Giáp Tết, hàng rởm đổ về nông thôn

Thứ hai, ngày 17/01/2011 12:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay giữa trung tâm thủ đô, tại chợ Đồng Xuân, các mặt hàng thuộc diện “ba không” đang được ồ ạt đóng gói, mua bán và vận chuyển về nông thôn.
Bình luận 0

“Thiên đường” kẹo rởm

Một giờ trưa ngày 15- 1, giới buôn bán từ các tỉnh lẻ đổ về chợ Đồng Xuân tăng lên rõ rệt. Trên trời dưới hàng, chợ Đồng Xuân chẳng thiếu thứ gì. Hiển nhiên thấy rõ, cứ hàng không rõ nguồn gốc, hàng không nhãn mác, không hạn sử dụng thì sẽ được đưa về nông thôn nhiều nhất.

 img
Nhiều loại kẹo không bao bì, nhãn mác bán tại chợ Đồng Xuân.

Hoạt động buôn bán sôi nổi nhất là dãy hàng bánh kẹo, ô mai, hạt dưa, hướng dương. Tại khu vực này, có tới 60 -70 quầy hàng. Mỗi ngày, các quầy hàng có tới 60 – 70 xe máy đến nhận hàng.

Một chủ cửa hàng bán bánh kẹo, mứt ô mai, bà Vũ Thị Minh cho biết: Hiện tại, ô mai mận cơm có giá 65.000 đồng/kg, ô mai kiwi 60.000 đồng/kg, ô mai mơ 55.000 đồng/kg.

Bà Minh cho biết: “Giá cả Tết năm nay tăng gấp đôi so với năm ngoái. Thậm chí nhiều mặt hàng còn không có hàng bán. Ô mai nào ăn chẳng giống nhau. Việt hay Tàu cũng hóa học, cũng phẩm màu. Hàng Tàu rẻ hơn nên đắt khách.

Hàng bánh kẹo, đồ khô cũng hầu hết là hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Sạp hàng bò khô tấp nập người mua. Những mặt hàng bò khô miếng, bò khô xé có giá chỉ 120.000 – 150.000 đồng/kg được nhiều người chọn mua. Thấy rẻ, cũng lại thử, nhưng vị ngọt rõ ràng của đường hóa học, miếng bò khô cầm lên thả xuống màu phẩm vàng, đỏ còn dính trên tay. Tất cả những loại hàng này không có nhãn mác, không ghi rõ cơ sở sản xuất.

Đáng lo ngại nhất là các mặt hàng thực phẩm chế biến sẵn. Nhiều “con buôn” từ tỉnh lên đang hớn hở bốc và đóng gói những bịch măng chua, măng ớt, bánh bao đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng không ghi địa chỉ sản xuất, không hạn sử dụng, không số đăng ký chất lượng… với giá bán buôn 15.000 - 20.000 đồng/bao. Không ai dám đảm bảo chúng không chứa phẩm màu và hóa chất độc hại.

Thực trạng bán hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả… để đưa về các chợ nông thôn vùng sâu vùng xa đã tồn tại nhiều năm nay. Lý giải về sự lấn lướt của hàng không nhãn mác, chị Nguyễn Thị Tuyến - chủ quầy hàng tại chợ Đồng Xuân, cho rằng: “Về nông thôn chỉ cần đẹp, rẻ. Giá các loại hàng Trung Quốc cũng hợp lý, nên người mua buôn về bán lẻ cũng thích”.

70% hàng không rõ xuất xứ

Ông Hoàng Văn Lý (Ba Vì, Hà Nội) đến chợ Đồng Xuân buôn hàng Tết lần này là lần thứ ba trong tháng 12 âm lịch này, cho biết: Từ trước đến nay chưa bao giờ tôi lấy hàng nơi khác. Cứ tháng 11 âm lịch là nhà ông chuẩn bị tiền nong, xe cộ, rồi hai vợ chồng “cùng nhau xuống phố”. Chỉ cần một vòng chợ, đủ bán hàng cho tháng Tết. Ông Lý nói “Quả thật, nhiều sản phẩm ở đây biết là chất lượng không an toàn, nhưng giá lại phù hợp nông thôn”.

Có thể thấy, trong cơ cấu hàng hóa phục vụ Tết tại chợ Đồng Xuân, hàng không rõ xuất xứ chiếm đến 60-70%. Đặc biệt, bánh kẹo, ô mai, mứt Tết chiếm tỉ lệ lớn. Ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, 80% hàng hóa của Việt Nam vẫn được trao đổi mua bán qua chợ cóc, chợ tạm.

Đặc biệt người dân nông thôn vẫn chuộng cách buôn thúng, bán mẹt. Do đó, đây là cơ hội để cho hàng kém chất lượng trà trộn vào. Sức mua Tết năm nay của bà con tăng từ 15 – 18% so với năm trước, đồng nghĩa với việc hàng giả hàng nhái cũng gia tăng.

Ông Võ Văn Quyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, Cục vừa gửi văn bản tới các đơn vị phối hợp như Thanh tra Bộ KH&CN và Bộ Y tế, công an, hải quan... đề nghị tăng cường phối hợp kiểm tra đặc biệt trong dịp Tết Tân Mão, bởi đây là thời gian dễ xảy ra những hiện tượng vi phạm. Cục QLTT đã sớm triển khai các đoàn công tác, quản lý địa bàn chú trọng ở 3 nhóm lĩnh vực, trong đó chú trọng thực hiện kiểm tra các chương trình giảm giá khuyến mại bán hàng Việt, tránh việc tiêu thụ hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem