Giáo viên vùng cao chia sẻ "nỗi sợ" với Bộ trưởng Giáo dục

Thứ tư, ngày 13/04/2016 11:17 AM (GMT+7)
Nhiều chủ trương, chính sách của ngành giáo dục chưa phù hợp với học sinh vùng cao, giáo viên bày tỏ nỗi sợ và cũng tin tưởng ngành sẽ có thay đổi.
Bình luận 0

Thầy Đoàn Đại Cương, giáo viên trường THPT Tương Dương 2 (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) cho rằng Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cần đứng ra đấu tranh để giáo dục thực sự được xem là quốc sách hàng đầu. Vì theo thầy Cương, lâu nay ta vẫn "luôn nói thế nhưng quan tâm như thế nào thì chưa thỏa đáng".

Giáo viên vẫn chưa sống được bằng đồng lương, đặc biệt là giáo viên giảng dạy những môn được xem là môn phụ không có cơ hội dạy thêm, học thêm cho học sinh như Thể dục, Lịch sử, Giáo dục Công dân, Công nghệ…

“Chỉ khi nào chúng tôi không còn phải quá lo lắng với cơm áo gạo tiền, chúng tôi mới có thể toàn tâm toàn ý cho giáo dục được” thầy Cương đề nghị.

Điều thứ hai, Bộ trưởng cần làm ngay là nghiên cứu giảm áp lực cho giáo viên và tăng quyền cho giáo viên. Bởi giáo viên hiện nay chịu rất nhiều áp lực đầu tiên như hồ sơ sổ sách, thanh tra, kiểm tra, thi viết sáng kiến kinh nghiệm, thi giáo viên giỏi, thi đồ dùng dạy học…

"Đành rằng có không ít giáo viên xuống cấp đạo đức lối sống nhưng đại bộ phận chúng tôi rất yêu nghề, yêu thương học sinh, sống có lý tưởng. Tuy nhiên khi lỡ các thầy cô do chịu nhiều áp lực công việc và cuộc sống đẫn đến có sai sót hoặc bị hiểu lầm việc gì đó ngay lập tức bị dư luận nhảy vào mổ xẻ, lên án gay gắt và khi đó nghành giáo dục ngay lập tức kỷ luật" - thầy Cương cho hay.

Theo thầy nên chăng cho giáo viên được dạy dỗ học sinh trong phạm vi cho phép. Để không còn hiện tượng cho yên chuyện thì giáo viên chỉ lên lớp hết giờ là về, học sinh không học hoặc quậy phá cũng mặc kệ, không ai quan tâm các em.

img

Học sinh vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn cần giúp đỡ.

Cũng theo thầy, Bộ trưởng cần có biện pháp giáo dục đạo đức cho học sinh và xem đây là nhiệm vụ cực kỳ trọng tâm, dạy người trước dạy chữ.

Hiện tượng xuống cấp đạo đức ở học sinh trở nên đáng báo động, học sinh không nghe lời giáo viên thậm chí vô lễ, chửi bới đánh đập cả giáo viên.

“Bộ trưởng cũng cần chấm dứt bệnh thành tích trong giáo dục, như hiện tượng thi đua phổ cập, thi đua để đạt trường chuẩn quốc gia. Để làm được điều đó nhà trường làm mọi cách nâng khống tỉ lệ học sinh khá giỏi, duy trì sỹ số bằng mọi cách…từ đó mới có hiện tượng học sinh thì xếp loại khá và chưa đọc thông viết thạo” - thầy Cương nhắn nhủ.

Thầy giáo vùng cao cũng đề nghị Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần xem xét kỹ quá trình cải cách giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa… rồi mới đưa ra bàn bạc áp dụng tránh nóng vội, đổi mới đi đổi mới lại sau mấy năm lại vẫn như cũ sẽ gây tác động xấu đến xã hội, đặc biệt là tâm lý những giáo viên còn trẻ cả tuổi đời và tuổi nghề.

Điều cuối cùng mà thầy Cương mong muốn Bộ trưởng cần quan tâm đến học sinh khu vực miền núi nhiều hơn nữa, bởi những chính sách hỗ trợ hiện nay là đúng nhưng chưa đủ.

“Nhiều em vẫn không đủ điều kiện đến trường, như học sinh trường tôi phải đi học cách nhà 60 - 70 km mà các em vẫn không có khu nội trú, các em phải thuê trọ trong nhà dân với chỗ ăn, chỗ ở thiếu thốn... Đây chính là một nguyên nhân chính làm cho các em phải bỏ học ngày càng nhiều ở các huyện miền núi. Năm 2015- 2016, có gần 700 học sinh Nghệ An bỏ học” - thầy Cương cho biết.

Cùng tâm tư, một cô giáo (đề nghị không nêu tên) đang công tác tại huyện miền núi Mù Cang Chải (Yên Bái) cho biết, sống ở vùng cao mới thật sự thấm cái khổ và nỗi khổ riêng của người giáo viên. Khổ nhất là đi bản để động viên học sinh xuống trường đi học.

Nói về cuộc sống trên vùng cao, có lẽ khổ nhất vẫn là đồng lương, sau khi hết 5 năm thu hút các thầy cô lại trở về với mức lương như giáo viên vùng thấp.

“Nếu được Nhà nước cho phép giáo viên vùng cao được hưởng thu hút vĩnh viễn, vì sau 5 năm họ vẫn công tác ở vùng cao, mà trên này quá khó khăn. Sau những lần đi bản thì chúng tôi sợ nhất là làm phổ cập, những giáo viên mầm non và tiểu học bắt buộc phải cắm bản thì mới có học sinh.

Điều mà tôi sợ nhất là ngành áp dụng những phương pháp mà chỉ phù hợp với học sinh thành thị, còn học sinh vùng cao khác hoàn toàn. Chúng tôi đi dạy chỉ muốn tập trung vào giảng dạy, còn thi thố giáo viên này kia chỉ là hình thức và diễn, không có tác dụng gì” - tâm sự của một cô giáo vùng cao.

Cô giáo Vũ Thị Ngoan, giáo viên Trường Tiểu học Kiệt Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ tin tưởng Bộ trưởng mới sẽ giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng của giáo dục, những mặt tích cực tiếp tục được phát huy.

Cô Ngoan cho rằng, vì điều kiện học sinh miền núi nhiều thiếu tốn, sắp tới ngành cần tổ chức thêm các cuộc thi dành riêng cho học sinh để các em có điều kiện va chạm, tranh tài và từ đó tạo động lực trong học tập. Do khối lượng công việc của một giáo viên bộ môn ở bậc tiểu học rất lớn, có những giáo viên dạy 16 tiết với 5 khối lớp thì việc nhận xét rất nhiều, nhiều nhất tập trung vào khối 1 và khối 5 nên cô Ngoan đề nghị cần giảm ghi chép sổ sách để giáo viên có thời gian tập trung vào chuyên môn hơn.

Xuân Trung (GDVN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem