Ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân: "Quy định không tiến bộ"
Giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người định kết hôn: "Quy định thừa thãi, gây xung đột pháp lý"
Hoà Nguyễn
Chủ nhật, ngày 12/07/2020 15:02 PM (GMT+7)
Liên quan việc phải ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân, theo chuyên gia pháp lý, việc này là thừa thãi, có thể sẽ gây xung đột pháp luật.
Ngày 16/7 tới đây, Thông tư 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định biện pháp chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015.
Điểm nổi bật trong thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (hay thường gọi giấy xác nhận độc thân) là giấy này phải ghi rõ họ, tên người dự định kết hôn.
Thông tin phải ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân ngay sau khi được lan toả, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều.
Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nhận định, yêu cầu ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân là thừa và có thể phát sinh nhiều hệ lụy xấu.
Luật sư Cường viện dẫn, tại khoản 3 Điều 12, Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:
Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một (1) bản cho người yêu cầu.
Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.
Cũng theo quy định của văn bản này thì giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị trong vòng 6 tháng, hoặc cho đến khi đăng ký kết hôn, tùy thuộc vào điều kiện nào đến trước.
Trong thời hạn này, người xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân vẫn có thể từ chối kết hôn, thay đổi người dự định kết hôn.
"Mục đích của giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là chứng nhận công dân tại thời điểm xin giấy đủ điều kiện kết hôn, còn việc họ kết hôn với ai là quyền cá nhân của họ, trong thời hạn cấp giấy đó họ hoàn toàn có quyền lựa chọn, thay đổi.
Việc ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân không có ý nghĩa, không phải là một cách để tăng cường công tác quản lý.
Việc quy định thừa thãi này sẽ làm hạn chế quyền tự do trong hôn nhân của công dân và nguy cơ phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột pháp luật" – luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Vị Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp phân tích, thực tế có những trường hợp xin xác nhận tình trạng hôn nhân mà chưa có ý định kết hôn chính thức đối với người cụ thể nào.
Cùng với đó, không phải ai cũng có thời gian, điều kiện về nơi cư trú thường trú của mình để xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bởi vậy nhiều trường hợp họ tiện thì sẽ xin trước để dự tính có thể kết hôn trong nửa năm tiếp theo.
Nếu quy định ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân này có hiệu lực, luật sư Cường chia sẻ, bắt buộc họ phải điền bừa thông tin một người nào đó vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của họ, sau này nếu họ không kết hôn đúng người đó thì sẽ thành câu chuyện dở khóc dở cười.
"Quy định không tiến bộ"
Phân tích sâu về vấn đề này, luật sư đưa ra ví dụ: Trường hợp một người có nhiều người tán tỉnh, theo đuổi thì trong thời hạn 6 tháng đó người ta vẫn đủ thời gian để quyết định đến với một trong số những người đang theo đuổi mình.
Nếu quy định phải ghi tên người định cưới vào giấy xác nhận độc thân, liệu người ta có thể ghi tên nhiều người theo thứ tự ưu tiên với những người mà người đó đang dự định kết hôn hay không?
Một cô gái ở trong tuổi kết hôn thì có thể có nhiều chàng trai theo đuổi, trước khi quyết định cưới một người nào đó thì người ta có thể cân nhắc đến người này, người khác, kể cả trường hợp người ta đã xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì có thể người đó vẫn đang cân nhắc.
Trong trường hợp như vậy chẳng lẽ cô gái sẽ ghi tên tất cả những người đàn ông đang theo đuổi cô ta vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân?
Đáng chú ý, chuyên gia pháp lý này cũng khẳng định, nguyên tắc quan trọng trong Luật hôn nhân và gia đình là tự do kết hôn.
Trường hợp quy định bắt buộc phải ghi tên tuổi, địa chỉ, nơi cư trú của người dự định kết hôn vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là một điều bất cập và không cần thiết.
"Nếu trường hợp dự định kết hôn với người này nhưng sau đó lại kết hôn với người khác mà trong giấy xác nhận thể hiện tên một người, giấy chứng nhận kết hôn kết hôn với một người thì sẽ tạo ra những mâu thuẫn, xung đột về pháp lý, cũng như về đời sống xã hội" – ông Cường nói.
Đặc biệt, vị luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại, yêu cầu này sẽ có thể gây ra nhiều phiền hà.
Cụ thể, văn bản luật và dưới luật cũng không quy định người dự định kết hôn phải có điều kiện như thế nào.
Bởi vậy cũng có thể có những trường hợp người ta xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân rồi điền bừa thông tin của một người nào đó vào giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của họ, nếu giấy xác nhận này ghi tên một người đã kết hôn với người khác thì rất dễ phát sinh những chuyện ghen tuông, mâu thuẫn và không thể sử dụng được trong thủ tục đăng ký kết hôn.
Thủ tục cũng như chi phí để xin một giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không nhiều nên có thể có những người sẽ lợi dụng quy định và thủ tục này để gây mâu thuẫn tranh chấp, ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân của người khác...
"Bởi vậy, theo quan điểm của cá nhân tôi thì quy định mới này không phải là quy định tiến bộ. Nó có thể hạn chế quyền tự do kết hôn của công dân, gây rắc rối, phiền hà về mặt thủ tục và có nguy cơ gây tranh chấp mâu thuẫn trong đời sống xã hội" – luật sư Cường nêu quan điểm.
Theo ông Cường, quy định này cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ để thủ tục đăng ký kết hôn trở nên dễ dàng, thuận lợi, đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, giảm bớt các tranh chấp, mẫu thuẫn, khiếu kiện có thể phát sinh từ thủ tục đăng ký kết hôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.