Ngày 28/9, Bộ NN&PTNT cho biết, trong 9 tháng đầu năm, dù cả nước đối mặt với 14 loại hình thiên tai, tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất nông lâm thủy sản, nhưng nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành vẫn đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ, cơ bản đạt mục tiêu tăng trưởng.
Sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá (giá trị sản xuất tăng 3,81-3,82%, GDP dự kiến tăng khoảng 3,5-3,6%), vượt mục tiêu tăng trưởng 9 tháng đầu năm mà Bộ đề ra (giá trị sản xuất tăng 3,36%,GDP tăng 3,01%).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng thủy sản ước đạt gần 6,4 tỷ USD, trong đó cá tra là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng ấn tượng, khi đạt 1,61 tỷ USD, tăng 24,6% trong 9 tháng đầu năm 2018.
Đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn ngành, có vai trò nổi bật của các lĩnh vực thuỷ sản (tăng 6,46%), lâm nghiệp (tăng 6%), trồng trọt (tăng 3%), và chăn nuôi (tăng 2,41%). Những sản phẩm tăng mạnh về giá trị và sản lượng là lúa gạo, rau quả, thịt gia cầm xuất khẩu, cá tra, gỗ và sản phẩm của gỗ.
Về xuất nhập khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu Quý đã đề ra.
Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng mạnh và vượt mục tiêu như: gạo tăng 23,1% (đạt 2,48 tỷ USD), lâm sản chính tăng 3,1% (6,62 tỷ USD) và rau quả vượt 1% (3,034 tỷ USD).
Về thủy sản, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành hàng này ước đạt gần 6,4 tỷ USD, tăng 7,2%, trong đó cá tra ước đạt 1,61 tỷ USD, tăng 24,6%; tôm các loại ước đạt 2,62 tỷ USD, giảm 4,5%.
Nhóm ngành hàng lâm sản trong 9 tháng đầu năm cũng đạt 6,76 tỷ USD, tăng 15,8%, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,41 tỷ USD, tăng 15%; sản phẩm mây, tre, cói ước đạt 248 triệu USD, tăng 27,7%. Trong khi các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2%.
Tuy nhiên, nhiều mặt hàng như cao su, hồ tiêu dù tăng khối lượng xuất khảu nhưng giảm về giá trị. Cụ thể, xuất khẩu cao su đạt 1.055 nghìn tấn (tăng 11%), giá trị ước đạt 1,45 tỷ USD (giảm10%); hồ tiêu đạt 195 nghìn tấn (tăng 8%), giá trị ước đạt 641 triệu USD (giảm33,6%). Riêng chè giảm cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, khi khối lượng đạt 92 nghìn tấn (giảm 10%), giá trị đạt 152 triệu USD ( giảm 7,1%).
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam phải chi 23,42 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, khoảng 20 tỷ USD đã chỉ để nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính (tăng hơn 10%).
Những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay là ngô, bông các loại, lúa mỳ, hàng thủy sản, rau quả, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phân Urê…
Tuy vậy, toàn ngành vẫn xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 2,85% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nam Khánh (Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.