Giúp người nghèo không chỉ thoát nghèo ở... tiêu chí

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 18/03/2022 19:24 PM (GMT+7)
Nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thoát nghèo bền vững, thực chất, không phải chỉ thoát nghèo ở tiêu chí, nhiều chuyên gia cho rằng điều quan trọng là phải xây dựng, đa dạng hóa sinh kế phát triển mô giảm nghèo, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người nghèo.
Bình luận 0


Ông Tô Đức chia sẻ về Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025

Triển khai chương trình giảm nghèo giai đoạn mới phải thực chất 

Ngày 18/3, Bộ LĐTBXH phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình GREAT/DFAT, tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng Hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Tô Đức - Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTBXH) cho biết, chương trình nằm trong chuỗi sự kiện, hoạt động triển khai Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2021-2025.

giảm nghèo

Đại biểu tham gia Hội thảo Tham vấn giảm nghèo. Ảnh: K.T

Theo đó, chương trình giảm nghèo quốc gia mới có rất nhiều sự thay đổi từ thiết kế, mục tiêu đến nội dung dự án. Chương trình hỗ trợ cho người nghèo, cộng đồng nghèo theo hướng đa chiều. Đặc biệt, hai chiều chính là nâng cao thu nhập và hỗ trợ những thiếu hụt cơ bản.

 Mục tiêu là giảm nghèo giai đoạn này là đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo và đặc biệt khó khăn.

"Thực hiện mục tiêu bao trùm, xóa nghèo ở mọi nơi, mọi thời điểm. Đồng thời xem xét hỗ trợ giảm nghèo bền vững để người nghèo thoát nghèo bền vững, không phải chỉ thoát ở tiêu chí", ông Tô Đức nhấn mạnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận góp ý kiến thêm cho Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.

Nhấn mạnh thêm việc phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững - một trong những dự án của Chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2021 -2025, ông Tô Đức cho biết: "Qua đánh giá, Bộ LĐTBXH thấy rằng, chỉ cần 1 hộ có một lao động được đào tạo nghề thì hộ đó biết cách tiếp cận thị trường thoát nghèo hiệu quả. Bởi vậy, việc xác định đúng đối tượng, phương thức hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp cho người dân một cách hiệu quả là vấn đề rất quan trọng.

Phát triển, củng cố mô hình dự án sinh kế điểm cho người dân giảm nghèo 

Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả trong các chương trình giảm nghèo, Việt Nam đã cùng nhiều đối tác phát triển, xây dựng, thiết kế chính sách và ứng dụng mô hình điểm trong công tác giảm nghèo.

Chính phủ Australia là một trong số những đối tác đó. Vừa qua đơn vị này đã tài trợ chương trình thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch tại Sơn La và Lào Cai (gọi tắt là Chương trình GREAT/DFAT).

Thông qua việc phân tích bài học kinh nghiệm giảm nghèo từ giai đoạn trước, văn phòng giảm nghèo và các đối tác đã sàng lọc, lựa chọn nhiều điểm mới, có lợi nhằm thiết kế chính sách và xây dựng mô hình sinh kế giảm nghèo theo hướng hiệu quả hơn.

Bà Vũ Thị Quỳnh Anh - Cố vấn trưởng Dự án Chương trình GREAT/DFAT cho biết dự án sinh kế đã thu hút hơn 27.000 phụ nữ tham gia vào các hoạt động trong 10 lĩnh vực của ngành nông nghiệp và du lịch ở 2 tỉnh Sơn La và Lào Cai. 70% trong số này là phụ nữ dân tộc thiểu số, thuộc 20 nhóm dân tộc thiểu số khác nhau nhưng chủ yếu sống ở vùng có tỷ lệ nghèo cao. Sau 3-4 năm triển khai mô hình trồng măng, dự án đã tăng thu nhập cho trên 15 ngàn phụ nữ.

"Qua việc thực hiện, chúng tôi thấy rằng để mô hình sinh kế phát huy tác động giảm nghèo, cần tạo ra được tính liên kết, cùng tham gia từ người nghèo tới địa phương, doanh nghiệp, các tổ hợp tác... muốn làm được điều này, điều đầu tiên cần nâng cao năng lực cho các nhóm tham gia nhất là người nghèo và chính quyền địa phương, bà Quỳnh Anh nói.

giảm nghèo

Chính sách hỗ trợ cây, con giống giúp người dân Gia Lai thoát nghèo. Ảnh: Đình Văn

Dự án trồng, chế biến măng hữu cơ cho chị em phụ nữ ở 3 xã thuộc huyện Vân Hồ (Sơn La) là ví dụ điển hình trong xây dựng mô hình sinh kế giảm nghèo. Ban đầu dự án chỉ thực hiện điểm ở 400 héc ta, nhưng giờ đã mở rộng với quy mô hơn 1.000 héc ta và đang mở rộng ra nhiều huyện khác.

"Trước đây phụ nữ các xã này vào tận rừng sâu lấy măng, nhưng một ngày chỉ thu được vài chục nghìn. Giờ đây khi tham gia mô hình trồng măng hữu cơ, người dân có thu nhập ổn định, bền vững. Tính ra 1 kg măng khô trước chỉ bán được 5.000 đồng giờ bán được 20.000 đồng. Lao động trong chuỗi sản xuất cũng được phân công lại hợp lý, qua đó giảm được thời gian lao động, tận dụng được thế mạnh của từng nhóm (nông dân; tổ hợp tác; doanh nghiệp) trong chuỗi sản xuất, cung ứng", bà Quỳnh Anh .

Qua nhiều năm triển khai, Dự án GREAT đã tập trung vào việc tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các liên kết kinh doanh trong nông nghiệp như gai xanh, chè, rau, dược liệu, quế… và du lịch với các doanh nghiệp đầu chuỗi; đồng thời tăng cường kỹ năng sinh kế cơ bản cho các hộ và phụ nữ để họ tự tin sản xuất và cung cấp các sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp; tư vấn kỹ thuật sản xuất và kinh doanh cho các hợp tác xã để sản xuất theo kế hoạch của doanh nghiệp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem