Giữa mùa khô mà nước sông Mekong dâng cao, liệu có phải do rối loạn hệ sinh thái, quy luật đảo lộn?

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 20/04/2022 13:55 PM (GMT+7)
Các đập thủy điện thượng nguồn xả nước làm mực nước sông Mekong dâng cao, giúp giảm hạn mặn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này có thể làm rối loạn hệ sinh thái, đảo lộn quy luật mùa khô và mùa mưa ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận 0

Nước sông Mekong dâng cao bất thường trong mùa khô

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở ĐBSCL là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie ở Campuchia.

Nước sông Mê Kông dâng cao trong mùa khô: Rối loạn hệ sinh thái, đảo lộn quy luật mùa khô và mùa mưa? - Ảnh 1.

Các đập thủy điện thượng nguồn xả nước làm mực nước sông Mekong dâng cao, qua đó giúp giảm hạn mặn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này có thể làm rối loạn hệ sinh thái, đảo lộn quy luật mùa khô và mùa mưa ở ĐBSCL. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo đó, cuối tuần qua, mực nước tại Kratie ở mức 8,10m, cao hơn mực nước trung bình nhiều năm (TBNN) 1,82m, cao hơn mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 0,78m, 0,4m, 1,01m và 0,6m.

Còn tại Biển Hồ, dung tích Biển Hồ hiện còn lại khoảng 2,21 tỷ m3, cao hơn dung tích TBNN 0,32 tỷ m3; cao hơn mùa khô 2015-2016, 2017-2018, 2019-2020 và 2020-2021 lần lượt là 0,79 tỷ m3, 0,23 tỷ m3, 0,79 tỷ m3 và 0,47 tỷ m3. Tại trạm Chiang Saen (Thái Lan), mực nước đạt 2,74m, cao hơn TBNN 1,21m…

Tại Việt Nam, mực nước tại trạm Tân Châu (sông Tiền) đạt 1,16m, cao hơn TBNN 0,06m và cao hơn những năm gần đây cùng thời điểm. 

Tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) mực nước đạt 1,36m, cao hơn TBNN 0,12m và cao hơn mấy năm gần đây cùng thời điểm. Dự báo xu thế mực nước đầu nguồn ĐBSCL sẽ tăng trong thời gian tới.

Trong tuần thứ 2 của tháng 4/2022, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 1.123m3/s đến 1.916m3/s. Mực nước tại Cảnh Hồng ở mức 536,46m, tương ứng với lưu lượng khoảng 1.332m3/s.

Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 43,8%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 28,7 tỷ m3.

Dự báo dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng 4 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc. 

Cụ thể, dự báo lưu lượng dòng chảy từ Kratie về ĐBSCL tháng 4/2022 đạt 4.730m3/s, cao hơn 2.739m3/s so với trung bình nhiều năm và cao hơn 5/6 mùa khô gần đây (từ mùa khô 2015-2016 đến nay).

Tháng 5/2022, dự báo dòng chảy từ Kratie về ĐBSCL đạt 5.000m3/s, cao hơn 1.708m3/s so với trung bình nhiều năm và cao hơn các mùa khô 2015-2016, 2018-2019, 2019-2020…

Rối loạn hệ sinh thái, đảo lộn quy luật mùa khô và mùa mưa?

Theo phóng viên tìm hiểu, trước đó, trong mùa lũ (từ tháng 8 đến tháng 12/2021), các đập thủy điện ở Trung Quốc tích nước rất lớn. 

Đến mùa khô năm 2022, lượng nước này được các đập xả ra để phát điện. Việc đập thuỷ điện xả nước có tác động tích cực làm giảm hạn, mặn cho vùng ven biển ĐBSCL nhưng vẫn có tác động tiêu cực.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho biết, việc tích nước trong mùa lũ năm 2021 làm cho dòng chảy nước lũ yếu đi, không còn sức mạnh tải bùn cát, phù sa về ĐBSCL. Do thiếu phù sa, thiếu cát sẽ gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL. 

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, việc tích nước nói trên của các đập thủy điện làm biến mất mùa lũ, từ đó đất đai ở ĐBSCL dần bạc màu, mất nguồn thủy sản tự nhiên vào mùa nước nổi.

Chưa dừng lại đó, việc thủy điện xả nước từng đợt trong mùa khô khiến mực nước biến động bất thường, tạo ra những tín hiệu giả của dòng sông, làm cho hệ sinh thái rối loạn. 

"Chẳng hạn, nước dâng lên bất thường trong mùa khô sẽ khiến cá, tôm tưởng mùa nước lũ đã tới nên bơi ngược dòng để sinh sản, khi mùa nước thật đến thì chúng không sinh sản được nữa" - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho hay.

PGS Lê Anh Tuấn - cố vấn khoa học tại Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ cũng cho rằng, nước sông Mekong dâng cao trong mùa khô do đập thủy điện xả nước sẽ gây khó cho người dân vùng ven biển. 

Bởi trong mùa khô, theo PGS Lê Anh Tuấn, nông dân vùng ven biển ĐBSCL cần nước mặn để nuôi tôm. Ngoài ra, việc xả nước còn làm rối loạn hệ sinh thái, đảo lộn quy luật mùa khô và mùa mưa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem