Giữ rừng, rừng cho lộc

Lê San Thứ sáu, ngày 27/06/2014 09:19 AM (GMT+7)
Cuối năm 2013, 14 hộ dân tại bản Na Hai 1, xã Pom Lót, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã rủ nhau phá hơn 8ha rừng sản xuất tại khu vực Huổi Cô Sản và Púng Min.
Bình luận 0

Trưởng bản Nà Hai 1 Lò Văn Thiêm phân bua rằng: “Các hộ dân phá rừng cũng chỉ vì nghèo quá thôi. Cả xã có 85 hộ nghèo thì bản Na Hai chiếm tới một nửa, phần lớn bị thiếu đói khi giáp hạt. Mà có muốn làm ăn thoát nghèo cũng khó vì cả bản chỉ có khoảng 9ha ruộng nước, nhưng chủ yếu là ruộng bậc thang, năng suất thấp chỉ đạt khoảng 25 – 30 tạ/ha/năm (trung bình các xã trong huyện đạt 65-70 tạ/ha)”.

Sau nhiều ngày tuyên truyền, vận động, thuyết phục, bà con Na Hai 1 đã nhận thức được lợi ích mà rừng mang lại và việc phá rừng là sai, có thể bị đi tù... Tới nay, nhờ sự quyết tâm của dân bản cùng với sự hỗ trợ, hướng dẫn quy trình đào hố, cách thức trồng rừng, đặc biệt là tư vấn chọn cây keo đưa vào trồng của các cán bộ kiểm lâm, nên chỗ rừng bị đốt phá đã được trồng lại. Không chỉ các hộ phá rừng mà các hộ sống gần rừng cũng đều tự nguyện góp công, góp tiền để mua cây keo giống trồng lại những diện tích đã phá trước đó.

Anh Tòng Văn Dinh (sinh năm 1976), người nhận trồng phục hồi 4.600m2 rừng cho biết: “Tôi không tham gia chặt phá rừng làm nương rẫy nhưng khi được cán bộ xuống tuyên truyền, tôi đã nhận trồng 2 lô, với 750 cây keo, tổng số tiền đầu tư là hơn 11 triệu đồng. Để có tiền mua cây keo giống, gia đình tôi đã phải bán gà, bán thóc và huy động tất cả các thành viên trong nhà đi phát dọn thực bì, cuốc hố, trồng cây”. Theo lý giải của anh Dinh, trồng rừng sẽ có cơ hội thoát nghèo, vì vài năm nữa rừng keo này sẽ cho thu hoạch gỗ và khi ấy gia đình anh sẽ có một khoản tiền lớn để đầu tư phát triển chăn nuôi và sửa nhà…

Ông Thàm Văn Nọi - cán bộ kiểm lâm huyện Điện Biên chia sẻ: “Rất may là sau quá trình thuyết phục, vận động, bà con đã nhận thức đúng về vai trò quan trọng của rừng đối với cuộc sống. Từ bài học này, chúng tôi đã tiến hành tuyên truyền rộng khắp cho các thôn, bản, xã có rừng trong huyện để bà con cùng nhau giữ và bảo vệ rừng, tránh tình trạng xâm hại rừng, phá rừng làm nương như đã xảy ra với bản Na Hai 1”.

Không những thế, để bà con có thêm lương thực khi trồng lại rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên và UBND xã Pom Lót đã nhất trí sau khi hoàn thành việc trồng rừng sẽ để bà con gieo lúa nương một vụ trong năm 2014 trên diện tích rừng trồng để có thêm lương thực và thuận lợi cho việc chăm sóc rừng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem