Giữ được rừng, rừng cho… tiền tỷ!

Phan Phương Thứ tư, ngày 17/05/2017 09:32 AM (GMT+7)
Chính quyền và người dân xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) rất tự hào vì hàng chục năm qua họ đã bảo vệ rất tốt rừng dẻ rộng gần 2.000ha của mình… Với họ, giữ được rừng dẻ không chỉ là giữ được “túi tiền, hũ gạo” của mình mà còn giữ lại cho đời sau một môi trường sống tốt tươi…
Bình luận 0

Quyết sách giữ rừng

Ông Biền Ngân – Bí thư Đảng ủy xã Quảng Lưu đích thân dẫn chúng chúng tôi vào thăm cánh rừng dẻ ken dày, xanh ngút ngàn rộng gần 2.000ha của xã. Thấy chúng tôi ngạc nhiên vì ở gần khu dân cư mà lại có một cánh rừng dẻ đẹp, xanh tốt đến như vậy, ông Ngân nói: “Đó là công sức của cả tập thể chính quyền và người dân xã Quảng Lưu trong suốt hơn 20 năm qua đó. Nói không ai tin, cánh đây hơn 20 năm về trước, cánh rừng dẻ này chỉ là những quả đồi trọc…”.

img

Các thành viên đội bảo vệ rừng dẻ Quảng Lưu thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng dẻ.  Ảnh: P.P 

Từ khi giữ được rừng dẻ tốt xanh, Quảng Lưu và những vùng xung quanh không còn cảnh hạn hán, lũ lụt, năng suất cây trồng nhờ thế cũng tăng lên hàng năm. Thực sự bây giờ chính quyền và người dân Quảng Lưu đã con rừng dẻ như kho báu của xã vậy”.

Ông Biền Ngân 

Theo lời kể của ông Biền Ngân, những năm thời bao cấp khó khăn đó, không chỉ người dân xã Quảng Lưu mà nhiều xã lân cận như Quảng Tiến, Quảng Thạch và Quảng Châu… tràn vào rừng dẻ tàn phá không thương tiếc. Người bắt thú, kẻ đốt than, người bổ củi, kẻ đốn gỗ, không ngày nào im tiếng búa chặt cây…

Rừng dẻ bị phá tan hoang, nên hầu như năm nào Quảng Lưu cũng bị mất mùa do lũ quét và khô hạn vì không giữ được nguồn nước. Trước thực trạng Đảng bộ và chính quyền xã Quảng Lưu đã xác định chỉ có cách hồi sinh rừng dẻ. Năm 1990, sau nhiều lần họp bàn, Đảng uỷ xã Quảng Lưu đã ra hẳn một nghị quyết đóng cửa rừng, không cho một người dân nào vào chặt đốn cây dẻ và làm nương rẫy nữa.

Theo ông Ngân, ngày đó “đóng cửa rừng” cũng đồng nghĩa với việc “úp nồi cơm của dân lại”. Vì toàn xã chỉ có 541ha đất sản xuất nông nghiệp, trong khi đất rừng và rừng lâu nay vẫn là một nguồn để nuôi sống hơn 6.000 dân. Lệnh “cấm rừng” được ban ra, những ai phá rừng nếu là cán bộ, đảng viên thì bị xử lý thật nặng; nếu là quần chúng thì chính quyền xã, thôn dành nhiều thời gian để khuyên giải…

Để có lực lượng bảo vệ rừng dẻ, sau lệnh cấm rừng, lãnh đạo xã đã thành lập đội bảo vệ rừng gồm 12 người, chia thành 2 tổ thay phiên nhau tuần tra. Đánh giá về đội bảo vệ rừng ngày ấy ông Biền Ngân nói: “Ngày đó xã chỉ đủ sức trả cho mỗi người được 200.000 đồng/tháng nhưng anh em đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm thay phiên nhau bảo vệ tốt rừng dẻ. Hiện nay, trước tình hình mới và nhiều thành viên trong đội bảo vệ rừng ngày ấy đã già, nên xã đã thành lập một tổ bảo vệ rừng mới do ông Phan Anh Tuấn – Trưởng Công an xã làm tổ trưởng, tuy nhiên một số thành viên của đội vẫn là những người dân giàu lòng yêu rừng đó. Chúng tôi thật sự mang ơn họ, nếu không có họ, sẽ không có rừng dẻ như hôm nay”.

