Lâu nay người ta đã quen với việc: Cháy rừng - gọi kiểm lâm, phát hiện phá rừng trái phép - gọi kiểm lâm… Vì vậy, kiểm lâm đương nhiên là chủ rừng và bảo vệ rừng là nhiệm vụ của kiểm lâm...
|
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Mộc Châu trao đổi công tác bảo vệ rừng với lãnh đạo các xã trọng điểm có rừng. |
Làm rõ trách nhiệm chủ rừng
Anh Đào Mạnh Phong - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu, tâm sự: "Cũng vì quan niệm sai lệch ấy nên công tác bảo vệ, phát triển vốn rừng trong nhiều năm qua gặp không ít khó khăn. Nhiều cánh rừng đã bị tàn phá bởi "giặc lửa" và nạn khai thác bừa bãi của con người.
Đi kèm với đó là tình trạng rừng nghèo gỗ, chim muông, các loài thú cũng mất dần, thậm chí tuyệt chủng. Những năm gần đây chúng tôi tập trung cao cho việc giữ rừng, phát triển vốn rừng bằng việc thay đổi nhận thức, trách nhiệm của chủ rừng”.
Sau khi kiểm tra tại 29/29 xã, thị trấn trong huyện, Hạt Kiểm lâm huyện Mộc Châu đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức lớp tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng cho các đối tượng là chủ tịch, phó chủ tịch UBND, trưởng công an, xã đội trưởng, cán bộ địa chính, lâm nghiệp các xã. Buổi tập huấn cho thấy trách nhiệm của các chủ rừng vẫn còn "lơ mơ” lắm. Mà lo nhất là sự lơ mơ ấy lại bắt đầu từ chính cán bộ chủ chốt của xã.
Anh Mùi Văn Nung - Chủ tịch UBND xã Quy Hướng - xã có gần 10.000ha đất rừng, tâm sự: “Dự lớp tập huấn, tôi thấy rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng, chính quyền sở tại nói chung và chủ tịch xã nói riêng. Buổi tập huấn cũng làm rõ nội dung của Nghị định 99, 74 của Chính phủ và các thông tư liên bộ, ngành; hướng dẫn xử lý tình huống khi phát hiện vi phạm...”.
Còn anh Vì Văn Suối - Chủ tịch xã Hua Păng, thành thật: “Cán bộ xã mà không nắm được những nội dung này thì khi xử lý tình huống sẽ lúng túng, thậm chí làm sai, bỏ sót tội phạm, vô tình trở nên thiếu trách nhiệm trước rừng…
Đưa thông tin tới người dân
Mộc Châu là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Sơn La, với nhiều địa bàn giáp ranh với Thanh Hoá, Hoà Bình, và nước bạn Lào; có các tuyến đường bộ, đường thuỷ thuận lợi nên hoạt động chống buôn bán, vận chuyển, khai thác trái phép lâm sản gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều năm nay, rừng ở Chiềng Khoa không bị cháy, bị xâm chiếm, khai thác trái phép nữa. Nhờ vậy chúng tôi cũng không bị lũ đột ngột như trước.
Anh Lò Văn Hiệu (bản Mường Khoa, xã Mường Khoa, huyện Mộc Châu)
Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc trong huyện chủ yếu canh tác trên đất nương nên việc bảo vệ mốc giới rừng - nương rẫy và phòng cháy, chữa cháy cũng là thách thức lớn, nhất là vào mùa gió Lào - đúng mùa đốt nương. Nếu cháy rừng thì mấy chục kiểm lâm viên của huyện có liều mình dập lửa cũng chỉ như "đá ném ao bèo".
Xác định giữ được rừng phải dựa vào dân là chính, 4 năm nay Hạt Kiểm lâm đã tổ chức hàng nghìn hội nghị về quản lý, bảo vệ rừng ở xã, bản, tiểu khu với sự tham gia của gần 90.000 lượt cán bộ, người dân.
"Mưa dầm thấm sâu" là giải pháp thay đổi nhận thức chủ rừng được Hạt Kiểm lâm chú trọng. Hàng năm, hạt in ấn khoảng 300 đĩa CD phát cho các bản, tiểu khu có rừng.
"Hàng ngày, loa truyền thanh của bản sau khi phát tin thời sự, là phát đĩa CD này. Bà con nghe nhiều cũng hiểu thêm. Chính tôi cũng rõ hơn về trách nhiệm của mình với rừng và tích cực tham gia trồng rừng cùng xã, bản" - anh Vàng A Lử ở bản Hin Pén, xã Chiềng Sơn nói.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.