em không dám, chỉ mong có kỳ thi tuyển để cạnh tranh lành mạnh, dẫu có trượt cũng cam lòng”.
Bà Nông Thị Loan - Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Lạc thẳng thắn thừa nhận: “Rất nhiều người trong số giáo viên “trắng” này có trình độ chuyên môn rất tốt, thậm chí tốt hơn cả một số giáo viên mới được tuyển vào biên chế… Nhưng do cơ chế tuyển dụng của tỉnh là chỉ xét tuyển qua điểm tại hồ sơ nên họ khó có cơ hội trúng tuyển. Theo tôi, tỉnh nên chuyển sang cơ chế thi tuyển thì tốt hơn”.
Bài 2: Giã từ phấn trắng, bảng đen
Xuân Trường
Vui lòng nhập nội dung bình luận.