Giáo viên mầm non oan như oan... Thị Kính

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 10/03/2017 14:17 PM (GMT+7)
Công việc không chỉ vất vả, áp lực, nhiều giáo viên mầm non cho biết nghề của họ lúc nào cũng có nguy cơ trở thành “tội đồ” và bị phụ huynh đổ tội oan.
Bình luận 0

Cô Nguyễn Thị Vân Anh – giáo viên mầm non ở Việt Trì (Phú Thọ) mới đi làm được 2 năm nhưng đã từng mấy lần muốn bỏ việc chỉ vì không chịu được oan ức. Cô Vân Anh kể, có lần có cháu không hiểu tại sao tự dưng má sưng lên, cháu đau quá cả buổi cứ ôm miệng khóc lóc, không ăn uống được gì. Các cô trong lớp phải báo với bố mẹ rồi cho con về sớm.

img

Giáo viên mầm non phải chăm sóc từng giấc ngủ trưa cho các con (ảnh minh họa: Ái Kiều)

Khi về, bố mẹ nhìn thấy con ôm má, thấy sưng sưng bất thường và quấy khóc liền nghĩ ngay đến việc con bị cô đánh. Chẳng hỏi chẳng rằng, vị phụ huynh đó lôi con trở lại trường và bắt đền cô giáo.

“Chị phụ huynh đó nói rất khó nghe, rằng các cô làm gì mà đánh con chị ấy đến nỗi vêu mặt lên không nói được. Giải thích thế nào chị ta cũng không nghe. Thế là tôi phải cùng chị ấy đưa cháu đi bệnh viện khám. Lúc bác sĩ bảo cháu bị sâu răng nặng dẫn đến viêm tủy dẫn đến sưng mặt. Nghe bác sĩ kết luận mà nước mắt tôi cứ trào ra, ấm ức không chịu được” – cô Vân Anh kể.

Trong khi đó, cô Trần Thu Dung – giáo viên một trường mầm non tư thục tại Hà Nội chia sẻ, đã có lần cô phải xin nghỉ việc cả tháng trời để… lấy lại tinh thần sau cú sốc bị phụ huynh tố. Cô Dung cho biết, không biết trẻ về nhà nói với bố mẹ thế nào mà sáng hôm đó, bố mẹ của bé đùng đùng đến trường quát tháo ầm ĩ nói rằng cô Dung phạt không cho con ăn, không cho con ngủ cả ngày hôm qua.

“Không để tôi giải thích, phụ huynh đó lên thẳng phòng hiệu trưởng và dọa sẽ cho công an, luật sư vào điều tra. Nếu đúng là cô giáo bỏ đói con thì sẽ kiện cả trường, cho trường giải thể luôn. Anh ta còn khẳng định con anh ấy không bao giờ nói dối, con chỉ rõ cô Dung là người  phạt con nhịn đói cả ngày. Lúc đó không biết phải nói thế nào tôi chỉ biết khóc” – cô Dung kể lại.

Chỉ sau khi phụ huynh đó ngồi lại cùng các cô xem video quay lại cảnh sinh hoạt cả ngày của con mình hôm trước, thấy cháu vẫn ăn, ngủ nghỉ và học tập đúng giờ, không có việc bị phạt hay bỏ đói, phụ huynh đó  mới thôi… lớn giọng.

“Chẳng một lời xin lỗi, phụ huynh đó lẳng lặng cho con về rồi hôm sau chuyển trường khác cho con. Nghĩ lại mà vẫn thấy uất ức vì người  ta cứ vin vào cớ “trẻ con không bao giờ nói dối” mà không biết rằng, nhiều đứa trẻ bây giờ biết học cách nói dối từ chính bố mẹ của mình” – cô Dung nói.

Đã gần 10 năm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Lan – giáo viên một trường mầm non công lập ở TP Thái Bình cho rằng, những vụ giáo viên mầm non bạo hành trẻ bị lên án đã có ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của phụ huynh dành cho giáo viên. Giáo viên mầm non vì thế mà áp lực chồng áp lực. Để làm tốt được công việc của mình mà không gặp những chuyện dở khóc dở cười như vậy, các cô giáo cần phải kiềm chế nhiều hơn. Ngoài ra, cũng cần gần gũi và dành thời gian tiếp xúc trò chuyện với phụ huynh để bố mẹ có cơ hội hiểu mình.

“Dù không biết nhiều về công nghệ thông tin nhưng tôi cũng mò mẫm lập facebook, add bạn bè là phụ huynh của mình. Buổi tối, tôi thường chát, trò chuyện với họ thông báo tình hình học tập và sinh hoạt ở lớp của các con. Những trẻ nào đặc biệt thì phải tương tác với phụ huynh nhiều hơn, nắm bắt và hiểu thói quen ở nhà để cùng phụ huynh đưa ra hướng chăm sóc trẻ. Đó cũng là một cách để xích gần khoảng cách giữa mẹ và cô” – cô Lan cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem