“Giữ trọn lời thề đảng viên” có tác động tích cực tới đời sống đồng bào Chăm ở Bình Thuận (Bài cuối)

Bùi Phụ Chủ nhật, ngày 19/03/2023 20:31 PM (GMT+7)
Thông qua đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”, nhiều xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhân dân trong xã tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội.
Bình luận 0

LTS: Đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề "Giữ trọn lời thề Đảng viên" được triển khai thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua đó, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. PV Dân Việt đã tham dự những buổi sinh hoạt này để ghi nhận không khí trang trọng, nghiêm túc nhưng cũng rất ấm áp tình đồng chí.

Đảng viên phải tự soi lại mình

Trao đổi với Dân Việt, ông Tiêu Hồng Phúc - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận khẳng định, đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên” yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên tự rà soát, soi rọi, nhìn nhận, đánh giá lại quá trình thực hiện lời tuyên thệ trước cờ Đảng, lời hứa trước cơ quan, tổ chức, nhân dân khi được kết nạp Đảng, khi nhận nhiệm vụ do được đề bạt, bổ nhiệm, bầu cử...”.

Bài 2: “Giữ trọn lời thề đảng viên” tác động mạnh vào phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Ông Tiêu Hồng Phúc – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận tại lễ phát động đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”. Ảnh: Bùi Phụ

Cũng theo ông Tiêu Hồng Phúc, đợt sinh hoạt chính trị lần này được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở trong toàn tỉnh từ ngày 1/2/2023 đến ngày 19/5/2023, với yêu cầu đặt ra là mỗi cá nhân nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về niềm vinh dự, tự hào, danh dự và trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên cộng sản đối với lời tuyên thệ trước cờ Đảng, lời hứa trước tổ chức và nhân dân.

Cụ thể, đối với đảng viên giữ chức vụ sẽ xây dựng báo cáo tự rà soát, soi rọi, nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, phấn đấu, thực hiện lời tuyên thệ gắn với kết quả thực hiện lời hứa của đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý khi được bổ nhiệm, ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội và hành trình tự soi, tự sửa của bản thân; Xác định những giải pháp để phát huy hiệu quả năng lực lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Đối với đảng viên không giữ chức vụ sẽ xây dựng báo cáo tự rà soát, soi rọi, nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, phấn đấu, thực hiện lời thề và hành trình tự soi, tự sửa của bản thân.

“Đảng viên phải xác định giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, khắc phục những khó khăn để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị được giao…”, ông Tiêu Hồng Phúc nhấn mạnh.

Đa dạng hóa hình thức sinh hoạt

Theo ghi nhận của Dân Việt, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận là một trong những đơn vị tổ chức nghiêm túc đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”.

PV cũng đã trực tiếp tham dự những đợt sinh hoạt này với Hội Dân dân tỉnh Bình Thuận và mỗi lần mỗi cảm giác khác nhau, nhất là những đảng viên chuẩn bị đọc lại lời thề mà cụ thể là đảng viên người Chăm, anh Lư Văn Năm (sinh hoạt tại chi bộ Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận.

Những đảng viên có mặt đều chuẩn bị trước cho mình những bộ trang phục đẹp nhất khi đứng trước các đồng nghiệp và đọc lời thề như anh Lư Văn Năm…

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, tất cả các đảng viên trong chi bộ, ai cũng ý thức được tầm quan trọng này nên chuẩn bị bản kiểm điểm rất chu đáo. 

Ngoài hình thức tổ chức đồng loạt ở chi bộ trong đợt sinh hoạt chính trị này, còn có tổ chức các hình thức như: Tổ chức tọa đàm, diễn đàn, hội thảo về vai trò, vị trí, ý nghĩa của lời tuyên thệ trong quá trình rèn luyện, phấn đấu, cống hiến của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt là tổ chức các hoạt động giao lưu với đảng viên cao tuổi Đảng, đảng viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực, gương điển hình trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Tổ chức các hoạt động “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho nhân dân; gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi các đồng chí đảng viên lão thành.

Bài 2: “Giữ trọn lời thề đảng viên” tác động mạnh vào phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Phú Hoàng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận. Ảnh: HND Bình Thuận

Lời thề cũng là sự đền ơn đáp nghĩa 

Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận tổ chức các hoạt động cảm hóa, chấn chỉnh đảng viên có biểu hiện đi ngược lại lời tuyên thệ của chính mình, có nhận thức lệch lạc, loại bỏ các quan điểm và hành động trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp đối tượng thay đổi nhận thức, phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giảm thiểu các nguy cơ sai phạm. Đồng thời tổ chức biểu dương, tuyên dương, khen thưởng các đảng viên tiêu biểu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị…

Bài 2: “Giữ trọn lời thề đảng viên” tác động mạnh vào phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 4.