Ông Nguyễn Văn Hợp - một trong những người bảo vệ rừng ngày ấy, chia sẻ: "Lắm lúc bắt được người phá rừng, bọn tui còn phải... thủ thỉ hầu chuyện với họ cả buổi rồi cho họ về. Cứ rứa mà người ni đến người khác, tốp ni đến tốp khác, hết tháng ni đến năm khác... rồi người dân mô ở xã Quảng Lưu ni cũng được bọn tui tuyên truyền và họ đều hiểu ra  về cái lợi lâu dài của rừng".

Kho báu của xã

Có lẽ, không ai thấm và hiểu được lợi ích mà rừng dẻ đã đem lại bằng vợ chồng ông Phan Văn Nam và bà Lê Thị Tuyết, ở thôn Vân Tiền. Vợ chồng ông Nam sau ngày cưới không có một tấc đất cắm dùi, đành dìu nhau lặn lội lên vỡ đất dưới khe cạnh rừng dẻ để làm ăn. Đúng vào lúc xã cấm rừng, vợ chồng ông  xung phong tự nguyện nhận bảo vệ hơn 24ha rừng dẻ.

Những tháng năm đầu, ông Nam lấy cây khoai, cây lúa trồng được làm cái ăn cho "công cuộc giữ rừng" của mình. Khi rừng dẻ bắt đầu hồi sinh trở lại xanh tốt, rồi lớn lên và cho hạt, ông lấy việc nhặt hạt dẻ làm kế mưu sinh. Đến nay, mỗi năm vào mùa cây dẻ cho hạt, ông và vợ con nhặt được đều đặn khoảng gần nửa tấn hạt, bán thu về gần chục triệu đồng. Số diện tích dưới chân rừng dẻ trước đây mà ông khai hoang được, ông làm đơn xin giao hẳn để chăn nuôi trồng trọt. Bây giờ, dưới chân rừng dẻ, vợ chồng ông đã  có một cơ ngơi gồm nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi bò và dê, ao cá, vườn tiêu hàng trăm góc cùng nhiều loại cây ăn quả khác.

Cũng như vợ chồng ông Nam, nhiều người dân Quảng Lưu khác sống gần rừng dẻ cũng tự nguyện đứng ra bảo vệ rừng dẻ và họ được đáp lại bằng những mùa quả sum suê…

Bây giờ người dân Quảng Lưu và cả ở các xã lân cận đã coi nguồn thu từ hạt dẻ là quan trọng. Mùa dẻ rụng hạt, trong rừng ngày nào cũng có trên, dưới 2.000 người vào nhặt. Ông Biền Ngân cho biết: Theo thống kê mà UBND xã có được, sản lượng hạt dẻ người dân trong xã thu nhặt được mỗi năm là trên 100 tấn. Với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, toàn xã có số tiền hơn 2 tỷ đồng. "Thực ra con số này không phản ánh đầy đủ, hoặc còn thấp hơn nhiều so với con số thực mà người dân trong xã có được. Chưa kể số tiền mà người dân ở các xã khác có nữa, cũng không thấp hơn của người dân Quảng Lưu"- ông Ngân khẳng định.

Theo ông Ngân, hạt dẻ chưa phải là nguồn thu duy nhất của rừng dẻ. Nhiều năm qua, rừng dẻ Quảng Lưu còn là một kho thuốc Nam quý để nhiều người vào rừng tiềm kiếm. Nhiều người hiểu biết về cây thuốc Nam cho biết, rừng Quảng Lưu hầu như có đầy đủ các loại cây thuốc vào loại quý như: Giảo cổ lam, hà thủ ô, thổ phục linh, bổ cốt toái… Chưa hết, khi rừng dẻ hồi sinh, mỗi mùa ong mật, người dân cũng thu được hàng trăm lít mật ong…  

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem