Trong lời phát biểu khai mạc cuộc hội thảo, ông Vũ Ngọc Hoan- Cục phó Phụ trách Cục Bản quyền tác giả cho biết: “Để có một đời sống âm nhạc lành mạnh, quyền của các tác giả âm nhạc được đảm bảo, lẽ ra chúng ta cần có 3 tổ chức bảo vệ bản quyền, đó là bảo vệ bản quyền của tác giả âm nhạc, của các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình tác phẩm âm nhạc và nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc. Tuy nhiên, thực tế ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có 2 tổ chức liên quan đến bảo vệ bản quyền âm nhạc là Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) và Hiệp hội Ghi âm Việt Nam (RIAV)”.
Các chương trình nghệ thuật phục vụ mục đích chính trị hiện không phải xin phép và trả tiền tác quyền (ảnh minh họa). Hà Tuấn
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh bức xúc lên tiếng: “Chúng tôi vô cùng uất ức vì mình là tác giả những không đòi được quyền lợi của mình. Kỳ cuộc nào chúng tôi cũng lên tiếng, kêu la, nhưng không có biện pháp giải quyết xử lý dứt điểm thì đâu lại vào đó.
Tôi muốn nói lại cho rõ ràng về việc quy định của pháp luật rằng với những chương trình phục vụ mục đích chính trị, không thu vé, không có mục đích thương mại thì người tổ chức không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền tác giả là một quy định bất hợp lý. Bởi vì không có lý gì việc tổ chức ra một chương trình nghệ thuật như thế, người kéo dây điện, người lắp bóng đèn, người biên đạo múa, người hóa trang, nghệ sĩ biểu diễn, nghệ sĩ múa minh họa… tất cả đều được nhận thù lao mà nhạc sĩ lại bị gạt ra ngoài, không được trả tiền".
Thế hóa ra công lao động, sáng tác nghệ thuật của chúng tôi chẳng đáng kể một chút gì à? Tôi đề nghị dù ít dù nhiều, các nhạc sĩ đều phải được hưởng thù lao trong kinh phí bỏ ra để thực hiện chương trình nghệ thuật phục vụ mục đích chính trị tuyên truyền, đó mới là sự công bằng trong xã hội”.
Nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng có chung một nỗi niềm như đồng nghiệp của mình, ngoài ra ông còn tỏ ra rất thất vọng: “Mười mấy năm nay, tôi thấy bên VCPMC cứ đặt vấn đề Cục Nghệ thuật biểu diễn và các Sở VHTTDL trên cả nước không nên cấp phép cho đơn vị tổ chức biểu diễn khi họ chưa có sự cho phép của tác giả, mà vẫn không được xem xét đến. Đó là một sự vô lý không thể chấp nhận nổi.
Tại sao các vị biểu diễn tác phẩm của chúng tôi mà lại không cần hoặc không có nghĩa vụ phải xin phép chúng tôi? Tại sao các ông cục, ông sở là đại diện chính quyền, thay mặt cho nhà nước mà lại cho phép người khác sử dụng các tác phẩm của chúng tôi khi chúng tôi chưa đồng ý? Tôi thấy hồ sơ xin cấp phép được ký duyệt rất nhanh, vài ngày là xong xuôi, đằng sau cái sự nhanh chóng đó là gì, vì sao nó lại được ký nhanh thế, đó là điều cần phải được làm rõ ra”.
Quan điểm
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh •
... người kéo dây điện, người lắp bóng đèn, người biên đạo múa, người hóa trang, nghệ sĩ biểu diễn, nghệ sĩ múa minh họa… tất cả đều được nhận thù lao mà nhạc sĩ lại bị gạt ra ngoài, không được trả tiền
Ông Trần Chiến Thắng- Chủ tịch RIAV nêu ý kiến: “Để xây dựng được một xã hội mà trong đó ý thức về Luật Sở hữu trí tuệ của tất cả mọi người được nâng cao, không có cách nào khác ngoài giáo dục. Tôi ngạc nhiên khi thấy, trong toàn bộ hệ thống các trường đào tạo nghệ thuật về tất cả các lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học… đều không có bất cứ một giờ học nào liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ. Nếu ngay chính các nghệ sĩ mà không hiểu hết về quyền hợp pháp của mình, không biết thế nào là hành vi xâm phạm và bị vi phạm quyền tác giả thì khó có thể yêu cầu cả xã hội tôn trọng điều này. Đó là khoảng trống mà theo tôi, chúng ta cần lấp đầy trước tiên”.
Một ý kiến đại diện cho nhà mạng Vinaphone- một đơn vị sử dụng rất nhiều sản phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ thì cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn, vì chúng tôi chỉ làm việc với các đối tác cung cấp nội dung âm nhạc, họ trình ra các hợp đồng, có nhạc sĩ thì ký hợp đồng qua VCPMC, có nhạc sĩ thì ký trực tiếp với đối tác của chúng tôi, nên rất khó nắm bắt. Vì vậy chúng tôi đề nghị nên có quy định rõ ràng, các nhạc sĩ đã ký với VCPMC thì không được ký với một bên thứ 3 nữa”. Nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc VCPMC giải thích ngay: “Trong hợp đồng mà các nhạc sĩ đã ký với VCPMC đã có quy định rõ điều này, nếu nhạc sĩ còn ký với bên thứ 3 thì có nghĩa là nhạc sĩ đó vi phạm hợp đồng với chúng tôi”.
Kết luận hội thảo, ông Vũ Ngọc Hoan cho biết: “Bảo vệ bản quyền tác giả là một chặng đường rất dài. Những ý kiến đóng góp của các nhạc sĩ trong hội thảo sẽ được Cục tiếp thu và đề xuất để điều chỉnh, thay đổi các quy định nếu cần thiết”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.