Giáo viên và những điều trăn trở trong năm học mới để "yên tâm công tác"

Tào Nga Thứ ba, ngày 05/09/2023 06:08 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, nhiều giáo viên vui mừng, hân hoan chào đón năm học mới chính thức bắt đầu và cũng gửi gắm những trăn trở về chuyện nghề.
Bình luận 0

Trăn trở ngày đầu năm học mới của giáo viên

Ngày đầu năm học mới, thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Thanh Xuân, Hà Nội bày tỏ: “Năm học mới tâm tư lớn nhất của tôi là được hướng dẫn, tập huấn thật kỹ, thật thiết thực về việc tổ chức hoạt động nhận thức (dạy học) theo hướng mới. Để giáo viên không còn hoang mang với chương trình mới, bộ sách nào, để thấy rằng dạy học phát triển năng lực là những hoạt động giản dị, gần gũi. 

Giáo viên và những điều mong muốn trong năm học mới để "yên tâm công tác" - Ảnh 1.

Thầy Phạm Quốc Toản, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: NVCC

Năm học này, tôi cũng muốn Bộ có định hướng về nội dung và cách thức thi chi tiết hơn để giáo viên và học sinh yên tâm dạy, học cho đúng, cho trúng. Khi định hướng chuẩn đánh giá đầu ra thì giáo viên khắc tự thay đổi phương pháp dạy cho phù hợp. Nó sẽ thiết thực, chủ động và không theo tinh thần "chống chế".

Ngoài ra, cũng cần xây dựng cộng đồng giáo viên tổ chức hoạt động theo tinh thần đổi mới để học hỏi lẫn nhau. Minh họa bằng các video dạy thật thì càng tốt. Các môn thực nghiệm (Vật lý, Hóa học, Sinh học) cần trang bị thiết bị dạy học để đáp ứng tinh thần dạy học đổi mới”.

Ngoài những tâm tư về chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều giáo viên ở Hà Nội còn đứng ngồi trên đống lửa khi có quá nhiều áp lực đổ dồn trong ngày đầu năm học. 

“Sắp khai giảng rồi, giáo viên chúng tôi muốn tập trung vào công tác chuyên môn để đạt hiệu quả chất lượng cao nhất. Thế nhưng, hiện tại chúng tôi vừa phải lo xây dựng kế hoạch giảng dạy cho nhóm chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy, ôn nước rút cho học sinh giỏi thành phố lại vừa phải ôn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên. Nếu ôn thi thăng hạng chúng tôi sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, thiết nghĩ những công việc chuyên môn sẽ khó có chất lượng cao. Vì vậy giáo viên thủ đô chúng tôi vô cùng mong muốn Sở nội vụ sớm ban hành quyết định xét thăng hạng để chúng tôi yên tâm, phấn khởi tập trung vào chuyên môn”, cô Lê Thị Lương, giáo viên Trường THPT Tùng Thiện, thị xã Sơn Tây, Hà Nội bày tỏ.

Một giáo viên ở khu vực Sơn Tây, Ba Vì bày tỏ: "Trường tôi còn nhiều giáo viên đủ điều kiện làm hồ sơ dự thăng hạng chức danh nghề nghiệp với thâm niên trên 20 năm. Tuy nhiên, nhiều người lại không có tên trong đề án xây dựng nhu cầu vị trí việc làm của đơn vị nên không được làm hồ sơ. Không thăng hạng đồng nghĩa với việc chúng tôi không có cơ hội tăng lương trong khi tôi và một số người chỉ còn 1 bậc nữa là kịch bậc. Trong khi đó, các giáo viên cùng trường trẻ hơn rất nhiều thì lại được. Chúng tôi ngậm ngùi và thiệt thòi quá. 

Năm học mới này, tôi mong cấp trên sẽ rà soát lại, xem xét những trường hợp giáo viên có thâm niên 15-20 năm trở lên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giúp cuộc sống giáo viên đỡ vất vả hơn".

"Mong Sở Nội vụ Hà Nội và Sở GDĐT Hà Nội sớm có quyết định về việc xét tuyển thăng hạng giáo viên hạng 2 cho các thầy cô giáo đang công tác giảng dạy tại thủ đô, để giáo dục thủ đô luôn tiên phong trong sự nghiệp giáo dục", thầy Đào Xuân Cương, giáo viên Trường THPT Mỹ Đức C, huyện Mỹ Đức, Hà Nội nói.

Giáo viên và những điều mong muốn trong năm học mới để "yên tâm công tác" - Ảnh 2.

Cô Nguyễn Thị Thụ, Tổ phó tổ Xã hội 1, Trường THPT Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Cần chung tay tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh

Thầy Trương Công Một, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Dơn, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, Quảng Nam trăn trở việc gia đình, cộng đồng cùng nhà trường cần phải chung tay vận động học sinh tới lớp; các em học sinh có đủ quần áo, vở bút để đến trường, không có em nào phải bỏ học.

Theo thầy Một, hiện có nhiều điểm lẻ của trường còn tạm bợ, phòng học dựng ván, lợp tôn. Có những điểm trường không có sóng điện thoại, không có đường cho xe máy, giáo viên phải đi bộ rất vất vả. 

"Tôi mong rằng Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho các điểm trường lẻ, nhà công vụ cho giáo viên vì đa số thầy cô phải ở lại trường cả tuần, thậm chí vài tuần. Ngoài ra, trường cũng thiếu nhiều giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như không đủ giáo viên dạy tiếng Anh, không có giáo viên Âm nhạc. Trường hiện nay đang hợp đồng với 14 giáo viên nhưng mức lương quá thấp so với yêu cầu nhiệm vụ (khoảng 4,6 triệu). Thầy cô không được hưởng những chế độ như tiền đứng lớp, quản lý bán trú... nên rất khó đảm bảo cuộc sống để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo", thầy Một nói.

Thầy Một kiến nghị, giáo viên hợp đồng cần được hưởng chế độ theo Nghị định 111 như giáo viên tuyển dụng và sớm thực hiện xếp lương theo Thông tư 08 (thay đổi Thông tư 02/2021), cho phép tuyển dụng giáo viên chưa đạt chuẩn Luật Giáo dục 2019 để có đủ giáo viên giảng dạy.

Cô Bùi Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: "Với cương vị là hiệu trưởng mới, tôi sẽ nghiên cứu thật kỹ đội ngũ giáo viên của trường để làm sao phát huy được năng lực, sở trường của từng thầy cô, tạo điều kiện tốt nhất để thầy cô phát triển, bồi dưỡng năng lực đáp ứng được yêu cầu, mong muốn và đổi mới của ngành.

Với học sinh, tôi sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện cho các con, tổ chức các hoạt động, xây dựng môi trường học tập an toàn, vui vẻ và bồi dưỡng cho các con phát huy năng lực phẩm chất của mình.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn luôn lắng nghe ý kiến của phụ huynh để làm sao điều chỉnh một cách tốt nhất. Điều quan trọng trong một môi trường giáo dục là sự ổn định. Chỉ có ổn định thì thầy cô giáo, lãnh đạo nhà trường mới tập trung việc dạy và học cho các con. Nhà trường và phụ huynh có cùng phương châm là làm mọi điều tốt nhất cho học sinh. Vì vậy, khi được phụ huynh đồng thuận và giúp đỡ nhà trường thì đây sẽ là sức mạnh lớn nhất".

Giải pháp nhằm khắc phục các vấn đề đặt ra về đội ngũ giáo viên cho năm học mới 2023-2024 và những năm tiếp theo, chia sẻ với PV báo Dân Việt, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ chủ động khắc phục những vấn đề về chuyên môn để giáo viên thấy được hỗ trợ và thuận lợi hơn trong công việc, bớt đi căng thẳng áp lực; tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn. Đồng thời, các địa phương cần tích cực chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá…

Bộ GDĐT đã có những điều chỉnh về đào tạo của các trường sư phạm để cung ứng nhiều hơn nguồn tuyển giáo viên cho các địa phương. Bên cạnh đó, bộ cũng nghiên cứu đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 về đào tạo giáo viên liên quan đến đào tạo sư phạm, nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương cũng như hỗ trợ về sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm. Dự kiến, Nghị định 116 sửa đổi sẽ hoàn thành trong năm nay và được kỳ vọng mở rộng nguồn tuyển sư phạm.

Bộ GDĐT cũng đang làm thủ tục trình Quốc hội cho phép tạm thời tuyển dụng những giáo viên theo chuẩn của Luật Giáo dục cũ. Có thể tạm thời sử dụng, đặt ra yêu cầu đến năm 2030, giáo viên phải đạt chuẩn. Đó cũng được coi là biện pháp tạm thời để có nguồn giáo viên linh hoạt trong việc dạy môn Tin học và Ngoại ngữ.

Bộ GDĐT đang phối hợp với Bộ Nội vụ lấy ý kiến các bộ ngành khác trình Chính phủ đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non và tiểu học. Đồng thời, kiến nghị các địa phương không giảm biên chế một cách cơ học tạo thêm khó khăn cho ngành giáo dục. Chủ trương tinh giảm biên chế của Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo là đúng đắn tuy nhiên nên thực hiện theo hướng giảm số người hưởng lương bằng ngân sách; các địa phương cần chú ý điều tiết, hạn chế cắt chỉ tiêu biên chế của giáo dục.

Trong chế độ chính sách của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chương trình dự án khác, ngành giáo dục tăng cường việc kiên cố hóa trường học, chăm lo việc xây nhà ở công vụ cho giáo viên, đặc biệt ở các điểm trường, cắm bản, vùng khó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem