Chúng tôi đã nghe kể rất nhiều về anh Hiếu, nhưng quả thật khi đến thực địa mới thấu được nghị lực vượt khó của anh.
Gia trại của anh Hiếu nằm giữa trảng cát trắng khô khốc ở thôn Linh An, thêm cái nắng hè giữa tháng 6 kết hợp gió Lào rát bỏng khiến cái nóng càng trở nên đáng sợ đến rợn người. Ban đêm, trảng cát trở nên mát mẽ, dịu êm nhưng xung quanh chẳng có bóng người, cảm giác thật ớn lạnh.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (bên phải) chăm sóc đàn lợn và chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp với anh Nguyễn Trịnh Điển - Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong. Ảnh: Ngọc Vũ
Nhìn cái khung cảnh ấy, nhiều người không dám nghĩ tới chứ đừng nói đến chuyện ở lại dựng nhà, chăn nuôi. Thế nhưng, với anh Hiếu, không có nỗi sợ nào hơn nỗi sợ đói nghèo, bởi vậy, anh quyết tâm cùng vợ con lập nghiệp nơi trảng cát hoang đáng sợ ấy.
Anh Hiếu nhớ lại, năm 2015, bằng nguồn tích cóp của gia đình cùng với vốn vay ngân hàng, anh thuê 2 ha đất trảng cát bỏ hoang của xã để thực hiện mô hình chăn nuôi tổng hợp. Lúc đó, trảng cát hoang hóa, chẳng có gì ngoài vài bụi cỏ khô phất phơ trước gió. Anh Hiếu phải bỏ ra 300 triệu đồng kéo điện lưới, thuê máy móc đào hồ nuôi cá, xây chuồng trại nuôi lợn, cất căn nhà nhỏ để ở và san ủi, cải tạo mặt bằng để trồng trọt.
Theo anh Hiếu, chăn nuôi trong thời kỳ thị trường không ổn định cần tính toán để tiết kiệm tối đa chi phí, đặc biệt là thức ăn. Bởi vậy, anh Hiếu chăn nuôi theo dạng vòng tròn khép kín tận dụng thức ăn và đã đạt hiệu quả. Ảnh: Ngọc Vũ
Lúc thấy anh Hiếu ném quá nhiều tiền vào cái trảng cát khô cằn, hoang vắng nhiều thế hệ ở làng Linh An không thèm ngó tới, nhiều người tỏ ra lo lắng, sợ anh thất bại trắng tay rồi chán nản. Thế nhưng, với quyết tâm và sức trẻ, anh Hiếu đã khiến mọi người dần ngã mủ khâm phục.
Sau khi xây dựng hệ thống gia trại xong, đầu năm 2016 anh Hiếu bắt đầu thả nuôi lợn. Anh Hiếu cho biết, mỗi năm anh nuôi 3 lứa lợn với số lượng 600 con (200 con/lứa). Để tận dụng nguồn thức ăn, anh Hiếu thả nuôi thêm cá mè, rô phi trên diện tích hồ khoảng 1.000 m2. Tận dụng mặt hồ, mỗi năm anh Hiếu thả nuôi 4 lứa, mỗi lứa 1.500 con vịt, với giá bán 90.000 đồng/con, sau khi trừ chi phí lãi 30.000 đồng/con. Anh Hiếu còn nuôi thêm 3.000 con gà mỗi năm, trừ chi phí lãi 20.000 đồng/con gà. Tận dụng nguồn phân chuồng từ lợn, gà, anh Hiếu còn trồng trọt thêm các loại hoa màu, hoa trái để có thêm thu nhập.
Mặt hồ anh Hiếu nuôi vịt và tận dụng nguồn phân chuồng từ nuôi lợn để nuôi cá. Ảnh: Ngọc Vũ
Như vậy, dù gia trại mới thành lập nhưng nhờ có kỹ thuật tốt, chăn nuôi theo dạng vòng tròn khép kín, tận dụng nguồn thức ăn của lợn, gà, vịt để nuôi cá đã cho anh Hiếu lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Trịnh Điển – Bí thư Huyện đoàn Triệu Phong cho rằng, mô hình chăn nuôi vòng tròn khép kín, tận dụng nguồn thức ăn của anh Hiếu là kinh nghiệm quý cho những người đam mê, muốn làm giàu từ nông nghiệp. Bình thường làm giàu đã rất khó, nhưng làm giàu ở vùng cát trắng nắng gió hoang vắng này càng khó bội phần.
“Những tấm gương điển hình như anh Hiếu sẽ là động lực rất lớn để các bạn trẻ học hỏi nhằm phát triển kinh tế, góp phần làm thay đổi bộ mặt quê hương. Chúng tôi sẽ cùng các cấp, ngành địa phương tạo mọi điều kiện giúp đỡ để có thêm nhiều mô hình hay như thế này” – anh Điển khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.