Hơn một năm đã trôi qua, nhưng hẳn nhiều người vẫn chưa hết rùng mình và căm phẫn đối với Đỗ Thị Kim Duân (sinh năm 1974, trú tại xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) - kẻ đã dùng kim khâu lốp đâm ngập đầu bé trai mới 40 ngày tuổi là con riêng của chồng.
Duân đã phải trả giá cho hành vi mất nhân tính của mình là bản án 12 năm tù về tội Giết người. Và hôm nay, cuộc trò chuyện mang tính chia sẻ, không có khoảng cách giữa nhà báo và phạm nhân, người đàn bà cuồng ghen này đã trải lòng về sự hối hận cũng như những điều sâu kín không có trong hồ sơ vụ án.
|
Đỗ Thị Kim Duân khóc ngất khi nhắc đến hai con |
"Đàn bà dễ có mấy tay"
Tôi tròn mắt ngạc nhiên, suýt hỏi anh cán bộ quản giáo có sự nhầm lẫn nào không, vì nữ phạm nhân vừa được đưa tới phòng trực gặp tôi khác hẳn với Đỗ Thị Kim Duân ở phiên xử hôm nào.
Phải nói ngay rằng Duân trước mặt tôi là người đàn bà có ngoại hình khá với chiều cao khoảng 1,65m, khuôn mặt ưa nhìn và nước da trắng hồng. Đối diện với Duân không ai có thể nghĩ đấy là một người đàn bà cuồng ghen đã, từng thực hiện tội ác gây công phẫn dư luận.
Tôi vẫn nhớ, trong phiên xét xử ngày 16-6-2010 tại TAND tỉnh Thái Nguyên, tội ác của Đỗ Thị Kim Duân một lần nữa được nhắc lại qua hệ thống loa khiến không ít người tham dự phiên tòa sởn gai ốc và dồn sự căm phẫn vào người phụ nữ có hành động dã man này.
Vì phát hiện chồng mình là anh Lê Mạnh Hồng quan hệ tình cảm và có con với chị Nguyễn Thị Thanh (ở xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), sáng 6-11-2009, Duân đã rủ chị dâu là Nguyễn Thị Hương đi xe máy đến nhà chị Thanh để làm rõ mối quan hệ ngoài luồng của chồng.
Tại nhà chị Thanh, chị Thanh thừa nhận "xin" anh Hồng đứa con là cháu Nguyễn Nhật Minh mới được 40 ngày tuổi. Trong lúc Duân bế cháu Nhật Minh thì nhận được điện thoại của chồng. Duân vừa nghe máy vừa bế cháu Nhật Minh vào bếp. Bị chồng chửi mắng, Duân uất ức lấy chiếc kim khâu lốp sắc nhọn, dài gần 10cm trên mặt bàn bếp ga đâm thẳng vào phần thóp trên đầu cháu Nhật Minh. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Đỗ Thị Kim Duân 12 năm tù về tội Giết người.
Uẩn ức khó giãi bày
Duân kéo ghế ngồi nép mình trong căn phòng nhỏ, hai bàn tay ôm khuôn mặt đầm đìa nước mắt cúi gằm: "Chuyện đã qua, tôi không muốn nhắc lại nữa". Rồi, nhận thấy sự thông cảm và chia sẻ nơi tôi, Đỗ Thị Kim Duân đã trở nên bình tĩnh.
"Gia đình tôi từng đoạt giải gia đình văn minh hạnh phúc do UBND xã Liên Hà tổ chức. Tôi lấy chồng năm 1992. Suốt năm suốt tháng tôi bận rộn trồng cấy, nội trợ, rảnh thì đánh giấy ráp kiếm tiền lo cho con ăn học. Còn anh Hồng thì ra ngoài làm thuê. Vợ chồng tôi không giàu nhưng có cuộc sống ổn định. Hai đứa con trai bụ bẫm chăm ngoan, học giỏi luôn tiếp thêm cho tôi sức khoẻ, tinh thần để chăm sóc gia đình.
Nhưng anh Hồng là người ngang tàng, hay cờ bạc rượu chè. Anh ấy từng có ý định ra nước ngoài để nhanh giàu mà không vất vả nhưng không thành. Anh ấy hay kiếm cớ đánh đập tôi, thậm chí có lần tôi bị anh ấy lột quần áo ra đánh và lu loa để mọi người nhìn thấy. Vì hai đứa con và sợ người thân của mình buồn, tôi nín nhịn. Chuyện càng trở nên nặng nề vào năm 2008 vì anh ấy ít về nhà, ít đưa tiền cho tôi dù nơi làm thuê cách nhà không xa. Thỉnh thoảng anh ấy về thì hay nổi cáu và tôi lại bị đòn.
Thế rồi một dạo cả làng tôi um lên tin đồn chồng tôi có "bồ" từ câu chuyện tếu của một số người ra ngoài làm thuê. Tôi chắp nối thông tin ấy với thái độ của chồng thì thấy ăn khớp. Tôi định bụng đợi anh ấy về sẽ hỏi cho ra nhẽ. Điều tôi không thể ngờ được là khi tôi còn vòng vo chưa dám nói thẳng thì anh Hồng đã trơ tráo tuyên bố về cô "bồ" của mình. Và anh ấy đi, có khi 3 tháng mới tạt về.
Sự uất ức quá sức chịu đựng khiến tôi phải lần mò đi tìm người đàn bà ấy là vì trong những lần về nhà ít ỏi và ngay cả lúc nằm bên tôi, anh Hồng vẫn ngang nhiên nghe điện thoại của chị Thanh và găm nghìn mũi kim vào trái tim tôi với những câu đại loại như: "Chẳng nhớ em thì nhớ ai. Cẩn thận với cục vàng của anh trong bụng đấy...". Tôi có phải gỗ đá đâu mà lặng im được. Đáp lại những câu nói của tôi là những trận đòn bầm người tím mặt".
Sám hối
Giờ đây, giữa bộn bề những khoảng sáng tối của quá khứ, của lương tâm con người được tìm lại sau tội ác nhức nhối, có lẽ Duân đã thực sự hối hận: "Tôi không bao biện cho hành động của mình, cũng không dám mong được người đời tha thứ vì chính tay tôi đã gây nên tội. Nhưng thực lòng, tôi không bao giờ nghĩ làm hại hay giết mẹ con chị Thanh.
Cuộc điện thoại với những lời chửi rủa xúc phạm của anh Hồng đã đẩy nỗi u uất trong tôi lên đỉnh điểm biến thành tội ác. Cho đến giờ phút này, tôi vẫn không lý giải được vì sao lúc đó tôi lại hành động như vậy. Tôi đành hiểu đơn giản để tự an ủi mình rằng, con người ta, khi ghen tuông, có lẽ cơn nóng giận quay lại thời thú mang hình người".
Duân ngửa mặt ngăn những giọt nước mắt: "Khi tỉnh lại là mình, tôi ân hận vô cùng. Tôi cũng là người mẹ và ở khía cạnh người mẹ, tôi hiểu nỗi đau của chị Thanh. Đứa bé đâu có tội mà phải chịu hậu quả đau đớn này. 9 ngày liền trong buồng giam tôi không ăn ngủ được, sau đó trở nên thân tàn ma dại.
Nếu cháu Nhật Minh chết, không ai xử thì tôi cũng không sống được. Khi biết cháu qua được, tôi mới cố gắng trở dậy để đối mặt với tội lỗi và còn vì hai núm ruột của mình. Không phải bây giờ mà ngay lúc đó tôi nghĩ chúng sẽ trở nên bơ vơ dù còn bố ngoài đời. Giờ đây, hầu như anh ấy ở Thái Nguyên, hai con tôi chủ yếu do bên ngoại chăm nom".
Đưa tay mân mê cành đào rừng nho nhỏ chi chít những nụ hồng chúm chím trong phòng trực của quản giáo, nước mắt Duân lại trào ra: "Tết này là Tết thứ hai các con tôi sống cảnh côi cút. Chúng ngoan và học giỏi. Đấy chính là nỗi trăn trở, đau đớn nhất đối với tôi. Tôi vốn không thích các từ "nếu" và "giá như", nhưng nếu được trở về cái ngày 16-11 nghiệt ngã, tôi sẽ không đến ngôi nhà của người đàn bà lỡ thì ấy, càng không vồ lấy chiếc kim, bởi cháu Nhật Minh vô tội, còn hai kẻ lăng loàn kia không đáng để tôi phải trả giá đắt đến thế này".
Chiều muộn. Duân lặng lẽ trở về buồng giam với đôi mắt đỏ hoe...
Theo Đời sống & pháp luật
Vui lòng nhập nội dung bình luận.