Chị Qua Thị Kim Vân (SN 1983, người dân tộc Chăm), Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc huyện Tuy Phong. Ảnh: Bùi Phụ

“Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đảng viên trực thuộc, phải chịu trách nhiệm về chất lượng đợt sinh hoạt chính trị với quyết tâm chính trị cao nhất. Từ đó, phấn đấu 100% đảng viên trong toàn Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận tự soi rọi, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện lời thề trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành của bản thân…”, ông Nguyễn Phú Hoàng nói.

Trao đổi với Dân Việt, chị Qua Thị Kim Vân (SN 1983, người dân tộc Chăm) - Đảng viên, hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết, ngay sau khi nhận thông báo từ cơ quan cấp trên về đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”, bản thân chị xem đây là cơ hội để nhìn lại chính mình.

“Xã Phú Lạc 100% người dân tộc Chăm, đa số bà con nông dân trong xã sống bằng nghề nông, còn tôi là chủ tịch Hội Nông dân xã nên cần phải thực hiện tốt nhiệm vụ của mình với cơ quan và gia đình thì đi tuyên truyền các chính sách của Đảng và Nhà nước thì bà con nông dân mới tin. Nhờ đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”, tôi đã tự soi lại chính mình và những gì tôi chưa thực hiện sẽ cố gắng thực hiện. Việc gì thực hiện rồi, sẽ cố gắng làm tốt hơn...”, chị Qua Thị Kim Vân chia sẻ.

Bài 2: “Giữ trọn lời thề đảng viên” tác động mạnh vào phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào Chăm ở Bình Thuận - Ảnh 5.

Anh Kinh Văn Tập, một nông dân người Chăm ở xã Phú Lạc huyện Tuy Phong trồng táo trong nhà lưới. Ảnh: Bùi Phụ

Cũng theo chị Qua Thị Kim Vân, nhờ sự tin tưởng vào các chính sách của Đảng và Nhà nước, nên thời gian qua bà con nông dân trên địa bàn xã Phú Lạc, đã áp dụng được kỹ thuật nông nghiệp và chuyển đổi số trong việc trồng táo chất lượng cao. Nhờ đó mà thu nhập bà con nông dân trên địa bàn rất ổn định.

Tiếp xúc với Dân Việt, anh Kinh Văn Tập, một nông dân người Chăm ở xã Phú Lạc cho biết, nhờ Hội Nông dân xã Phú Lạc tư vấn chuyển phần đất nông nghiệp chuyển trồng táo trong nhà lưới. Hiện tại thu nhập gia đình anh rất ổn định. Mỗi sào táo, sau khi trừ thu nhập lãi khoảng 50 triệu đồng…

Theo ông Huỳnh Tấn Sinh - Chủ tịch UBND xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong), cư dân trên địa bàn 100% là đồng bào Chăm, chủ yếu làm nông nghiệp. Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Lạc phát huy nội lực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, mức sống của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an sinh xã hội được bảo đảm...

Thông qua đợt sinh hoạt chính trị “Giữ trọn lời thề đảng viên”, Đảng ủy xã Phú Lạc và chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhân dân trong xã tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội.

Ngoài trục đường chính, ở xã có 19 tuyến đường thôn - xóm đã được nhựa hóa, bê tông xi măng… Người dân trong xã thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, không xả nước ra đường gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển cây táo trên vùng đất hạn

Theo UBND huyện Tuy Phong (Bình Thuận), thời gian gần đây nhờ thị trường tiêu thụ táo mở rộng, giá cả ổn định, nhiều người dân huyện Tuy Phong đã tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích trồng táo. Tổng diện tích trồng táo trên địa bàn huyện Tuy Phong khoảng 60 ha, tập trung chủ yếu tại xã Phong Phú, Phú Lạc và Phước Thể. Năng suất đạt 4,2 tấn/sào/năm.

Theo ghi nhận của PV, nhiều hộ nông dân người Chăm xã Phú Lạc sau khi được Hội Nông dân các cấp tư vấn kỹ thuật đã mạnh dạn áp dụng trồng táo trong nhà lưới… Giống táo dây xanh trái nhỏ (từ 10 - 25 trái/kg), màu xanh vàng bóng, giòn và có vị ngọt thanh. Đặc điểm khí hậu Tuy Phong nắng nhiều, khô hanh gần như quanh năm rất phù hợp với cây táo.

Vài năm gần đây táo Tuy Phong được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ được mở rộng, người dân trong huyện tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích. Sản lượng tăng nên các thương lái nhiều nơi cũng tìm về thu mua để đem đi tiêu thụ tại các thị trường lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem