Nguyễn Hoàng (sinh năm 1998, làm việc trong lĩnh vực Truyền thông) chia sẻ, mọi năm, mức thưởng Tết của anh được trên 20 triệu đồng. Do chưa lập gia đình nên số tiền nhận được khi Tết về anh ưu tiên gửi tặng bố mẹ, vì hằng tháng bố mẹ anh không yêu cầu anh chu cấp. Cụ thể anh Hoàng dành 50% để lì xì cho bố mẹ sắm Tết. Còn 30% anh dành cho bản thân đi lại vui chơi ngày Tết với bạn bè. 20% để dành cho năm tới.
Nhưng năm nay do kinh tế khó khăn, số tiền thưởng Tết giảm nhiều so với các năm trước và không có thu nhập ngoài nên Hoàng chỉ dành được khoảng 30-40% cho bố mẹ, anh cũng chủ động giảm chi tiêu của bản thân để tích luỹ, dành dụm cho năm sau.
"Khác với mọi năm, sau khi có thưởng Tết, tôi lao vào mua sắm đồ đạc cho mình, sắm Tết với la liệt đồ đạc thì năm nay tôi hạn chế hơn rất nhiều. Tết năm nay tôi chỉ mua cho bản thân thêm một bộ quần áo mới, còn lại được tận dụng từ năm ngoái mà không mua mới để tránh lãng phí. Bên cạnh đó, tất cả các thực phẩm, bánh kẹo chuẩn bị cho những ngày Tết cũng đều được cắt giảm so với mọi năm".
Cuối cùng, anh Hoàng mong ngóng sang năm số thưởng Tết của anh sẽ khởi sắc hơn năm nay để có thể có cái Tết trọn vẹn hơn.
Anh Doãn Mạnh Hùng (22 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khi có thưởng Tết, anh thường chia thành 3 phần. Phần đầu tiên sẽ gửi cho bố mẹ sắm Tết, như mua quà, hoa quả, bánh kẹo và đồ dùng trang trí như quất, đào. Phần thứ hai Hùng dùng để đổi tiền mừng tuổi ông bà, bố mẹ và các cháu, những người quen trong gia đình. Còn phần thứ ba anh sẽ dùng cho chi tiêu cá nhân, ví dụ như mua sắm quần áo, chơi Tết tại các khu du lịch và ăn uống cùng bạn bè.
Khi thấy nhiều bạn trẻ có tâm lý làm cả năm rồi nên muốn hưởng thụ ngày Tết và coi số tiền thưởng Tết như món quà từ trên trời rơi xuống nên tiêu xài bằng hết, Hùng cho biết thêm, việc sử dụng tiền thưởng Tết tùy thuộc vào mỗi người và có người sẽ hưởng thụ bằng hết số thưởng Tết ấy cho bản thân sau một năm lao động vất vả cũng là một cách, cho nên anh không phản đối việc này. Tuy vậy, khi tiêu xài cũng cần có tính toán một chút để khi ra Tết đi làm lại, hoặc có công việc đột xuất, thì có thể dùng tiền thưởng Tết như một khoản dự phòng cho các rủi ro. Quan trọng là dùng đủ, dùng đúng, không bị nợ thêm và không sa đọa vào các trò chơi ngày Tết.
Bảo Linh (30 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, dù 30 tuổi nhưng cô nàng vẫn đang hưởng thụ những ngày tháng độc thân vui vẻ. Là một người đam mê đồ thời trang và mỹ phẩm nên mọi năm có thưởng Tết, cô sẽ dành phần nhiều số tiền thưởng Tết ấy để mua váy vóc, thời trang, và mỹ phẩm. Tuy vậy, năm nay do kinh tế khó khăn, số tiền thưởng Tết giảm mạnh, nên Linh cũng hạn chế chi tiêu tới mức tối đa. Cụ thể, cô sẽ tận dụng lại quần áo của năm ngoái, và chỉ mua thêm một thỏi son đỏ, cô quan niệm đánh son đỏ vào mùng 1 tết sẽ mang lại may mắn cho cô trong cả năm.
Anh Võ Trọng Nguyên Trung (23 tuổi, một cán bộ trong Hải quân tại Hải Phòng) cho hay, anh sẽ phân chia số tiền thưởng Tết ra làm 4 khoản. Khoản 1 dành cho gia đình, bao gồm gửi về cho bố mẹ và lì xì. Khoản 2 là dành cho liên hoan, tất niên. Khoản 3 dành cho bản thân, cuối cùng khoản 4 là để dự phòng.
Còn anh Lê Văn Hùng (24 tuổi, giáo viên tại một trường THPT tại Hà Nội) tâm sự, với anh khoản tiền thưởng Tết cũng chính là một phần lương cả năm mà nhiều người đang gọi nó với cái tên "lương tháng 13". Đó là những cố gắng, nỗ lực, cống hiến trong suốt cả năm của bản thân để nhận khoản thưởng đó.
Trước khi nhận tiền thưởng Tết, anh Hùng đã lên kế hoạch về cách sử dụng khoản thưởng này. Cụ thể, anh sẽ chia tiền thưởng Tết thành 3 khoản nhỏ lần lượt là: biếu bố mẹ và gia đình (20%), sắm đồ Tết cho bản thân (10%) và mục phát sinh (5%). Số còn lại (65%) mình sẽ gửi ngay vào tài khoản tiết kiệm gửi góp để tránh "vung tay quá trán".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.