Giáo viên kiến nghị: Cần có "chế độ" cho thành viên tham gia Hội đồng trường

Tào Nga Thứ hai, ngày 28/10/2024 06:49 AM (GMT+7)
Theo ý kiến của một số giáo viên, tham gia Hội đồng trường khá vất vả để xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường, kế hoạch cho từng năm học nhưng lại không có chế đội bồi dưỡng nào.
Bình luận 0

Giáo viên kiến nghị có "chế độ" khi tham gia Hội đồng trường

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một số giáo viên ở Hà Nội cho biết: Mặc dù nhiệt tình tham gia Hội đồng trường, làm nhiều việc nhưng lại không nhận được lương.

Một giáo viên cho hay: "Hội đồng trường là cơ quan không thể thiếu trong trường họcHội đồng trường của trường trung học công lập là tổ chức quản trị nhà trường, thực hiện quyền đại diện sở hữu của nhà trường và các bên có lợi ích liên quan, chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho nhà trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.

Theo Điều 10 về Hội đồng trường tại Thông tư 32, thành phần của hội đồng trường trung học công lập gồm: bí thư cấp ủy; hiệu trưởng; chủ tịch Công đoàn; bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện tổ chuyên môn, tổ văn phòng; đại diện chính quyền địa phương, Ban đại diện cha mẹ học sinh và đại diện học sinh.

Hội đồng trường có chủ tịch, thư ký và các thành viên, số lượng thành viên của hội đồng trường là số lẻ, ít nhất là 7 người, nhiều nhất là 15 người. Nhiệm kỳ của hội đồng trường là 5 năm. Hội đồng trường họp thường kỳ ít nhất 3 lần trong một năm. Trong trường hợp cần thiết, khi hiệu trưởng hoặc ít nhất một phần ba số thành viên hội đồng trường đề nghị, chủ tịch hội đồng trường có quyền triệu tập phiên họp bất thường để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và quyền của nhà trường...

Giáo viên kiến nghị: Cần có "chế độ" cho thành viên tham gia Hội đồng trường- Ảnh 1.

Giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh minh họa: Tào Nga

Tuy nhiên, Thông tư không nhắc nội dung: Hội đồng trường sử dụng nguồn tài chính từ đâu, thực hiện chi trả chế độ làm việc cho các thành viên ra sao.

Trên thực tế, sau những ngày làm việc (thường là các cuộc họp) để thảo luận, xây dựng phương hướng hoạt động, mục tiêu chiến lược hoặc để giải quyết những công việc đột xuất của nhà trường… các thành viên Hội đồng trường không được nhận bất cứ chế độ bồi dưỡng nào.

Tôi là giáo viên, được bầu vào Hội đồng trường từ tháng 3/2022 với tư cách là đại diện tổ chuyên môn. Từ khi tham gia, chúng tôi làm việc khá vất vả để xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường, kế hoạch cho từng năm học, nhất là khi nhà trường tổ chức sự kiện 60 năm thành lập trường. Chúng tôi thực hiện việc giám sát các hoạt động của sự kiện, từ huy động tài chính, sử dụng nguồn lực cho đến công tác tổng kết. Nhưng không có bất cứ khoản bồi dưỡng nào.

Chúng tôi cũng có ý kiến đề xuất với hiệu trưởng trong các phiên họp của Hội đồng trường về việc xây dựng nội dung, quy định chi trả chế độ cho các thành viên nhưng đều bị từ chối với lý do "Không có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định".

Sau đó, tôi có tìm hiểu một số trường thì hầu hết các trường cũng đang trong tình trạng như vậy, tức là các thành viên không được nhận bất cứ chế độ gì, có thông báo là đi họp".

Một giáo viên khác cho biết: "Tôi được Hội đồng trường bầu là thư ký và được trừ 2 tiết dạy mỗi tháng, ngoài ra không có chế độ nào khác. Trong khi đó, mỗi tuần tôi phải tham dự 2-3 cuộc họp nên phải sắp xếp công việc dự họp và hoàn thiện văn bản".

Giáo viên kiến nghị: "Giả sử số lượng thành viên trong Hội đồng trường là 13 người. Mỗi năm họp 3 lần, mỗi lần được chi trả hệ số 0.1 (áp dụng đối với đại biểu HĐND cấp xã) mức lương cơ sở (hiện nay là 2.34) thì mỗi thành viên sẽ nhận 234.000/lần họp. Mỗi lần họp đơn vị phải chi 3.042.000 đồng. Như vậy, một năm sẽ là hơn 9 triệu đồng. Số tiền này không ảnh hưởng đến ngân sách của các trường".

Có nên có bồi dưỡng cho thành viên tham gia Hội đồng trường?

Trước vấn đề trên, một số lãnh đạo các Phòng GDĐT nêu quan điểm: Vì Hội đồng trường 1 năm họp 3 lần, mức độ thường xuyên và công việc không nhiều nên phụ cấp là không hợp lý. Bên cạnh đó, đây là nhiệm vụ, công việc chung của giáo viên. 

Thầy Nguyễn Minh Đạt, một giáo viên ở TP.HCM nêu ý kiến: "Theo văn bản Luật không có quy định giáo viên tham gia Hội đồng trường được trả lương mà khi làm nhiệm vụ sẽ được giảm trừ tiết dạy. Nếu dư tiết thì được trả phụ trội (dư giờ). Thực ra giáo viên cũng mất công nhưng không được quyền lợi gì thì không công bằng với những người không phải làm gì. Theo tôi, Hội đồng trường mỗi lần họp là một buổi nên giáo viên có thể đề xuất giảm trừ 5 tiết dạy là hợp lý".

Cô Lê Anh Thư, một giáo viên ở Hà Nội trước đây cũng tham gia Hội đồng trường và không có phụ cấp nào. Cô Thư bày tỏ: "Thêm lương thì ai cũng thích nhưng theo tôi vai trò của Hội đồng này hiện nay cũng khá mờ nhạt, mặc dù cũng là đại diện cho tiếng nói của giáo viên, nhân viên trong trường. Những người trong Hội đồng trường nhiều khi lại "hợp cạ" với hiệu trưởng không đứng về phía người lao động".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem