Trên một chuyến tàu về nhà sau chuyến công tác, tôi gặp hai vị khách người miền Nam. Biết tôi người Huế, họ nhờ “tư vấn” để hiểu kỹ hơn về người và đất xứ thần kinh. Họ bảo: Gái Huế có duyên nhưng khó gần…
Gặp cô gái Huếchân đi không đành
Không mấy ai bảo con gái Huế đẹp, sắc sảo, mặn mà… mà chỉ nói những cô gái Huế duyên… Vì cái duyên đó mà không biết bao nhiêu chàng trai đến Huế rồi cũng chẳng muốn đi đâu nữa, như câu ca dao quen thuộc “Học trò xứ Quảng ra thi/Gặp cô gái Huế chân đi không đành”.
Hình ảnh cô gái Huế với mái tóc thề, tà áo dài tím, với nét dịu dàng thướt tha… đã được khắc họa qua nhiều thơ ca, nhạc họa. Hầu như người ta “mặc định” rằng áo dài và màu tím chỉ để dành cho phụ nữ Huế. Ở Huế mấy chục năm, chiều chiều tôi lại muốn thả hồn mình theo dọc các con đường ven sông Hương, chỉ để lặng lẽ ngắm những cô nữ sinh Đồng Khánh, Quốc Học trong tà áo dài trắng tinh khôi tản ra mọi nẻo đường khi tan học.
Nghệ nhân Hồ Thị Hoàng Anh thực hiện mâm cỗ Tết Huế. Ảnh: Hoàng Thụy
Dịp Festival Huế năm nào cũng có lễ hội áo dài, với sự tham gia biểu diễn của nhiều người mẫu nổi tiếng trong nước. Nhưng phần đông khán giả lại mẩn mê với các cô nữ sinh xứ Huế chỉ trong vai “mẫu phụ”. Trong một lần trò chuyện về thương hiệu áo dài, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhấn mạnh rằng: chỉ có dáng đi thướt tha, cốt cách và thần thái của gái Huế mới gợi tả được nét đẹp của tà áo dài. Cũng với “thương hiệu” này mà UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang quy hoạch xây dựng một Không gian trưng bày và trình diễn áo dài. Chính ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh cũng có thư ngỏ kêu gọi các nữ cán bộ viên chức, giáo viên, học sinh mặc áo dài truyền thống để góp phần bảo tồn “nét Huế”.
Theo thống kê, trong số gần 3.000 món ăn của Việt Nam, có đến khoảng 1.700 món ăn của Huế. Chỉ điều này cũng cho thấy phụ nữ xứ này dày công như thế nào trong chế biến ẩm thực. Nhiều nữ nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng của Huế cũng đã khẳng định được “thương hiệu” như nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Như Huy, nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà, giám khảo Vua đầu bếp Phan Tôn Tịnh Hải… Nhiều chuyên gia ẩm thực nhận định Huế xứng đáng là “bếp ăn thế giới”!
|
Ngọt ngào tiếng dạ, thưa...
Cái duyên của người Huế tinh tế trong từng ngữ âm. Tiếng dạ tiếng thưa ngọt ngào, mềm mại mà sâu lắng khi âm điệu kéo dài khiến đối phương ấn tượng khó quên về cô gái Huế từ đầu gặp gỡ. Người miền Bắc dứt khoát tiếng vâng để biểu hiện sự đồng ý, đồng tình; người miền Nam với tiếng thưa để thể hiện sự kính trọng; còn tiếng dạ của o gái Huế lại được thể hiện ở nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau: Dạ đồng ý, dạ phản đối, đúng dạ mà sai cũng dạ, được khen cũng dạ, trách móc cũng dạ…, và giao tiếp với người lạ thì dạ càng nhiều hơn. Cũng tiếng dạ đó mà khiến nhiều người xa quê cảm thấy da diết. Cũng tiếng dạ từ buổi đầu gặp gỡ ấy mà se duyên cho bao đôi lứa.
Cái duyên của Huế không theo diễn tiến của quy luật thông thường: Gặp gỡ, quen, thân, kết. Đôi lúc chỉ mới gặp nhau đã kết; nhưng cũng có nhiều cuộc gặp mà mãi mãi không thể quen. Dịu dàng, đằm thắm mà trầm tư, kín đáo… và cũng khá dè dặt. Có lẽ vậy mà vị du khách kia bảo con gái Huế khó gần.
Gần nhớ, xa thương
Huế ở để nhớ, xa để thương. Tôi có anh bạn đã lớn tuổi sống ở Thủ đô, thỉnh thoảng anh có dịp ghé Huế công tác, và lần nào anh cũng một mình trở lại con đường ngang qua cổng nhà một “người quen”. Anh bảo chỉ là tìm lại chút ký ức về o gái Huế năm xưa.
Huế chậm rãi, nhẹ nhàng và sâu lắng như chính con nước dòng Hương thơ mộng. Và người con gái Huế cũng dịu dàng, nhẹ nhàng đến mức “mềm mại”. Bạn tôi nhiều lúc còn đùa rằng: nghe “chửi kiểu Huế” mà như tưởng đang thưởng thức... ngâm thơ.
Nữ sinh trường Quốc học Huế. Ảnh: HOÀNG HẢI
Nhưng nét dịu dàng pha lẫn trầm tư ấy chỉ là nét duyên “nổi” của những lần gặp gỡ, xã giao. Còn giữ được cái duyên qua được hàng thế kỷ chính là tính cách và lối sống của những phụ nữ Huế.
Có lần tôi tiếp đón một đoàn khách từ miền Nam đến Huế du lịch, họ nhận xét rằng phụ nữ Huế cam chịu. Tôi đã phản biện lại: Không phải họ cam chịu mà là đang nhường nhịn và biết lắng nghe đối phương. Nói hy sinh, chịu đựng thì to tát, nhưng phụ nữ Huế biết chu toàn việc nhà cửa, nuôi dạy con cái, còn chồng chỉ lo công việc chuyên môn. Họ đảm đang và chu đáo trong âm thầm, lặng lẽ. Chính vì thế, nhiều chàng trai mong cưới được cô gái Huế làm vợ, nhưng cũng lắm người e ngại vì sự thầm kín, sống nội tâm của phụ nữ chốn thần kinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.