Giống lúa chưa được lưu hành nhưng đã rao bán tràn lan trên Facebook, Zalo, TikTok
Giống lúa chưa được lưu hành nhưng đã rao bán tràn lan trên Facebook, Zalo, TikTok
K.Nguyên
Thứ tư, ngày 27/12/2023 06:17 AM (GMT+7)
Đó là thực trạng về sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, trong đó có giống lúa được các chuyên gia nêu ra tại Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam” do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Cục Trồng trọt và Văn phòng Bộ NNPTNT phối hợp tổ chức, Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Thúy Kiều Tiên ước tính, với tổng diện tích gieo trồng lúa ở ĐBSCL lên đến 4 triệu ha, nhu cầu về giống lúa cần đạt khoảng 1 triệu ha/năm.
Tuy nhiên, chất lượng giống lúa vẫn còn là vấn đề lớn. Giống lúa bà con miền Nam đang sử dụng thường được sản xuất, kinh doanh bởi các hộ nông dân, doanh nghiệp nhỏ, tuy có đăng ký nhưng công tác kiểm tra chưa được sát sao và thường xuyên.
“Giống lúa OM34 của Viện đang trình hồ sơ, chờ Cục Trồng trọt phê duyệt. Giống OM34 chưa được lưu hành, nhưng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh loại giống này. Hiện tượng "bao trắng" và việc rao bán giống chưa qua kiểm nghiệm cho bà con vùng ĐBSCL đang tạo ra những thách thức lớn về an toàn và chất lượng sản phẩm,” bà Tiên nêu ví dụ.
So với tiêu chuẩn về giống do Cục Trồng trọt ban hành, để đáp ứng tiêu chí quản lý giống còn nhiều khó khăn. Một số quy định về chỉ số vi chất dinh dưỡng (omega, vitamin…) trong gạo còn chưa rõ ràng. Bà Tiên chỉ ra thêm, hiện nay vẫn chưa có đơn vị chuyên trách để đánh giá chất lượng dinh dưỡng trong thực phẩm.
Lãnh đạo Viện Lúa ĐBSCL bày tỏ: “Về bảo hộ và chuyển giao giống cây, Viện cũng đang gặp khó khăn, cần được tháo gỡ. Công tác chuyển giao giống lúa cho các đối tác doanh nghiệp, Chính phủ nước ngoài chưa thuận lợi. Theo quy định, giống lúa cần được chứng nhận bảo hộ trước khi chuyển giao. Đây là khó khăn cho Viện khi hợp tác với doanh nghiệp sản xuất giống”.
Theo ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng là tất yếu nhưng đưa lại nhiều hậu quả, hệ lụy.
Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân. Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”. Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân.
Ngoài ra, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn… Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh. Khu vực ĐBSCL là vựa sản xuất lúa, trái cây nhưng số công ty sản xuất giống lớn, có tiềm lực rất ít, giống lúa là chủ lực nhưng vẫn còn trên 25% nông dân sử dụng giống “không cấp”.
Thay mặt Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, ông Định đưa ra 5 kiến nghị: Sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật; có văn bản giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa của một số đơn vị đã phản ánh, gồm cả các trường hợp đã được bảo hộ tên hoặc nhãn hiệu hàng hóa nhưng bị đơn vị đăng ký trước “chộp” mất. Đề nghị sửa nhanh TCVN về khảo nghiệm giống ngô như Công văn số 22 (ngày 6/12/2023) của Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam đã kiến nghị.
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam, đã nêu những vướng mắc về pháp lý và kỹ thuật đối với quy trình đăng ký và công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến tại Việt Nam.
Theo đó, Luật Trồng trọt (Điều 19, khoản 7) và Nghị Định 94 (Điều 12, khoản 3) cho phép, hướng dẫn khảo nghiệm, đăng ký giống cây trồng biến đổi gen sau khi được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Như vậy, giống biến đổi gen được xem xét đăng ký và lưu hành như một giống cây trồng mới.
Theo bà Chi, việc khảo nghiệm, công nhận lưu hành các giống ngô mang tính trạng chống chịu như chịu hạn, kháng sâu, chống chịu thuốc BVTV… là rất cần thiết, phù hợp với nhu cầu thiết thực trong phát triển và đăng ký giống mới, giúp tăng năng suất và tăng thu nhập của người nông dân. Thực tế các giống chuyển gen vẫn đang lưu hành và canh tác trên thị trường song song với giống nền không biến đổi gen từ năm 2015.
Trên cơ sở đó, bà Đặng Ngọc Chi đề xuất: Bổ sung chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, công nhận đối với các tính trạng cải tiến (kháng sâu, kháng bệnh, chống chịu thuốc BVTV và chống chịu căng thẳng phi sinh học...) vào hai tiêu chuẩn DUS (TCVN 13382-2:2021) và VCU (TCVN 13381-2:2021) đối với cây ngô. Cân nhắc điều chỉnh yêu cầu về năng suất trong tiêu chí công nhận từ 10% xuống 5% trong tiêu chuẩn VCU đối với cây ngô (TCVN 13381-2:2021).
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NNPTNT) khẳng định, sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt đã mở ra một cách nhìn mới, đưa ra các quy định mới trong quá trình công nhận giống cây trồng.
Theo bà Hiên, Luật đã điều chỉnh các quy định quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và năng lực quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian và và chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý chặt chẽ, giảm thiểu rủi ro cho sản xuất và người sử dụng, tạo sự công bằng trong kinh doanh.
Các quy định tại Luật đã từng bước tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các yêu cầu về chất lượng đối với giống cây trồng, chuyển dần từ việc tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số hoạt động. Ngoài ra, công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm cũng đã được quy định xã hội hóa, giảm áp lực cho cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục công nhận giống.
Tuy nhiên, bà Hiên cũng đề xuất 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, gồm: Công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính.
Bà Nguyễn Thị Mai Hiên thông tin, hiện nay có giống lúa, giống ngô chũng ta đã hoàn thiện được toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, sử dụng, khai thác, sản xuất và kinh doanh. Thời gian tới đề nghị sớm ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các giống cây trồng nông nghiệp chính là cà phê, cam, bưởi, chuối.
“Trong quá trình thực hiện có những tiêu chuẩn, quy chuẩn nào chưa phù hợp thì chúng ta đề xuất điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.