Giáo viên phải quỳ xin dạy học: Sự xuống cấp uy tín của giáo dục mầm non

Việt Phương Thứ sáu, ngày 15/06/2018 07:51 AM (GMT+7)
Chia sẻ với báo Dân Việt về việc quỳ xin được tiếp tục dạy học của các giáo viên tại Thanh Chương (Nghệ An), bà Lê Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện phát triển giáo dục trí tuệ Việt cho rằng, đó là sự xuống cấp trầm trọng về uy tín của giáo dục mầm non và giáo viên mầm non đang ở thế yếu.
Bình luận 0

Mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện một clip ghi lại cảnh hàng chục giáo viên mầm non tại cơ sở mầm non Tuổi thơ, huyện Thanh Chương, Nghệ An đã quỳ khóc xin cơ quan chức năng không dẹp bỏ cơ sở giáo dục mà họ đang làm việc. Vụ việc nhanh chóng gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

img

Hình ảnh các cô giáo tại Thanh Chương, Nghệ An quỳ khóc xin không đóng cửa cơ sở mầm non.

PV: Là một người hoạt động lâu năm, có tâm huyết với ngành mầm non, bà có đánh giá như thế nào về hình ảnh các cô giáo mầm non phải quỳ xin được dạy học? 

Bà Lê Thị Lan Anh: Hình ảnh giáo viên phải quỳ gối để van xin, thể hiện mong muốn được giảng dạy cho trẻ mầm non phản ánh thực trạng sự xuống cấp trầm trọng về uy tín của giáo dục mầm non trong ngành giáo dục nói riêng và uy tín của giáo dục mầm non trước dư luận xã hội, người dân nói chung. Lý do khiến các cô phải quỳ gối cũng chứng tỏ rằng, công tác quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Nếu như, chính quyền làm việc đúng chức năng, thì không thể có hiện tượng cơ sở đã hoạt động một năm mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn, để đến ngày giáo viên phải quỳ gối xin dạy học.

Theo tôi, lỗi ở đây nằm ở cả hai phía, một mặt là chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa quản lý chặt chẽ các nhóm lớp, nhà trẻ quy mô nhỏ, ở đây cụ thể cơ sở mầm non Tuổi thơ tại huyện Thanh Chương, Nghệ An. Thứ hai, bản thân nhà trường cũng sai khi chưa đáp ứng đầy đủ các giấy phép theo quy định của luật pháp mà đã hoạt động. 

Tuy nhiên, nghề "gieo con chữ" được cả xã hội quý trọng gọi bằng "Thầy" mà phải quỳ gối để xin được giảng dạy phản ánh thực tế, có một bộ phận giáo viên mầm non đang ở trong thế yếu, tiếng nói không đủ trọng lượng, không có uy tín trước xã hội về mọi phương diện.  

img

Bà Lê Thị Lan Anh.

Có ý kiến cho rằng, với tư cách là một nhà giáo, thì hành động quỳ gối để xin được dạy học là không chấp nhận được. Theo bà, các cô giáo có nên hành động như thế hay không?

- Dù xuất phát từ bất kỳ nguyên nhân nào, tôi phản đối việc ép giáo viên rơi vào thế phải quỳ. Tôi cũng phản đối việc giáo viên đồng thuận quỳ tập thể. Giải pháp quỳ là hạ sách. Trong hoàn cảnh này, có nhiều cách để giải quyết sự việc mà tập thể giáo viên không phải quỳ gối.

Tôi nghĩ, ban lãnh đạo nhà trường hơn ai hết phải chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương, phải khắc phục những hạn chế của nhà trường chứ không phải ép chính quyền địa phương bằng "quỳ gối tập thể". Hạ sách "quỳ gối" thể hiện sự mất bình tĩnh của ban lãnh đạo nhà trường, sự thiếu tôn trọng nghề giáo. Hành vi quỳ gối phản ánh rõ nét thực trạng, ở một số địa phương cơ chế "xin - cho" quá rõ nét, một bộ phận người dân mặc nhiên chấp nhận thế yếu về mình. 

Bên cạnh đó, cần phải xem xét trách nhiệm từ phía các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Tại sao một cơ sở mầm non hoạt động lâu như vậy mà các phòng, ban chuyên môn không triệt để xử lý vi phạm? Tại sao không đưa cho họ giải pháp, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện để hoàn thiện phần thiếu theo quy định? Hạ sách quỳ, ở một góc khác, cũng thể hiện sự yếu kém trong công tác quản trị, điều hành, tổ chức và uy tín của đội ngũ lãnh đạo trường. 

Liệu có phải do một sức ép nào đó, khiến cho các giáo viên mầm non phải ở trong tình thế bắt buộc phải quỳ để bảo vệ "quyền được dạy" của chính mình hay không, thưa bà?

- Giáo viên mầm non phải quỳ xin để được dạy là việc "cực chẳng đã". Tôi khẳng định rằng bản thân họ, cái tôi và nhân phẩm họ chẳng bao giờ muốn quỳ gối trước bất kỳ ai. Song, chúng ta phải cảm thông cho họ, họ là người ở giữa, có quá nhiều áp lực bủa vây, đổ dồn về phía họ: từ nhà trường, chính quyền địa phương, từ phụ huynh, từ tình thương dành cho học sinh, từ miếng cơm mang áo...

Trường bị đóng cửa chưa biết bao giờ hoạt động trở lại, họ ngay lập tức mất việc, tiền lương không còn. Trong thời buổi khó khăn này, dễ gì tìm được ngay công việc phù hợp để lo cho gia đình? Tiền ở đâu để mưu sinh? Họ bấn loạn nên dùng hạ sách "quỳ" để cầu cứu. Hành vi quỳ cũng chứng tỏ họ mất phương hướng, lo lắng tột bậc.

Nghề giáo nói chung và giáo viên mầm non chân chính nói riêng không nên quỳ gối trước bất kỳ ai. Khi thầy cô dành cả cuộc đời mình, bằng trọn vẹn Tâm - Tài - Trí để tận hiến cho nghề, cho học trò thì tại sao phải quỳ? Văn hóa Việt Nam xưa nay tôn vinh nghề giáo, chỉ có trò lạy thầy chứ sao thầy phải van lạy lòng thương hại của người khác? 

Đừng nhân danh bất kỳ lợi ích gì, đừng nhân danh bất kỳ lý do "bảo vệ quyền được dạy" nào mà đẩy giáo viên vào thế yếu, đi ngược lại văn hóa "Tôn sư trọng đạo" của Việt Nam. 

Xin chân thành cảm ơn bà! 

Ngày 12.6, đoàn cơ quan chức năng thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) do Chủ tịch thị trấn Nguyễn Văn Vinh làm trưởng đoàn đến làm việc tại cơ sở mầm non Tuổi Thơ và yêu cầu dừng hoạt động vì chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý. Khi đoàn làm việc chuẩn bị ra về thì các cô giáo trong trường đồng loạt quỳ gối, xin cơ quan chức năng thay đổi quyết định trên. Những hình ảnh này được quay lại thành clip và gây xôn xao dư luận.

=> Clip ghi lại cảnh các giáo viên mầm non quỳ gối xin được tiếp tục dạy học:

imgimgimgimgimgimg
imgimgimgimgimg
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem